Bê bối tình dục của cựu Tổng Giám đốc IMF:

Nghi vấn cáo buộc của cô hầu phòng đối với DSK

Thứ Bảy, 02/07/2011, 08:08
Bê bối tình dục liên quan đến cựu Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn có thêm tình tiết mới khi các công tố viên Mỹ thừa nhận họ đang nghi ngờ độ trung thực của lời khai từ nạn nhân là cô hầu phòng tại khách sạn Sofitel ở Manhattan (New York). Cơ hội được trắng án đối với ông Strauss-Kahn đang đến và đây có thể là bước ngoặt giúp chính trị gia này thêm hy vọng quay trở về Pháp để kịp tham gia tranh cử vị trí ứng viên Tổng thống cho đảng Xã hội.
>> IMF có nữ Tổng Giám đốc đầu tiên
Hỗn độn lời khai

11h30 ngày 1/7 (theo giờ Mỹ), ông Strauss-Kahn có mặt tại tòa án ở Manhattan (New York) để nghe thẩm phán đọc yêu cầu. Tại phiên điều trần này, các thẩm phán Mỹ sẽ ra quyết định về việc có tổ chức phiên tòa xét xử ông Strauss-Kahn vào ngày 18/7 như đã định hay không. Nguyên do là vì trong gần một tháng qua, các công tố viên Mỹ đã phát hiện những "lỗ hổng" trong lời khai của nạn nhân là cô hầu phòng người Guinea.

Thẩm phán Michael Obus cho biết, ông Strauss-Kahn sẽ được xét trắng án và tòa án có thể bãi nại vụ kiện đối với ông nếu phát hiện không đủ chứng cứ để buộc tội. Trong khi đó, tờ New York Times dẫn lời một nhân viên điều tra cho hay, nghi vấn xung quanh lời cáo buộc của nữ hầu phòng khách sạn Sofitel ngày càng gia tăng khi cô này liên tục đưa ra những lời khai không thống nhất trong các cuộc trả lời thẩm vấn. Thậm chí, người ta còn cho rằng cô đã nói dối một số tình tiết không có hoặc không có ai làm chứng nhằm mục đích "đánh vào thanh danh, uy tín" của cựu Tổng Giám đốc IMF.

65% người Pháp được hỏi đều tin rằng ông Strauss-Kahn bị oan trong vụ kiện ở Mỹ.

Hãng Reuters dẫn lời nhận định của một thẩm phán cho hay, từ vai trò nạn nhân đáng thương của một vụ xâm hại tình dục, giờ đây, cô hầu phòng người Guinea đang bị nghi là dựng chuyện hoặc thậm chí là được người khác mua chuộc để vu khống ông Strauss-Kahn. Và do không chuẩn bị kỹ lưỡng về tâm lý nên trong quá trình phục vụ công tác điều tra, cô này đã bộc lộ những "sơ hở" của mình. Chẳng hạn về thời gian cũng như những việc cô làm trước và sau khi bị ông Strauss-Kahn cưỡng hiếp. Tiếp đó là lời khai về việc cô từng bị cưỡng hiếp khi mới tới Mỹ năm 2002 nhưng trong hồ sơ tị nạn lại không ghi về việc này...

Khi nhận thấy những mâu thuẫn không đáng có này, các công tố viên đã tìm hiểu về cô hầu phòng và phát hiện cô này có một lý lịch khá bất hảo với những nghi vấn vi phạm pháp luật như buôn bán ma túy và tham gia vào đường dây rửa tiền. Cơ quan điều tra cũng phát hiện một cuộc điện thoại giữa cô hầu phòng với một nam tù nhân vào ngày cô đưa ra cáo buộc bị ông Strauss-Kahn lạm dụng tình dục. Trong cuộc trò chuyện đó, cô hầu phòng còn hé lộ rằng, có thể kiếm được một món tiền lớn nếu kiên quyết theo đuổi vụ kiện của mình

Qua xác minh, người đàn ông nói trên bị tù vì sở hữu 180kg cần sa. Đây cũng là một trong số những người đã trả các khoản tiền mặt đáng ngờ, tổng cộng lên tới 100.000 USD vào các tài khoản ngân hàng do cô hầu phòng đứng tên tại Arizona, Pennsylvania, Georgia và New York. Đó là chưa kể đến hàng loạt số điện thoại khác nhau mà cô hầu phòng đang dùng trong khi cô khai chỉ sử dụng duy nhất một điện thoại...

Chứng cứ từ bên bị

Cho đến sáng 1/7, Sở Cảnh sát New York vẫn từ chối bình luận những thông tin mà báo chí Mỹ đưa tin xung quanh vụ bê bối liên quan đến cựu Tổng Giám đốc IMF. Còn đoàn luật sư đại diện cho cô hầu phòng cũng "biệt vô âm tín". Trả lời tờ Wall Street Journal, luật sư bào chữa cho ông Strauss-Kahn là Benjamin Brafman cho hay, nhiều khả năng, từ những lời khai thiếu căn cứ của nạn nhân, thẩm phán tòa án Manhattan sẽ xem xét việc có nên bãi nại vụ kiện hay không.

Cũng theo tờ Wall Street Journal, góp phần tìm ra sự không trung thực trong lời khai của nạn nhân có hãng điều tra tư nhân Guidepost Solution có trụ sở tại New York và hãng TD International do một nhóm cựu nhân viên CIA thành lập. Hai hãng này đều do đoàn luật sư bào chữa cho ông Strauss-Kahn thuê và chính họ đã cung cấp cho các công tố viên những bằng chứng giá trị để chứng minh cựu Tổng Giám đốc IMF bị oan.

Nhiều nhà phân tích nhận định, những phát hiện mới trong vụ kiện này được coi như một chiến thắng với những người ủng hộ ông Strauss-Kahn bởi trước đó, nhiều người đã bày tỏ nghi ngờ đây là một âm mưu chính trị nhằm vào nhân vật đang được cho là ứng viên sáng giá nhất cho cuộc đua vào vị trí Tổng thống Pháp sắp tới. Cũng vì bê bối này, ông Strauss-Kahn đã buộc phải từ chức Tổng Giám đốc IMF và đóng 1 triệu USD tiền bảo lãnh cùng 5 triệu USD trái phiếu bảo đảm. Ông bị theo dõi 24 giờ mỗi ngày với một con chip gắn vào mắt cá, kèm theo một đội an ninh vũ trang bảo vệ suốt ngày với tổng chi phí lên tới 200.000 USD/tháng.

Tờ Người bảo vệ của Anh cho biết, nếu vụ kiện chống lại ông Strauss-Kahn bị bãi nại, cựu Tổng Giám đốc IMF không những có thể yêu cầu đòi bồi thường danh dự mà còn có thể làm thay đổi cục diện của cuộc chạy đua vào vị trí ứng viên Tổng thống tại Pháp hiện nay. Dự kiến, tuần này, đảng Xã hội sẽ công bố ứng viên chính thức của mình. Song nhiều nguồn tin cho hay, rất có thể, công bố này sẽ được hoãn lại nếu có tin chính thức về vụ kiện chống lại ông Strauss-Kahn

Sông Thương
.
.
.