Nghi án tham nhũng trong Chính phủ Tây Ban Nha

Thứ Bảy, 02/02/2013, 14:37
Trong khi Hội các ngân hàng tiết kiệm Tây Ban Nha (Funcas) thông báo: thâm hụt ngân sách của nước này trong năm 2012 chiếm 7,3% GDP, cao hơn so với mức 6,3% GDP mà Liên minh châu Âu (EU) đặt ra, thì tờ El Pais (một trong những tờ báo có uy tín tại Tây Ban Nha) ngày 1/2 đăng tải thông tin gây chấn động dư luận: Chính phủ Tây Ban Nha bị cáo buộc tham nhũng và Thủ tướng Mariano Rajoy đã nhận tới 250.000 euro.
>> Tây Ban Nha sẽ trở thành Hy Lạp thứ hai tại khu vực Eurozone?

Từ thông tin của tờ El Pais

Ngày 1/2, tờ El Pais đã trích dẫn nhiều tài liệu cho thấy, đảng Nhân dân (PP) cầm quyền của Thủ tướng Mariano Rajoy đã có những tài khoản bí mật để trốn thuế. Những tài liệu (tài liệu kế toán viết tay) do tờ El Pais công bố đã hé lộ danh sách gồm nhiều doanh nhân nổi tiếng của Tây Ban Nha từng hối lộ khá nhiều quan chức cấp cao trong hơn 1 thập kỷ qua và khoản hối lộ gần đây nhất được thực hiện vào năm 2009.

Ngoài Thủ tướng Mariano Rajoy (từ 1997 đến 2008 bị cáo buộc nhận khoảng 34.000 USD/năm) còn có cựu Bộ trưởng Tài chính Rodrigo Rato và nhiều nhân vật cao cấp khác. Ngay sau khi thông tin về việc Thủ tướng Mariano Rajoy từng nhận 250.000 euro, nhưng cơ quan thuế không hề hay biết, phe đối lập lập tức kêu gọi người đứng đầu nội các phải từ chức.

Nhưng theo người phát ngôn của Thủ tướng Mariano Rajoy, bà Maria Dolores de Cospedal cho biết, đảng PP chỉ có duy nhất 1 tài khoản trong sạch, minh bạch với cơ quan thuế và không có điều gì phải giấu giếm. Do đó, sẽ kiện tờ El Pais cũng như bất cứ kênh thông tin nào đăng tải lại thông tin kể trên.

Trong khi bà Maria Dolores de Cospedal đưa ra tuyên bố trên thì cựu lãnh đạo đảng PPJorge Trias Sagnier lại tiết lộ: Các quan chức cấp cao của đảng này từng nhận được những khoản tiền “không rõ nguồn gốc”. Điều này được cựu Chủ tịch Thượng viện Pio Garcia Escudero thừa nhận: Từng nhận một khoản tiền tương ứng với khoản vay mà ông đã nhận để sửa chữa nhà cửa sau khi bị khủng bố tấn công bằng bom.

Vợ chồng Thủ tướng Mariano Rajoy và 2 con trai.

Giới truyền thông cho biết, vụ bê bối kể trên có liên quan đến cựu kế toán trưởng của đảng PP Luis Barcenas, người phải từ chức năm 2009 do dính líu đến nghi án rửa tiền và che giấu 22 triệu euro trong tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ. Giới truyền thông đưa tin, kể từ 2007, luật pháp Tây Ban Nha cho phép các đảng phái chính trị được nhận tiền từ các nhà tài trợ giấu tên, nhưng phải ghi chép rõ ràng và khai báo với cơ quan thuế. Nhưng đảng PP đã “quên”, không tuân theo yêu cầu kể trên.

Tên gọi đầy đủ của Thủ tướng Tây Ban Nha là Mariano Rajoy Brey (sinh ngày 27/3/1955), người lãnh đạo đảng PP đắc cử ngày 20/11/2011. Ông Mariano Rajoy bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm 1981 khi là thành viên của Liên minh nhân dân cánh hữu. Sau khi làm Chủ tịch khu vực Galicia (1982), ông Mariano Rajoy được bầu làm Chủ tịch Hội đồng tỉnh Pontevedra (1986-1991).

Kể từ đó con đường chính trị của ông Mariano Rajoy khá hanh thông. Điều đáng nói là sau khi đảng PP giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử trước thời hạn ở Tây Ban Nha (20/11/2011), chủ yếu do cử tri chán ghét chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ tiền nhiệm, Thủ tướng Mariano Rajoy lại phải đối mặt với những thách thức tương tự. Bởi cho tới nay Tây Ban Nha vẫn ngập sâu trong “vũng bùn khủng hoảng”.

Tới vấn đề nợ công của Tây Ban Nha

Trong khi cơ quan chức năng Tây Ban Nha đang thẩm định thông tin của tờ El Pais, thì người dân nước này đặt câu hỏi: không biết những chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc và tăng thuế mà chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng suy thoái đã tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi trốn thuế có hệ thống hay không.

Theo thống kê, Tây Ban Nha đang rơi vào vòng xoáy của những vụ bê bối tham nhũng liên quan đến nhiều chính trị gia, ủy viên hội đồng thành phố, nhân viên ngân hàng và cả thành viên hoàng gia. Theo một khảo sát gần đây cho thấy, có tới 96% người dân Tây Ban Nha tin rằng, tham nhũng rất phổ biến trong hệ thống chính trị của nước này, bất chấp nền kinh tế đang ngày càng chìm sâu vào suy thoái.

Bộ trưởng Kinh tế Luis de Guindos từng hy vọng, kinh tế nước này sẽ tăng trưởng trở lại vào nửa cuối năm nay, trong khi hoạt động của nền kinh tế đang bị hạn chế bởi chương trình cắt giảm chi tiêu và tăng thuế của chính phủ nhằm tiết kiệm 150 tỷ euro (khoảng 194 tỷ USD) trong giai đoạn 2012-2014.

Thủ tướng Mariano Rajoy cũng nhận định, nền kinh tế đang lao đao vì suy thoái của nước này sẽ tốt lên trong năm 2013 và sẽ tăng trưởng trở lại, tạo thêm việc làm vào năm 2014. Trong khi đó, nhà kinh tế Raj Badiani ở IHS Global Insight lại nhận định, nền kinh tế lớn thứ tư khu vực Eurozone sẽ giảm 0,5% trong quý 1/2013, khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu và triển vọng của năm 2013 và 2014 sẽ không khá hơn năm 2012 bởi ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, dòng tín dụng bị gián đoạn và giá nhà tiếp tục giảm sâu.

Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha cảnh báo, nền kinh tế nước này tiếp tục chìm sâu vào suy thoái trong quý 4/2012, do các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ và tình trạng thất nghiệp cao làm giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước. Theo báo cáo mới nhất của Funcas, trong năm 2012, chính quyền trung ương thực hiện được mục tiêu thâm hụt ngân sách tương đương 4,5% GDP, trong khi chính quyền các vùng và quỹ an sinh xã hội không đạt được mục tiêu đã đề ra.

Funcas dự đoán, năm 2013, thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha sẽ là 5,6% GDP, cao hơn đáng kể so với mức dự báo 4,5% GDP của chính phủ, trong đó thâm hụt ngân sách trung ương sẽ ở mức 3,5% GDP. Còn theo con số của Viện Thống kê Quốc gia Tây Ban Nha: Trong năm 2012, tăng trưởng kinh tế nước này giảm 1,37%. Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo, năm 2013, kinh tế Tây Ban Nha sẽ giảm hơn 1,4%.

Trong khi Thủ tướng Mariano Rajoy bị rơi vào nghi án tham nhũng thì giới truyền thông nước này từng ngợi ca Đệ nhất phu nhân Elvira Fernandez bởi bà được người dân Tây Ban Nha gọi thân mật là Viri vì biết chắt chiu từng đồng công quỹ sau khi thành công trong việc cắt giảm 40% chi tiêu công cho dinh thủ tướng (dinh Moncloa).

Bà Elvira Fernandez đã đưa vào dinh thủ tướng hệ thống quản lý giám sát kỹ thuật mà bản thân từng áp dụng khi còn làm việc ở Telefonica (tập đoàn viễn thông hàng đầu của Tây Ban Nha) và được coi là kín đáo nhất trong số các đệ nhất phu nhân từng sống trong dinh Moncloa. Đệ nhất phu nhân cắt bỏ việc đặt mua các loại tạp chí không cần thiết cùng những kênh truyền hình phải trả tiền, cho tận thu hoa và cây cảnh có sẵn trong vườn. Ngoài ra, bà Viri còn chủ trương mua số lượng lớn thực phẩm với giá rẻ cho dinh thủ tướng...

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.