Nga thưởng cho điệp viên George Blake

Thứ Năm, 15/11/2007, 09:50
Chỉ sau 10 ngày ông George Koval, cố điệp viên hàng đầu của Liên Xô với bí danh Delmar chính thức được ban thưởng do những công lao to lớn, một điệp viên khác cũng được nhận huân chương nhân dịp tròn 85 tuổi.

Buổi lễ trao huân chương vừa được cử hành trọng thể tại hội trường của Cục Tình báo đối ngoại Nga (SVR) tối 12/11.

Tại buổi lễ, cựu Thủ tướng Yevgeny Maksimovich Primakov, cựu Giám đốc SVR đã đọc lời chúc mừng của lãnh đạo Chính phủ Nga và gắn huân chương cho điệp viên George Blake. Ông George Blake sinh ra (11/11/1922) ở Rotterdam trong một gia đình có mẹ là người Hà Lan, bố là người Do Thái gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Mới 13 tuổi, George Blake đã được gửi tới sống và theo học tại một trường ở Cairo, Ai Cập. Sau khi tới sinh sống ở Anh, ông chính thức lấy tên George Blake bởi khi sinh, tên thật của điệp viên này là George Behar.

Có lẽ duyên phận đã định nên sau khi làm quen và muốn kết hôn với Iris Peake, nữ thư ký của MI-6, George Blake bắt đầu cuộc đời điệp viên của mình tại cơ quan tình báo Anh.

Cách đây 63 năm (1944), ông George Blake đã là người của MI-6, nhưng đã bị bắt (1950) sau khi được cử tới Hàn Quốc làm Phó Tổng lãnh sự quán Anh tại nước này.

Sau vụ bắt giữ kể trên, George Blake đã thay đổi quan điểm và chuyển sang làm việc cho Nga. Sau khi trở thành điệp viên của Nga, George Blake đã cung cấp danh tính của hàng chục gián điệp Anh khiến cho MI-6 bị tổn thất không thể tính được.

Giới truyền thông Mỹ cho rằng, đã có hàng trăm điệp viên Anh bị phơi áo vì George Blake.

Một trong những nguyên nhân khiến George Blake nắm được nhiều thông tin quan trọng vì khi đó ông được bổ nhiệm phụ trách công tác tình báo đối ngoại của MI-6. Tin tức được coi là quan trọng nhất mà George Blake đã cung cấp cho Nga là vụ đào đường hầm bí mật mà cơ quan tình báo Mỹ và Anh cùng phối hợp để nghe trộm thông tin từ Bộ Tư lệnh Nga đóng trên đất Đức kể từ khi kết thúc Đại chiến thế giới lần thứ 2.

Nhưng phải 3 năm sau (1953-1956), thông tin do George Blake cung cấp mới được chứng thực và kế hoạch tuyệt mật kể trên được biết tới dưới cái tên "đường hầm Berlin". Lập tức cơ quan tình báo Nga liền tương kế tựu kế để cơ quan tình báo Mỹ và Anh đã "ăn" không biết bao nhiêu tin giả trong một thời gian khá dài.

Mãi tới khi George Blake bị bắt (năm 1961), cơ quan tình báo Mỹ và Anh mới biết bị mắc lừa như thế nào. Sau khi bị bắt, George Blake đã bị kết án 42 năm tù. Nhưng chỉ 5 năm sau bị bắt và kết án (1961-1966), George Blake đã trốn thoát khỏi nhà tù Wormwood Scrubs.

Sau khi tới Nga, George Blake được phong quân hàm Đại tá tình báo. Trước khi bị bắt, cầm tù, George Blake đã lập gia đình và 3 con, nhưng sau khi đào tẩu sang Nga, ông đã xây dựng tổ ấm mới.

Tuy đã ngoài bát thập, nhưng ông George Blake vẫn là chuyên gia huấn luyện cho các nhân viên tình báo Nga.

Được biết, ông George Blake đã xuất bản 2 cuốn hồi ký kể về cuộc đời làm gián điệp của mình.

Trong đó cuốn "No Other Choice" xuất bản năm 1990 đã đem lại cho tác giả 60.000 bảng Anh.

Có một chi tiết đáng quan tâm, đó là sau khi Liên Xô sụp đổ (1991), đã có một số người kiến nghị trục xuất ông George Blake, nhưng phải mất mấy tháng sau quan điểm này mới bị bác bỏ

Quốc Trung
.
.
.