Nga không thương mại hóa chủ quyền

Chủ Nhật, 05/07/2015, 10:19
Tuyên bố tại cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia hôm 3/7, nhằm thảo luận về các vấn đề bảo vệ nền kinh tế và an ninh, Tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định Moskva sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối nội, đối ngoại độc lập, đồng thời khẳng định nước Nga không thương mại hóa chủ quyền của họ.

Ám chỉ việc các nước phương Tây đã và đang tìm cách chia cắt xã hội Nga bằng các lệnh trừng phạt kinh tế, Tổng thống Putin nêu rõ, mọi mưu toan lợi dụng một số khó khăn, một số mắt xích yếu kém, nhạy cảm để chia rẽ gây xáo trộn xã hội Nga đã không mang lại kết quả như mong đợi.

Tổng thống Putin chỉ ra rằng, phương Tây muốn trừng phạt Nga vì Moskva đi theo con đường riêng. Tuy nhiên, Nga “sẽ không hy vọng một số đối thủ địa chính trị của mình sẽ thay đổi cách tiếp cận không thân thiện của họ trong một tương lai có thể dự báo”.

Theo đó, người dân Nga, các lực lượng chính trị chủ chốt cũng như giới doanh nghiệp đều hiểu chuyện gì đang diễn ra và cần phải làm gì. Các biện pháp mà chính quyền Nga áp dụng đã cho phép bình ổn tình hình kinh tế và tài chính cũng như thị trường việc làm, hoạt động của tất cả các ngành kinh tế chiến lược chủ chốt đều ổn định. Đặc biệt, các doanh nghiệp và nhà sản xuất của Nga đã chứng tỏ được họ có thể phát triển trong những điều kiện khắc nghiệt.

Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay. Trong quá trình soạn thảo chiến lược phát triển cần phải nêu chi tiết các nguy cơ đe dọa tiềm ẩn trong lĩnh vực này để xác định tiêu chí và chỉ tiêu giới hạn của nền kinh tế, trong đó nêu những rủi ro đối với an ninh quốc gia, đồng thời cụ thể hoá các biện pháp và cơ chế nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của nền kinh tế Nga trước các yếu tố tiêu cực từ bên ngoài. 

Tổng thống Liên bang Nga Putin phát biểu tại cuộc họp hôm 3/7. Ảnh: Sputnik.

Tổng thống Putin yêu cầu Chính phủ Nga phối hợp với Ngân hàng Trung ương Nga chú trọng việc đảm bảo sự ổn định trong lĩnh vực tài chính, cải thiện cân bằng ngân sách, giảm gánh nặng nợ cho các chủ thể Liên bang tiếp tục chính sách hỗ trợ thay thế nhập khẩu song song với kiểm soát chất lượng hàng hoá. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây không ít thiệt hại cho cả Nga, tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Nga đánh giá lại khả năng của mình và đẩy mạnh phát triển. 

Ngoài ra, Nga không bị cô lập về cả chính trị lẫn kinh tế, mà vẫn tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế với các quốc gia thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập và chủ trương tăng cường hợp tác với các nước thành viên BRICS, như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, và với các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. 

Tổng thống Putin tuyên bố, đường hướng chiến lược trong chính sách đối ngoại của Nga vẫn không thay đổi. Nga luôn mở cửa cho sự hợp tác bình đẳng trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Ông Putin cảnh báo, quan hệ không thân thiện của phương Tây đối với Nga còn kéo dài và cáo buộc phương Tây và Mỹ đã gây ra tình hình bất ổn tại miền Đông Ukraine: “Những ai đã và đang áp đặt lệnh trừng phạt chống Nga, chính họ mới là thủ phạm trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine”. Cũng tại cuộc họp, Tổng thống Putin đã chỉ thị soạn thảo chiến lược an ninh kinh tế Nga tới năm 2030.

Trước đó, Hội đồng An ninh quốc gia Nga đã thông qua quyết định điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia. Theo Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga Nikolai Patrushev, điều này là cần thiết để chuẩn bị chiến lược an ninh kinh tế đến năm 2030, cũng như để thực hiện những thay đổi trong quan niệm về chính sách đối ngoại của Nga. Ông Patrushev cũng chỉ ra rằng, các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây chống lại Nga là nhằm đảm bảo sự thống trị của mình trên thế giới và có mục đích chính trị, theo đó việc làm suy yếu tiềm năng kinh tế của Nga là để tác động tới các chính sách của Nga và để thay đổi ban lãnh đạo ở Nga. Tuy nhiên, ông Patrushev nhấn mạnh các biện pháp này đã không gây thiệt hại lớn cho nước Nga, thậm chí nó còn kích thích sản xuất trong nước và không phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu. Đồng quan điểm với Tổng thống Putin, ông Patrushev cũng cho rằng người khởi xướng cho những sự kiện phức tạp hiện nay ở Ukraine không ai khác chính là Mỹ, và nếu Washington không muốn bình thường hóa tình hình thì tình hình tồi tệ như hiện nay ở Ukraine sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa. “Tôi nghĩ rằng các nước châu Âu đã tham gia vào đàm phán Hiệp định Minsk, họ rất quan tâm đến việc bình thường hóa tình hình xung đột tại Ukraine”, ông Patrushev phát biểu.

Trong một diễn biến liên quan, trong chuyến thăm Đức hôm 2/4, Thủ tướng Italy Matteo Renzi cho rằng, châu Âu đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi liên tục có các biện pháp trừng phạt chống lại Nga: “Đó là một sai lầm khi châu Âu liên tục có các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Tôi không thể tưởng tượng được rằng EU có thể phát triển theo mô hình chống Nga”. Theo ông Matteo Renzi, Moskva vẫn là một đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Theo đó, EU nên suy nghĩ đến cuộc chiến chống khủng bố và sự đóng góp to lớn của Nga trong cuộc chiến này.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.