Nga kêu gọi thành lập liên minh quốc tế chống khủng bố

Chủ Nhật, 06/09/2015, 07:37
Một mặt xem xét lời mời của Mỹ tham gia liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do chính quyền Washington đứng đầu; mặt khác, Nga cũng đang kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng đoàn kết thành lập một liên minh mới chống khủng bố. Với những “nước cờ khá khôn khéo và dứt khoát”, Nga đang dần dần khôi phục vị thế của mình trên trường quốc tế, kể cả khi nước này phải hứng chịu “cơn mưa” trừng phạt trong vấn đề Ukraine.

Đúng như những gì mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói, việc tăng cường mối quan hệ với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có ý nghĩa chiến lược quan trọng với Nga. Đây cũng chính là lý do để người đứng đầu Điện Kremlin thành lập và tham gia Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 1 tại Đại học liên bang Viễn Đông trên đảo Russkyi ở Vladivostok của Nga. Điều đáng chú ý là tại “sân chơi kinh tế mới này”, Nga cũng “không quên” thể hiện vai trò của mình trong các vấn đề quốc tế khác.

Cụ thể là bên lề EEF, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi thành lập liên minh quốc tế chống khủng bố và cực đoan. Đồng thời, ông Vladimir Putin cũng xác nhận rằng ông đã thảo luận với Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi, Jordan và nhiều quốc gia khác về sáng kiến này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa đã khẳng định được vị thế của Nga trên trường quốc tế bằng những phát biểu “tinh tế” tại EEF. Ảnh: AP.

Người đứng đầu Điện Kremlin còn chỉ ra rằng, bước đi tiên quyết vì mục đích phát triển của các nước trên phải là giải quyết vấn đề khủng bố, tiếp theo là khôi phục kinh tế và xã hội, trong đó cần tôn trọng lịch sử, truyền thống, tôn giáo của nhân dân các nước đó. Và chỉ có hợp tác mới có thể đạt được kết quả tích cực còn hành động riêng lẻ và tranh cãi về nguyên tắc dân chủ giả hiệu hay đặt ra “những tiến trình cho riêng một khu vực nào đó” sẽ chỉ càng dẫn đến bế tắc.

Lời tuyên bố mà Tổng thống Nga đưa ra trong thời điểm nhạy cảm khi IS ngày càng mở rộng hoạt động khủng bố và phá hoại ở Syria và Iraq quả thực đã đáp ứng phần nào đó mong mỏi của người dân nước này cũng như cộng đồng quốc tế. 

Trong khi đó, Mỹ, Anh và các nước đồng minh khác thật sự bị động trước “cú ghi điểm” của chính quyền Moskva. Bởi lẽ trước tới nay, với tư cách là người đứng đầu liên minh chống IS, Washington luôn ở thế “chủ động” và thể hiện như tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner rằng sẽ mời Moskva tham gia vào cuộc chiến chống IS. Đáp lại, Tổng thống Vladimir Putin vẫn chỉ nói: “Chúng tôi đang xem xét nhiều phương án song cho đến nay phương án này vẫn chưa nằm trong chương trình nghị sự. Nhưng chúng tôi đã và đang hỗ trợ Syria một cách nghiêm túc bằng thiết bị, vũ khí và huấn luyện các binh sĩ của nước này”.

Theo các nhà phân tích, “nước cờ” nói trên của người đứng đầu Điện Kremlin cực kỳ khôn khéo và hiệu quả. Bởi lẽ, thời gian gần đây, rất nhiều giới chức châu Âu và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lên tiếng gạt bỏ sai lầm về việc “cô lập” Nga. 

Trong bài trả lời phỏng vấn trên tờ Wall Street Journal của Mỹ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng thừa nhận rằng, các nước thành viên NATO không nên từ chối đối thoại với Nga, bất chấp mối quan hệ căng thẳng giữa Moskva và phương Tây do tình hình ở Ukraine. Thậm chí, hôm 4-9, Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders còn khẳng định, Liên minh châu Âu (EU) rất quan tâm tới các cuộc thảo luận với Nga về một loạt vấn đề quốc tế.

Ông Reynders cho rằng sự hợp tác giữa Nga và EU có thể giúp thay đổi tình hình hiện nay tại Syria, đồng thời bày tỏ hi vọng Nga và EU có thể thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria trước cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc trong tháng này… 

Trong khi đó, tờ Spunik thì nhận định, chỉ bằng tuyên bố “hợp cảnh và đúng lúc” của Tổng thống Vladimir Putin, Nga đã một lần nữa khẳng định được vị thế cũng như tầm quan trọng của mình trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.

Gia Nam
.
.
.