Nga đặt điều kiện để cắt giảm vũ khí hạt nhân

Chủ Nhật, 07/06/2009, 08:58
Nga sẽ không cắt giảm vũ khí hạt nhân nếu như Mỹ không đưa ra một quyết định dứt khoát về vị trí đặt các bệ phóng tên lửa và trạm radar trong hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Tuyên bố này của Chỉ huy trưởng lực lượng quân đội Nga Nikolai Makarov đã trở thành thông điệp mới của Moskva tới Washington về những vấn đề đang gây nhiều tranh cãi.

Trả lời phỏng vấn hãng Interfax và Ria Novosti, ông Nikolai Makarov một lần nữa còn khẳng định lại quan điểm của Nga là phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đang dự định xây dựng ở CH Czech và Ba Lan. Kế hoạch này đã bắt đầu được khởi động từ thời chính quyền George Bush và trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến quan hệ Moskva-Washington bị đóng băng.

Ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Barack Obama đã cho biết ông sẽ xem xét lại hệ thống này. Tuy nhiên, dù đưa ra những lời hứa hẹn rất nhã nhặn và thiện chí, song đến nay, phía Mỹ vẫn chưa có một hành động nào cụ thể và đó chính là điều làm chính quyền Moskva không bằng lòng.

Hôm 4/6, Mỹ và Nga đã kết thúc tốt đẹp hai vòng đối thoại toàn diện về tương lai Bản Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới thay thế cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn I (START-1) sẽ hết hiệu lực vào ngày 5/12. Vòng 3 của cuộc đối thoại này dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 tại Geneva (Thụy Sĩ).

Phía Mỹ đã bày tỏ hy vọng rằng hai bên sẽ đạt được đột phá tại vòng 3 này và có thể trình lên những văn bản dự thảo để Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thông qua trong cuộc gặp gỡ tại Moskva vào tháng 7 tới.

Bà Rose Gottemoeller, người dẫn đầu phái đoàn đại diện của Mỹ còn cho biết, Washington sẽ cố gắng hàn gắn những khác biệt trong quan điểm đối với Nga. Tuy nhiên, về vấn đề mà Moskva quan tâm nhiều nhất là hệ thống tên lửa phòng thủ Đông Âu lại không được bà này nhắc đến.

Trên thực tế, từ hồi năm ngoái, Nga đã xúc tiến việc đàm phán với Mỹ về hiệp ước mới. Tuy nhiên, phải đến đầu năm nay, hai bên mới có thể thu xếp để gặp gỡ và trao đổi. Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START-1) được kí kết bởi Mỹ và Liên bang Xôviết ngày 31/7/1991 và có hiệu lực giữa Mỹ, Nga và 3 quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Trên cơ sở Hiệp ước này Belarus, Kazakhstan and Ukraine đã từ bỏ tất cả các loại vũ khí hạt nhân của họ hoặc chuyển giao cho Nga. Mỹ và Nga, mỗi bên đã cắt giảm được khoảng 1.600 tên lửa cùng 6.000 đầu đạn hạt nhân cho đến năm 2002.

Hiệp ước SORT tiếp theo được thông qua tại Moskva quy định đến năm 2012, Mỹ và Nga phải cắt giảm từ 1.700 đến 2.200 đầu đạn hạt nhân. Song cho đến nay cả hai vẫn chưa thực hiện được. Lần này, phía Nga muốn gắn việc đàm phán Hiệp ước cắt giảm vũ khí mới với vấn đề Mỹ triển khai hệ thống tên lửa ở châu Âu và yêu cầu Mỹ phải đưa ra các con số cụ thể.

Hồi tháng 4, tại buổi gặp gỡ đầu tiên bên lề Hội nghị thượng đỉnh ở London (Anh), Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và người đồng nhiệm Mỹ Barack Obama đã thống nhất cần khởi động các vòng đối thoại về Bản Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới trong thời gian sớm nhất có thể. Tháng 7 tới, Tổng thống Barack Obama sẽ có chuyến công du Nga để thảo luận cấp cao nhất về một loạt vấn đề có liên quan.

Theo bản báo cáo mới nhất do Bộ ngoại giao Mỹ công bố, tính đến tháng 1/2009, Nga sở hữu 3.909 đơn vị đầu đạn hạt nhân và 814 phương tiện vận chuyển hạt nhân, trong đó gồm cả các hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược. Trong khi đó, Mỹ sở hữu 5.576 đơn vị đầu đạn hạt nhân và 1.198 phương tiện vận chuyển hạt nhân cùng những tên lửa tương tự

Sông Thương
.
.
.