Nga - NATO: Họp bàn trong bất đồng

Thứ Năm, 30/04/2009, 10:30
Dù cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO ở cấp Đại sứ vẫn diễn ra vào ngày 29/4 như lịch trình cũ, song nó không hề cải thiện được sự bất đồng giữa hai bên, đặc biệt trong bối cảnh NATO vẫn "khăng khăng" tổ chức tập trận ở Gruzia...

Là lần gặp gỡ chính thức đầu tiên sau cuộc xung đột ở Nam Ossetia hồi tháng 8 năm ngoái, cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO ở cấp Đại sứ được coi là hành động nỗ lực mang tính biểu trưng đầu tiên nhằm đưa Moskva và liên minh quân sự này tiến lại gần nhau hơn. Nếu thành công, có thể Nga và NATO sẽ tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào ngày 19/5 tới.

Đại sứ của Nga ở NATO Dmitry Rogozin cho biết: "Cuộc gặp hôm nay là bước đi tiền đề đầu tiên để Nga và NATO xem xét lại các lĩnh vực hợp tác". Tuy nhiên, ông Dmitry Rogozin cũng khẳng định rằng, cuộc gặp sẽ khó có thể diễn ra suôn sẻ do tác động của sự kiện NATO quyết định tập trận tại Gruzia.

Bất chấp sự phản đối kịch liệt từ Moskva, đến nay, Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer vẫn tuyên bố NATO không hủy bỏ cuộc diễn tập ở Gruzia. Ngược lại, "để làm vừa lòng các bạn Nga", NATO đã mời Nga cử thanh sát viên đến tham dự chương trình tập trận, song Moskva đã từ chối.

Trả lời phỏng vấn của báo giới tại trụ sở của NATO hôm 28/4, Đại sứ Dmitry Rogozin cho biết, các quan chức ngoại giao Nga cũng đã có các cuộc tham vấn ở cấp độ thấp với NATO trong vấn đề này. Phía Nga vẫn luôn mong rằng, tiến trình hòa giải và hợp tác Nga - NATO sẽ không bị ảnh hưởng hay gặp khó khăn vì bất kể một vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu NATO không tính đến lợi ích an ninh cho Nga thì những cuộc gặp, thương thảo sẽ khó có thể đi đến hồi kết.

Ngay cả vấn đề an ninh chính trị vùng trời châu Âu - Thái Bình Dương, cả Nga và NATO đều chưa đưa ra được quan điểm thống nhất. Bên cạnh đó là một loạt vấn đề an ninh như ở Afghanistan, Pakistan và một số khu vực khác. Theo quan điểm của Moskva, nên có cả sự hợp tác chặt chẽ giữa NATO và các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Rõ ràng, dù chấp thuận ngồi vào bàn đối thoại, song cả hai bên đều có một thái độ không mấy mặn mà. Đó là chưa kể đến hành động khiêu khích từ Gruzia với tuyên bố của Ngoại trưởng Grigol Vashadze rằng chính quyền Tbilisi không quan tâm lắm tới phản ứng của Nga về hoạt động diễn tập.

Hôm 28/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng có lời đáp lại rằng cuộc tập trận của NATO chỉ càng kích động thái độ hiếu chiến của Gruzia và là tiền đề để nước này mở các cuộc tấn công vào hai vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia...

Các nhà quan sát thế giới nhận định rằng, sau cuộc họp này, sẽ khó có những chuyển biến ngay trong quan hệ Nga - NATO, nhất là khi vấn đề tập trận ở Gruzia chưa được giải quyết. Tuy nhiên, rất có thể, quan hệ Nga - EU lại có bước tiến triển khi mà Moskva vẫn đang kiên trì đường lối thiết lập hệ thống an ninh có lợi cho các bên

Sông Thương
.
.
.