Nga - Mỹ lại khẩu chiến vì cựu nhân viên CIA Edward Snowden

Chủ Nhật, 14/07/2013, 16:40
Một lần nữa Edward Snowden lại khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama phải điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay sau khi cựu nhân viên CIA quyết định xin tị nạn tại xứ sở bạch dương. Tại cuộc gặp với đại diện của 13 nhóm nhân quyền ở sân bay Sheremetyevo, Moskva (chiều 12/7), Edward Snowden cho biết, muốn xin tị nạn tạm thời ở Nga cho tới khi tìm ra cách tị nạn vĩnh viễn ở Nam Mỹ.

Tạm thời tị nạn tại Nga

Theo Thư ký báo chí phủ Tổng thống Nga Peskov, cuộc điện đàm giữa 2 Tổng thống diễn ra theo đề nghị của Mỹ và 2 nhà lãnh đạo đã trao đổi ý kiến về những vấn đề liên quan đến mối quan hệ hợp tác song phương, các chủ đề liên quan đến an ninh và Edward Snowden.

Còn theo phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney, nguyên thủ Nga - Mỹ đã đề cập tới nhiều vấn đề như tầm quan trọng của quan hệ song phương, hợp tác an ninh và chống khủng bố trước thềm thế vận hội mùa đông Olympics Sochi, nhưng chủ yếu tập trung vào Edward Snowden, người đang bị Washington truy nã vì tiết lộ chương trình theo dõi tuyệt mật của chính phủ Mỹ.

Ông Jay Carney cho biết, Tổng thống Barack Obama sẽ thảo luận với Tổng thống Vladimir Putin về Edward Snowden và một số vấn đề khác trước thềm chuyến thăm Nga vào tháng 9. Phát ngôn viên Nhà Trắng cũng cảnh báo, việc cung cấp cho Edward Snowden một diễn đàn tuyên truyền là đi ngược lại các tuyên bố trước đây của Moskva về tính trung lập của Nga và cũng mâu thuẫn với các cam kết của Nga - không muốn cựu nhân viên CIA làm tổn hại thêm các lợi ích của Mỹ.

Trước sự chứng kiến của đại diện 13 tổ chức nhân quyền cùng giới truyền thông tại sân bay Sheremetyevo, cựu nhân viên CIA khẳng định việc chính thức chấp thuận tất cả những đề nghị hỗ trợ hoặc cho tị nạn đã nhận được, cũng như những đề xuất khác có thể nhận được trong tương lai.

Cũng tại cuộc họp báo này, Edward Snowden khẳng định, khi còn làm việc cho chính phủ Mỹ, anh từng có khả năng tìm kiếm, tịch thu, đọc thư tín của bất kỳ ai, ở bất kỳ thời điểm nào mà không cần bất kỳ sự cho phép nào và đây là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp và hiến pháp của nước Mỹ. Edward Snowden cũng khẳng định, không tìm cách bán bí mật của nước Mỹ, không bắt tay với bất kỳ chính phủ nước ngoài nào để đảm bảo cho an toàn của bản thân.

Cách đây mấy hôm (5/7), Edward Snowden từng được cho là đã nhận lời cầu hôn của cựu điệp viên Anna Chapman thông qua mạng xã hội Twitter. Nếu cuộc hôn nhân này thực sự diễn ra, số phận của Edward Snowden sẽ thay đổi - cựu nhân viên CIA sẽ trở thành công dân Nga và nhận được sự bảo hộ từ quốc gia đang cư trú.

Những nhận định khác nhau

Theo nữ phát ngôn viên của sân bay Sheremetyevo Anna Zakharenkova, 13 người đã đến dự cuộc gặp, trong đó có nhà hoạt động Tanya Lokshina của Tổ chức Giám sát Nhân quyền, luật sư Genri Reznik và Sergei Nikitin, Trưởng đại diện Tổ chức Ân xá quốc tế tại Moskva. Edward Snowden tỏ ra khá bình tĩnh, thoải mái, tươi cười và đôi lúc còn pha trò khi phát biểu.

Ngay sau khi biết tin Edward Snowden tổ chức họp báo với các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư tại sân bay Sheremetyevo, rất đông phóng viên đã đổ về đây nhưng họ không được phép vào bên trong.

Theo nhà hoạt động Tanya Lokshina của Tổ chức Giám sát Nhân quyền, Đại sứ quán Mỹ tại Nga đã nhờ bà chuyển một thông điệp đến “kẻ phản bội”, trong đó nói rõ Edward Snowden vi phạm pháp luật Mỹ và phải bị đưa ra xét xử. Bà Tatyana Lokshina cũng cho biết, khi được hỏi liệu có tiết lộ các tài liệu mật của NSA nữa không, Edward Snowden nói rằng: "Công việc của tôi đã hoàn thành".

Giới truyền thông và dư luận quan tâm tới cuộc họp báo của Edward Snowden.

Edward Snowden cũng yêu cầu các nhà hoạt động nhân quyền đề nghị Mỹ và châu Âu không can thiệp vào quá trình tị nạn của mình. Tại cuộc gặp gỡ, Edward Snowden cho biết, cảm thấy an toàn khi ở sân bay Sheremteyevo, nhưng không thể sống mãi theo cách này. Theo giới truyền thông, Edward Snowden cho biết, muốn được xin tị nạn ở Nga bởi không thể bay tới một nơi nào khác trong thời điểm hiện nay.

“Tôi bị chính phủ các nước phương Tây ngăn không cho bay tới các nước Mỹ Latinh đã đề nghị cho tôi tị nạn… Vì vậy, tôi đệ đơn yêu cầu được ở lại nước Nga cho đến khi các nước kể trên làm theo pháp luật và tôi được phép đi lại một cách hợp pháp”, Edward Snowden tuyên bố tại cuộc họp báo ở khu vực quá cảnh sân bay Sheremetievo.

Giới chuyên môn cho rằng, Edward Snowden đã được ai đó “mách nước” khi viện dẫn một số câu được tuyên bố tại Nuremberg, Đức năm 1945: Các cá nhân có nghĩa vụ quốc tế vượt trên cả nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc gia. Do đó, mỗi công dân phải có trách nhiệm vi phạm luật pháp của nước mình để ngăn chặn các tội ác chống lại hòa bình và nhân loại.

Mặc dù được 3 nước Mỹ Latinh là Venezuela, Nicaragua và Bolivia chấp nhận cho tị nạn chính trị, nhưng Edward Snowden chưa thể rời Nga để tới một trong ba quốc gia kể trên bởi vướng 1 số “hủ tục”. Edward Snowden không biết làm thế nào để rời Nga an toàn sau vụ chuyên cơ của Tổng thống Bolivia bị chặn lại. Mọi đường bay dù thế nào cũng đều mạo hiểm vì phải đi qua không phận Mỹ, hoặc đồng minh Mỹ, hoặc qua những cung đường mà không phải máy bay nào cũng có thể bay.

Phản ứng của dư luận

Mặc dù Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov tuyên bố, điện Kremli vẫn chưa nhận được yêu cầu xin tị nạn của Edward Snowden, nhưng về nguyên tắc cựu nhân viên CIA hoàn toàn có thể ở lại Nga nếu ngừng tiết lộ thông tin gây tổn hại cho Mỹ.

Theo luật sư Genri Reznik, người tham dự cuộc gặp giữa Edward Snowden với các nhà hoạt động nhân quyền, cựu nhân viên CIA đã cam kết sẽ không gây tổn hại cho Mỹ và điều đó có nghĩa được ở lại Nga.

Lo ngại Edward Snowden sẽ bị đối xử không công bằng ở Mỹ, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Sergei Naryshkin cho rằng, Moskva nên trao quy chế tị nạn chính trị cho cựu nhân viên CIA. Nhưng thanh tra nhân quyền của Tổng thống Nga, Vladimir Lukin lại cho rằng, sẽ tốt hơn cho Edward Snowden nếu cựu nhân viên CIA yêu cầu Liên hợp quốc hoặc Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế cho tị nạn thay vì tìm kiếm tị nạn ở Nga. Hướng giải quyết này sẽ không gây tổn hại cho mối quan hệ Nga-Mỹ.

Hãng tin Reuters nhắc lại một phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin trước đây - Edward Snowden chỉ có thể ở lại Nga nếu ngưng tiết lộ tin tức hay việc làm hại tới Mỹ. Điều kiện này từng khiến Edward Snowden rút lại đơn xin tị nạn tại Nga (đầu tháng 7).

Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Navi Pillay và các nhà lãnh đạo Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) cũng cho rằng, Edward Snowden cần được bảo vệ khi đã dũng cảm vạch trần các hành động vi phạm nhân quyền của Mỹ

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.