Tiết lộ mới của Edward Snowden:

NSA và GCHQ do thám 1.000 lãnh đạo và các tổ chức từ thiện quốc tế

Chủ Nhật, 22/12/2013, 10:03
Danh sách những cá nhân và tổ chức bị Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) và Cơ quan thông tin chính phủ Anh (GCHQ) do thám dường như kéo dài bất tận bởi lẽ, mỗi ngày, Edward Snowden lại cung cấp thêm cho báo giới nhiều thông tin chấn động.
>> Phải chấm dứt hoạt động do thám điện tử

Theo đó, ngoài 35 nguyên thủ quốc gia từng bị xướng tên là mục tiêu theo dõi của NSA, NSA và GCHQ còn kiểm soát mọi cú điện thoại đến và đi cùng email của hơn 1.000 quan chức cấp cao quốc tế khác và nhiều tổ chức từ thiện trên thế giới.

Hãng Guardian ngày 21/12 cho hay, chương trình do thám nói trên cũng nằm trong chương trình PRISM nhưng là phần thêm. Nghĩa là, ban đầu, NSA và GCHQ chỉ định do thám các Cao ủy của Liên minh châu Âu, tòa nhà chính phủ Đức tại Berlin và các Đại sứ quán Đức ở nước ngoài, Giám đốc các viện nghiên cứu về nhân quyền và tài chính để tìm hiểu về những tài liệu tối mật của Đức, EU hoặc những đề xuất liên quan đến việc trợ giúp phát triển cho Châu Phi. Sau đó, việc do thám được mở rộng ra và nhằm vào một số chương trình phát triển của Liên hợp quốc (LHQ) như Quỹ Nhi đồng LHQ (Unicef), quỹ từ thiện của Pháp Medecins du Monde chuyên cử bác sĩ và các nhân viên y tế tới các vùng xảy ra xung đột, Chủ tịch Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và tổ chức phi lợi nhuận Imboden của Trung tâm Ideas ở Geneva (Thụy Sĩ).

Một tài liệu từ GCHQ cho thấy, năm 2009, cảhai cơ quan an ninh Anh và Mỹ này đều nhắm đến địa chỉ email của đồng minh quan trọng của Mỹ là Thủ tướng Israel lúc bấy giờ lEhud Olmert, Bộ trưởng quốc phòng Israel Ehud Barak. Ngoài ra GCHQ cũng theo dõi các cuộc điện thoại vệ tinh qua lại giữa châu Âu và châu Phi. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Joaquin Almunia, người phụ trách các vấn đề chống độc quyền và từng đối đầu với Tập đoàn công nghệ khổng lổ Google của Mỹ, cũng nằm trong danh sách bị do thám. Khi được tờ New York Times liên hệ, ông Almunia cho biết ông "hết sức bất bình" với vụ do thám được tiết lộ này.

Ngày càng có thêm nhiều thông tin được tiết lộ xung quanh chương trình do thám của NSA và GCHQ.

Các mục tiêu khác của NSA và GCHQ còn bao gồm Tập đoàn dầu khí Total; Công ty quốc phòng Thales Group; Nicolas Imboden – người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ có hoạt động hỗ trợ phát triển cho các nước châu Phi; ban lãnh đạo của tổ chức Human Right Watch, Privacy International và Big Brother Watch… Ngay cả Chủ tịch hiện tại của Liên minh châu Phi, đặc phái viên của LHQ tại Darfur Mohamed Ibn Chambas cùng một loạt nguyên thủ khác ở châu Phi cũng là nạn nhân của hoạt động do thám này.

Vậy NSA và GCHQ thực hiện các hoạt động do thám trên toàn thế giới như thế nào? Các tài liệu mà hai hãng thông tấn của Đức và Mỹ là tạp chí Der Spiegel và tờ The New York Times khẳng định, từ năm 2008-2011, NSA và GCHQ thực hiện hơn 1.000 mục tiêu tại hơn 60 quốc gia khác nhau. Hỗ trợ cho hoạt động do thám là một trung tâm kiểm soát thông tin được đặt tại khu nghỉ bên bờ biển có tên là Cornish ở Bude, phía Bắc Cornwall, Anh. Nơi này giúp NSA thu thập thông tin xuyên đại dương và thực hiện việc theo dõi thông qua hệ thống vệ tinh liên lạc giữa châu Âu và châu Phi. Tham gia hoạt động tại đây còn có một số công ty chuyên về công nghệ thông tin và bảo mật. Mỗi một cá nhân và tổ chức nằm trong chương trình theo dõi này đều được đặt “nick name” riêng và có cả một folder tài liệu được lưu giữ cẩn thận. Bên cạnh đó, cơ sở bí mật của Anh đặt tại Trung Đông cũng hỗ trợ phần xâm nhập hệ thống dây cáp quang ngầm ở Trung Đông để thực hiện hành vi theo dõi lén, sau đó chuyển thông tin về một căn cứ của GCHQ ở Cheltenham, miền Tây nước Anh…

Hiện chưa có xác nhận cũng như bác bỏ thông tin này từ phía NSA và GCHQ. Nhưng theo các nhà phân tích, những tiết lộ mới có thể gây sóng gió cho quan hệ EU – Mỹ và giữa Anh với các quốc gia trong khu vực. Bởi lẽ trước đó, nhiều tổ chức ở EU đã bày tỏ lo ngại về việc NSA có thể thực hiện hoạt động do thám ở châu Âu để phục vụ mục đích kinh tế cho các công ty và tập đoàn lớn ở Mỹ. Hơn nữa, ngay tại Mỹ, nhiều quan chức nước này cũng đã lo ngại rằng, bê bối do thám của NSA có thể khiến cho nước Mỹ trượt dài dưới dốc “mất lòng tin” của cộng đồng quốc tế và điều này thì cực kỳ nguy hiểm cho một quốc gia vốn vẫn tự coi mình có quyền được “phán xét nước khác” và là “đầu tàu của thế giới”..

Hôm 16/12 vừa qua, thẩm phán liên bang khu vực thủ đô Washington Richard Leon trong bản phán quyết đầu tiên của tòa án tối cao Mỹ liên quan đến loạt vụ kiện về chương trình do thám bí mật của NSA đã xác định, việc NSA bí mật nghe lén điện thoại của hơn 5 triệu người trên toàn thế giới, trong đó có hàng triệu công dân Mỹ, là vi phạm Hiến pháp, xâm phạm điều luật về quyền riêng tư của các cá nhân. Thẩm phán Richard Leon đã ra lệnh cho Chính phủ Mỹ ngừng các hoạt động thu thập và nghe lén điện thoại đối với khách hàng của hai tập đoàn AT&T và Verizon; yêu cầu chính phủ Mỹ hủy tất cả các dữ liệu mà NSA đã thu thập từ các cuộc nói chuyện điện thoại của công dân Mỹ

Ngọc Khuê
.
.
.