Tiết lộ thêm về chương trình PRISM của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA):

NSA từng nghe lén các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an LHQ

Thứ Ba, 30/07/2013, 09:11
Sử dụng biện pháp do thám và nghe lén trong chương trình PRISM, Mỹ đã đạt được thành công khi khởi xướng và nhận được lá phiếu ủng hộ của các quốc gia thành viên thường trực và không thường trực của Hội đồng Bản an Liên hợp quốc (LHQ) về các biện pháp mới trừng phạt Iran vì chương trình hạt nhân của nước này hồi năm 2010. Những thông tin mới về chương trình PRISM do tạp chí Epoca tiết lộ một lần nữa lại gây xôn xao dư luận, nhất là khi phóng viên điều tra Glenn Greenwald khẳng định rằng, những nhà phân tích cấp thấp cũng có thể truy cập kho dữ liệu thông tin về các cuộc điện thoại và email của công dân Mỹ.
>> Tổng thống Mỹ Barack Obama từng bị theo dõi

Mở đầu bài báo, tạp chí Epoca xuất bản tại thành phố Sao Paulo đã khẳng định rằng, Tổng thống Brazil lúc bấy giờ là ông Luiz Inacio Lula da Silva đã trở thành mục tiêu giám sát hàng đầu, bị lực lượng tình báo Mỹ theo sát hàng ngày. Nguyên do là vì thời điểm đó, ông thường xuyên đi lại giữa các quốc gia từ Iran tới Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon… để tìm kiếm sự ủng hộ cho giải pháp chính quyền Tehran cam kết làm giàu uranium ở bên ngoài biên giới.

Nhận thấy khả năng thành công của ông Lula da Silva, Mỹ đã giao cho Cơ quan an ninh quốc gia tiến hành hoạt động tình báo đối với nhiều quốc gia khác là thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, kể cả các thành viên thường trực và không thường trực. Các hoạt động này nhằm thu thập và cung cấp thông tin cho đại diện của Mỹ tại LHQ khi đó là bà Susan Rice, về quan điểm của các nước này trước khi tiến hành bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt Iran.

Ngoài ra, động thái này còn giúp Washington có được thuận lợi lớn hơn trong các cuộc thảo luận với những nước thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an LHQ. Trong 6 tháng liền, hàng ngày, NSA đều gửi báo cáo tình báo cho bà Susan Rice. Tạp chí Epoca khẳng định, có đến 9 trong tổng số 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ bị do thám, trong đó có Pháp, Brazil, Nhật Bản, Mexico…

Hiện chưa có phản ứng chính thức nào từ các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an LHQ. Tuy nhiên, những tiết lộ mới cho thấy, quy mô của chương trình PRISM đã trải dài và mở rộng trên phạm vi toàn thế giới.

Đa số người dân Đức bày tỏ sự phản đối về chương trình do thám PRISM, TEMPORA và INDECT, biểu tình đòi công lý và tự do cho “những người thổi còi” như Edward Snowden, Bradley Manning…Ảnh: Reuters.

Đáng chú ý là trong khi thông tin của Epoca còn đang khiến dư luận ngỡ ngàng thì phóng viên hãng Guardian Glenn Greenwald lại hé lộ thêm những góc khuất trong hoạt động của NSA. Theo đó, chương trình PRISM của cơ quan này, ngoài việc do thám các công dân, còn cho phép các nhà phân tích tình báo cấp thấp được truy cập, tìm kiếm những thông tin mang tính cá nhân của người dân Mỹ thông qua kho dữ liệu khổng lồ gồm các cuộc điện thoại và thư điện tử.

Trả lời hãng ABC News, Glenn Greenwald nói: “Chỉ cần đánh tên của địa chỉ email, toàn bộ dữ liệu mà PRISM thu thập được sẽ hiện ra. Glenn Greenwald khẳng định, sự cho phép này của NSA là vi phạm luật pháp, vi phạm quyền riêng tư của mỗi cá nhân và việc này cần phải được đưa ra xét xử tại tòa án FISA.

Nhà báo người Mỹ này cũng khẳng định, thông tin mà ông có được do Edward Snowden cung cấp và cho đến nay, theo điều tra riêng của ông, đó là sự thật 100%. Glenn Greenwald khẳng định, những gì ông mới tiết lộ là nhằm cung cấp thêm cho các Thượng nghị sỹ Mỹ thông tin về chương trình PRISM để họ có thể đưa ra thêm nhiều câu hỏi đối với Giám đốc NSA Keith Alexander trong buổi điều trần về PRISM tại Thượng viện dự kiến diễn ra vào ngày 31/7 tới.

Glenn Greenwald còn cho biết thêm rằng, NSA đã biết về “lỗ hổng động trời” này nên hồi giữa tháng 7 vừa qua mới ra lệnh thay đổi các thủ tục tiếp cận kho tin tức tuyệt mật. Các biện pháp cụ thể được áp dụng gồm phân loại và phong tỏa thành từng cụm tin, không để chung trong một kho lưu trữ như trước đây.

Tiếp đó là quy định "chế độ hai người", tức là khi một người muốn tiếp cận các tin tình báo tuyệt mật thì phải làm việc đó cùng với một đồng nghiệp, chứ không được một mình tự do như trước đây

Hà Linh
.
.
.