Mỹ xúc tiến tìm kiếm đồng minh ở châu Á

Thứ Bảy, 30/05/2009, 09:45
Mặc dù mãi đến 30/5, Hội nghị an ninh châu Á tại Singapore mới chính thức khai mạc, song Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã có mặt trên quốc đảo sư tử này từ ngày 29/5 với mục đích chính là tìm kiếm và thành lập đồng minh ở khu vực Viễn Đông nhằm đối phó với những thách thức từ CHDCND Triều Tiên.

Vấn đề thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng cũng là chương trình nghị sự trọng tâm mà ông Robert Gates định đưa ra nhằm thuyết phục đại biểu của hơn 20 quốc gia tham dự Hội nghị.

Ngay khi vừa đặt chân tới Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã có các cuộc gặp gỡ với quan chức chính phủ và giới chức quốc phòng nước này. Trước thềm Hội nghị an ninh châu Á, ông Robert Gates cũng hội đàm riêng với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc.

Giống như những gì mà Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố, ông Robert Gates một lần nữa đã khẳng định quyết tâm bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc của chính quyền Washington.

Hai tàu chiến của Hàn Quốc đang tuần tra ở vùng biển gần đảo Yeonpyeong. Ảnh: AP.

Nhận xét về sự căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tỏ ra quan ngại về mức độ khủng hoảng hiện nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thậm chí đã đe dọa rằng, Washington có thể sẽ dùng tới hành động quân sự nếu có những diễn biến phức tạp hơn và quyết định này sẽ được tiến hành dựa trên sự thống nhất mang tính quốc tế.

Tuy nhiên, ông Robert Gates cũng khẳng định rằng, Mỹ chưa thấy bất kỳ động thái nguy hiểm nào từ phía CHDCND Triều Tiên để buộc nước này phải tăng viện cho lực lượng 28.000 binh sĩ đang đồn trú ở Hàn Quốc. Ông cũng khẳng định bất kỳ hành động quân sự nào cũng cần được cân nhắc, quyết định và tiến hành dựa trên sự thống nhất mang tính quốc tế.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc còn đưa ra gợi ý rằng đàm phán 6 bên gồm Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên và Mỹ cần phải được nối lại càng sớm càng tốt nhằm mục đích xóa bỏ tất cả các loại vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lại cho rằng, đối thoại song phương Mỹ-CHDCND Triều Tiên vào lúc này lại chưa thích hợp.

Dự kiến, trong Hội nghị an ninh châu Á, ông Robert Gates sẽ là người đưa ra các đề xuất bàn thảo về vấn đề CHDCND Triều Tiên trong đó có việc áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế và quân sự đối với Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân. Sau đó, ông Robert Gates sẽ tới Philippines để bàn cách phòng chống khủng bố và tương lai hoạt động của 600 binh sĩ Mỹ tại quốc gia  này.

Rõ ràng, thông điệp mà ông Robert Gates mang theo trong chuyến công du châu Á lần này là khá cứng rắn. Phía Mỹ đã tỏ thái độ không khoan dung trước những động thái mới đây của CHDCND Triều Tiên.

Bằng chứng là khi chiếc máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng vừa cất cánh rời thủ đô Washington D.C thì Tướng George Casey, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ đã tuyên bố, Mỹ có thể đánh CHDCND Triều Tiên theo kiểu cũ, nếu cần thiết, trong khi vẫn tiếp tục những hình thức xung đột mới hơn để chống khủng bố và cực đoan.

Giới phân tích nhận định rằng, với những động thái như tăng quân, đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, nâng mức báo động, kiểm soát an ninh chặt chẽ và đưa ra những tuyên bố đe dọa..., cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên đều đang chơi trò chơi "mèo vờn chuột". Cái đáng lo ngại nhất hiện nay chính là sự quá đà của các bên có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

Hiện tại, căng thẳng xung quanh vấn đề CHDCND Triều Tiên đã tác động tiêu cực tới các hoạt động trên vùng biển trong khu vực. Trên bàn hội nghị quốc tế, nhóm "P 5+2" gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn không tìm được tiếng nói chung và chưa đạt được thỏa thuận về nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an LHQ đối với CHDCND Triều Tiên

Sông Thương
.
.
.