Mỹ và chiến lược mới tại châu Á – Thái Bình Dương

Thứ Năm, 27/08/2015, 14:22
Mỹ có kế hoạch tăng cường các cuộc tập trận và các hoạt động nhân đạo tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây được xem như một phần trong chiến lược mới nhằm kiềm chế sự bành trướng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Philippines, Tướng Hernando Iriberri, nhân chuyến thăm Manila, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Chiến lược An ninh Biển Châu Á - Thái Bình Dương do Lầu Năm Góc mới công bố, trong đó coi Biển Đông và Trung Quốc là mối quan tâm đặc biệt của Mỹ.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Quân đội Philippines, Đại tá Restituto Padilla cho biết, chiến lược này phác thảo những nhiệm vụ của Washington về an ninh biển trong khu vực (biển Đông và biển Hoa Đông) mà Lầu Năm Góc thừa nhận là vẫn chưa được quan tâm đầy đủ. Trong đó, nổi lên là 3 nhiệm vụ: Tập trung vào việc duy trì tự do hàng hải trên biển; ngăn chặn xung đột và dọa dẫm; thúc đẩy sự tuân thủ các tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế.

Hải quân Mỹ bố trí gần 60% lực lượng tại châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy.

Các nhiệm vụ này được coi là đặc biệt quan trọng trên khu vực Biển Đông trong bối cảnh các báo cáo gần đây của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ và Lầu Năm Góc đều bầy tỏ quan ngại về sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc.

Báo cáo trên cũng đặc biệt lưu ý đến việc Trung Quốc tăng tốc việc cải tạo đảo phi pháp ở Biển Đông và tổng diện tích các đảo bị Trung Quốc cải tạo đã lên tới con số 11km2. Điều này đã buộc giới chức Mỹ phải lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải ngừng ngay hành động cải tạo làm thay đổi hiện trạng tự nhiên trong khu vực.

Không chỉ dừng lại ở lời nói, Mỹ cũng thể hiện rõ cam kết của mình với dự định điều tới 60% số tàu Hải quân và máy bay đến Thái Bình Dương vào năm 2020.

Để phục vụ cho dự định này, Mỹ hiện đang nâng cấp một tàu sân bay và đã điều 3 tàu khu trục tang hình tối tân, 1 tàu đổ bộ tấn công, 2 tàu khu trục mang tên lửa Aegis cùng một tàu ngầm tấn công và nhiều máy bay hiện đại đến khu vực. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đẩy mạnh chi tiêu nhằm hiện đại hóa số vũ khí của mình với mục tiêu dài hạn là nhằm tăng cường sức mạnh của các loại tên lửa.

Liên quan tới chiến lược này, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hải quân Mỹ (PACFLT), Đô đốc Scott Swift hôm 25/8 giải thích: “Điều này không phải là một sự phản ánh về khả năng của Mỹ để hỗ trợ cho kế hoạch tái tập trung, mà là một sự phản ảnh của cảm giác lo lắng trong khu vực”.

Đô đốc Swiff nêu rõ, tại tất cả những nơi ông đến thăm, các giới chức đều cảm thấy “hết sức lo lắng” vì “kích cỡ” của những công trình lấp biển lấy đất của Trung Quốc ở biển Đông: “Tất cả các đối tác đều bày tỏ mối quan tâm và sự bất an về những gì có thể giữ được trong tương lai”.

Từ đó, bên cạnh việc tìm cách trấn an đối tác về cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á -  Thái Bình Dương, Đô đốc Swiff cũng nhấn mạnh tầm quan trọng về “một mối quan hệ tích cực” với Trung Quốc.

Cụ thể ông Swiff bày tỏ hi vọng về việc nới rộng những sự tiếp xúc với hải quân và lực lượng tuần duyên Trung Quốc để tìm cách “giảm thiểu những yếu tố bất ổn đang tồn tại trong khu vực”. Cùng với đó, Mỹ còn mời Trung Quốc tham gia cuộc Tập trận Vành Đai Thái Bình Dương năm 2016 giống như 2 năm trước.

Trước những biện pháp nhằm “hạ nhiệt nguy cơ đối đầu” của Mỹ, Giáo sư Peter Dutton tới từ Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ đã lên tiếng cảnh báo: “Mọi quy định, nguyên tắc, chuẩn mực và luật pháp nhằm đảm bảo ổn định hàng hải trên toàn cầu trong thế kỷ XX đang phải gánh chịu những áp lực ghê gớm từ những hành vi hiếu chiến hiện nay của Trung Quốc”.

Đồng quan điểm, Giáo sư Andrew Erickson thuộc Trường Hải chiến Mỹ cho rằng, chiến lược của Lầu Năm Góc là một bước đi tích cực, nhưng không đủ sức ngăn chặn dã tâm của Trung Quốc.

Theo ông, cho dù Trung Quốc đã có rất nhiều hành vi bị cho là quá đáng, nhưng Mỹ vẫn có những lời lẽ thiếu dứt khoát, gần như là đánh đồng các hành động xây đảo của Trung Quốc với hành động của nước khác chẳng hạn. Giáo sư Erikson nêu rõ, Mỹ phải “đi xa hơn và nói rõ cái gọi là đường 9 đoạn của Bắc Kinh không có cơ sở theo luật pháp quốc tế”.

Khổng Hà
.
.
.