Mỹ triển khai trạm radar ở Australia

Thứ Năm, 15/11/2012, 08:32
Những cam kết của Mỹ trong việc sẽ dần hướng trọng tâm về châu Á dường như đã thành sự thật khi vào ngày 14/11, tại cuộc đối thoại chính sách và chiến lược hàng năm với Thủ tướng Australia Julia Gillard, Ngoại trưởng Bob Carr và Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã thuyết phục được giới chức Australia cho phép Mỹ triển khai một trạm radar mạnh cùng một kính viễn vọng không gian tiên tiến ở nước này.

Trả lời trong cuộc họp báo sau cuộc đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith cho biết, việc triển khai trạm radar C-band “sẽ hỗ trợ đáng kể cho việc theo dõi bụi không gian ở khu vực của Australia”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta gọi đây là bước tiến mới trong hợp tác vũ trụ song phương và là mặt trận mới quan trọng trong chiến lược của Mỹ nhằm tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Hãng AFP dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng khẳng định, thỏa thuận mới này sẽ tạo tiền đề giúp Mỹ lần đầu tiên triển khai trạm radar ở cực Nam của châu Á-Thái Bình Dương, tạo điều kiện tốt hơn cho Mỹ trong việc theo dõi các chương trình phóng lên vũ trụ của Trung Quốc. Giới quan sát nhận định, cùng với việc lên kế hoạch xây dựng một hệ thống lá chắn tên lửa mới ở châu Á, Mỹ đang dần “dàn trận phòng thủ ở châu Á” để gia tăng ảnh hưởng và kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc – quốc gia vốn đang được coi là “đối thủ nặng ký”, có thể “đánh bật” Mỹ khỏi vị trí hiện nay trên trường quốc tế. Hơn nữa, việc “quan tâm” đến châu Á của Mỹ cũng là cách thức để nước này tìm kiếm những nguồn lợi mới từ “mỏ tài nguyên” mà khu vực châu Á- Thái Bình Dương đang sở hữu.

Theo tin từ hãng AFP, hiện trạm radar C-band đang được đóng ở Antigua, tại một căn cứ của không quân Mỹ tại Australia. Với thỏa thuận mới này, Mỹ sẽ có quyền được lắp thêm một kính viễn vọng do thám không gian (SST) mới nhằm theo dõi các vật thể nhỏ ở cách trái đất khoảng 35.000km.

Từ trái sang phải: Ngoại trưởng Australia Bob Carr, Thủ tướng Australia Julia Gillard, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith trong cuộc họp ngày 14/11. Ảnh: Reuters.

Kính viễn vọng mới này sẽ do đơn vị nghiên cứu công nghệ cao DARPA của Lầu năm góc phát triển. Vị trí đặt kính viễn vọng này dự kiến ở cực Tây Bắc của Australia và Mỹ sẽ giúp lắp đặt, chạy hệ thống C-band cũng như huấn luyện cho Australia điều khiển trạm này. Chi phí để trạm radar hoạt động vào khoảng 30 triệu USD, trong khi chi phí duy trì hàng năm sau đó rơi vào khoảng 8-10 triệu USD. Những động thái này được cho là hoàn toàn phù hợp với phát biểu trước đó của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á Kurt Campbell rằng, Mỹ sẽ không thay đổi chính sách cũng như các cam kết đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sẽ tích cực can dự vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương bởi Mỹ có nhiều lợi ích về an ninh cũng như kinh tế tại khu vực này và đây là chính sách nhất quán của Chính phủ Mỹ.

Mỹ đã triển khai một đơn vị lính thủy đánh bộ gồm 250 binh sỹ tới Australia và con số này sẽ tăng lên 2.500 binh sỹ vào năm 2016. Để tăng cường ảnh hưởng hơn nữa, Washington cũng đang cố gắng thảo luận với chính phủ Australia để được cho phép  tiếp cận các sân bay ở Bắc Australia cũng như các quân cảng gồm Stirling, gần Perth...

Trong bài phát biểu tại Trường Đại học Tây Australia hôm 13/11, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhắc lại cam kết của Mỹ về việc tăng cường hợp tác quân sự và tài chính với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đề cập đến việc ký thỏa thuận giữa Australia và Mỹ, hải quân Mỹ đồn trú tại thành phố Darwin - một phần của kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương

Gia Nam
.
.
.