Mỹ thận trọng đối phó với Trung Quốc?

Thứ Năm, 24/06/2021, 06:39
Trong lá thư đăng tải hôm 22/6 (giờ địa phương), Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đánh giá quan hệ Mỹ-Trung đang đứng trước ngã rẽ quan trọng: đối thoại hoặc đối đầu. 


Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên đường đến châu Âu, nối tiếp chuyến công du của Tổng thống Joe Biden. Phải chăng, Washington đang lựa chọn một trong hai ngã rẽ này trong quan hệ với Bắc Kinh, thông qua việc thắt chặt xây dựng liên minh với phương Tây?

Trong bức thư gửi cộng đồng người Trung Quốc tại Mỹ trước khi rời nhiệm sở, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải khẳng định, trong 42 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ, hai bên đã đạt được nhiều thành tựu lịch sử, lợi ích giữa hai nước cũng được gắn bó chặt chẽ với nhau.

Mỹ dường như đang thận trọng lựa chọn cách tiếp cận mới để đối phó với Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Song, nhà ngoại giao này cho rằng, quan hệ Trung - Mỹ hiện đang ở ngã ba đường, theo đó chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đang trải qua vòng tái cấu trúc mới buộc hai nước phải đối mặt với sự lựa chọn giữa đối thoại hợp tác và đối đầu xung đột. Giữa lúc chính quyền Tổng thống Joe Biden nỗ lực xem xét lại chính sách với Bắc Kinh, ông cho rằng cộng đồng người Trung Quốc tại Mỹ cần gánh vác trách nhiệm là lực lượng thúc đẩy vững chắc, đóng góp tích cực vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ hai nước.

Ông Thôi Thiên Khải trở thành Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ từ tháng 4/2013 và cũng là Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ lâu nhất từ trước đến nay. Tuyên bố của nhà ngoại giao kỳ cựu này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc thời gian qua có mâu thuẫn trong nhiều vấn đề như thương mại, công nghệ và an ninh khu vực.

Hồi đầu tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã ký sắc lệnh mở rộng danh sách trừng phạt nhằm vào 59 công ty Trung Quốc có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Reuters nhận định, bước đi này cho thấy chính quyền hiện nay tại Nhà Trắng không những tiếp tục duy trì một số chính sách cứng rắn triển khai từ thời cựu Tổng thống Donald Trump, mà còn mở rộng kế hoạch mới của ông Biden nhằm đối phó với Bắc Kinh.

Cũng trong ngày 22/6, vài ngày sau chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã quay lại châu Âu để tiếp tục mục tiêu xây dựng liên minh phương Tây. Ông Blinken dự kiến tới Berlin, sau đó sẽ tới Paris và Rome để gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cùng với các nhà lãnh đạo Vatican.

Ngoại trưởng Mỹ sẽ khép lại chuyến công du sau hội nghị cấp bộ trưởng Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 29/6 ở TP Matera của Italia. "Chuyến công du này là một sự tiếp nối ưu tiên mà Tổng thống Biden đang thực hiện nhằm tái xây dựng mối quan hệ với các đồng minh", Phil Reeker, một nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ về châu Âu cho hay.

"Sức mạnh của mối quan hệ này sẽ đặt nền tảng cho nhiều ưu tiên về chính sách đối ngoại, trong đó có sự khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19 và đối phó với các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên thế giới", nhà phân tích này nhận định. Trước đó, trong chuyến công du của mình, Tổng thống Biden đã đề xuất một kế hoạch cơ sở hạ tầng quy mô lớn của các nước công nghiệp G7, nhằm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đồng thời dẫn dắt Hội nghị Thượng đỉnh NATO xem xét rõ ràng mối đe dọa từ Trung Quốc.

Kết quả thu được tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 được cho là một thành công lớn của Tổng thống Mỹ Joe Biden - người đang cố gắng tập hợp các đồng minh và đối tác ngoại giao để chống lại những gì mà Washington coi là mối đe dọa lớn nhất đối với thương mại, công nghệ và các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược khác.

Trong một diễn biến có liên quan, trả lời phỏng vấn Fox News ngày 20/6 về việc hợp tác điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói: "Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi sẽ không đưa ra bất cứ đe dọa hay tối hậu thư nào. Điều mà chúng tôi sẽ làm là tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Nếu Trung Quốc từ chối tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế, khi đó chúng tôi sẽ cân nhắc phản ứng và trên cơ sở phối hợp với các đối tác, đồng minh".

Quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh: "Hoặc họ (Trung Quốc) cho phép các nhà điều tra tiếp tục công việc để tìm hiểu nguồn gốc đại dịch hoặc họ sẽ phải đối mặt với sự cô lập của cộng đồng quốc tế". Điều này càng cho thấy chính sách mới cứng rắn của Mỹ nhằm kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và gây áp lực với Trung Quốc trong nhiều vấn đề, trong đó có cả COVID-19.

Mặc dù vậy, tờ Financial Times ngày 23/6 dẫn các nguồn thạo tin cho biết Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận khả năng tổ chức một cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề hội nghị cấp bộ trưởng G20, một động thái có thể tạo nền tảng cho cuộc gặp song phương cấp cao giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị các nhà lãnh đạo G20 diễn ra tại Rome vào tháng 10 tới. Politico cho rằng, Washington vẫn đang thận trọng đưa ra những lựa chọn cả đe dọa cứng rắn lẫn đối thoại mềm mỏng nhằm điều chỉnh chính sách mới với Bắc Kinh, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang tồn tại nhiều bất đồng thương mại.

An Nhiên
.
.
.