Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á

Thứ Sáu, 06/01/2012, 10:46
Cắt giảm ngân sách quốc phòng và tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á thay vì quan tâm tới châu Âu, châu Phi và Mỹ Latinh như trước đây... là một trong những trọng tâm của chiến lược quốc phòng mới của Mỹ được Lầu Năm Góc công bố chính thức ngày 5/1.

Tin từ tờ Times cho hay, trong bối cảnh vừa kết thúc hai cuộc chiến kéo dài và đầy tốn kém ở Afghanistan, Iraq, Mỹ quyết tâm điều chỉnh lại chiến lược an ninh cho phù hợp với tình hình mới. Theo đó, vì không phải lo tài chính cho hai cuộc chiến nên Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch cắt giảm khoảng 400 tỷ USD ngân sách trong vòng 12 năm tới. Điều đó cũng có nghĩa là Mỹ sẽ còn phải xem xét lại những khoản tài trợ quân sự mà quốc gia này đang thực thi ở châu Âu (cụ thể là hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu gây nhiều tranh cãi với Nga) và hạn chế việc thực hiện chương trình vũ khí.

Mặt khác, với sự trỗi dậy ngày càng lớn của Trung Quốc, Mỹ buộc phải chú ý tới châu Á, tìm kiếm các đồng minh mới và củng cố tình thân với những đồng minh cũ trong khu vực, đặc biệt là những quốc gia đang có các tranh chấp chủ quyền trên biển đối với Trung Quốc như Philippines.

Kế hoạch phát triển các loại vũ khí và máy bay chiến đấu mới của Mỹ có thể sẽ bị hoãn lại do Lầu Năm Góc phải "thắt lưng buộc bụng" để phù hợp với ngân sách.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức trong chính quyền Mỹ tiết lộ rằng, chiến lược quân sự mới sẽ được triển khai theo hướng phối hợp nguồn lực của các binh chủng hải, lục, không quân và thủy quân lục chiến. Mục tiêu chính là phá vỡ mọi âm mưu của Trung Quốc hay Iran muốn ngăn Mỹ tiến vào Biển Đông, Vịnh Persian và những khu vực chiến lược khác.

Theo như những thông tin do người phát ngôn Nhà Trắng Tommy Vietor cung cấp, ngân sách quốc phòng của Mỹ lớn nhất trong năm 2013 cũng chỉ có thể đạt mức 662 tỷ USD (thấp hơn 27 tỷ USD so với con số mà Tổng thống Barack Obama đề xuất). Riêng trong năm nay, Quốc hội Mỹ chỉ có thể xét chi thêm cho Lầu Năm Góc khoảng 43 tỷ USD.

Vì thế, trong 6 cuộc gặp gỡ cấp cao với giới chức quốc phòng Mỹ từ hồi tháng 9/2011, Tổng thống Barack Obama đã phải kêu gọi các tướng lĩnh quân đội xem xét và đưa ra những đề xuất cụ thể nhằm thực hiện chiến lược quân sự mới một cách hiệu quả.

Ít kinh phí, bị "thắt lưng buộc bụng", Mỹ dự kiến tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á bằng việc phối hợp chặt chẽ hai binh chủng hải quân và không quân trong chiến thuật mới "không chiến - hải chiến" tại Thái Bình Dương. Kế hoạch này kết hợp những thế mạnh của hải quân và không quân để thực hiện các cuộc tấn công từ xa. Muốn vậy, hai lực lượng này phải được trang bị máy bay ném bom, tên lửa hành trình cũng như máy bay không người lái mới được phóng đi từ tàu sân bay.

Hiện, hải quân Mỹ cũng đang tăng cường phát triển các loại tàu ngầm không người lái và máy bay không người lái với tầm hoạt động cực rộng, có khả năng cất cánh từ tàu sân bay ở ngoài khơi xa. Còn không quân Mỹ yêu cầu được trang bị một phi đội máy bay ném bom không người lái có khả năng hoạt động trên những khu vực rộng lớn của Thái Bình Dương.

Để dồn nhân lực về châu Á, Mỹ cũng sẽ thu bớt quân khỏi một số châu lục khác như châu Âu và châu Phi. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta còn dự kiến hoãn hoặc hủy một số chương trình phát triển vũ khí giống như những gì mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates từng đề xuất hồi tháng 4 năm 2009.

Hãng tin AP cho biết, một số nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ là Lockheed Martin, Boeing và Northrop Grumman đang "nín thở" chờ đợi những tuyên bố chính thức của Lầu Năm Góc về vấn đề này

Huyền Chi
.
.
.