Mỹ phản đối các hành vi cưỡng ép, đe dọa ở Biển Đông

Thứ Năm, 23/07/2015, 09:18
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ) ngày 22/7 (theo giờ Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo thường niên lần thứ 5 về Biển Đông, diễn đàn để giới học giả trao đổi về những diễn biến mới nhất và phân tích các lựa chọn chính sách tại vùng biển này.

Tham dự cuộc hội thảo bên phía Việt Nam có hai học giả là Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam và bà Phạm Lan Dung tới từ Học viện Ngoại giao. 

Bốn nội dung thảo luận chính tại hội thảo này gồm: Các diễn biến gần đây trên Biển Đông, Các vấn đề pháp lý và các quan ngại, Cán cân quân sự - trật tự khu vực và Can dự trong một cuộc khủng hoảng. Hai vấn đề “nóng” tại cuộc hội thảo lần này là việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc (LHQ) và việc Trung Quốc thời gian qua tiến hành xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.

Các diễn giả trong phiên thảo luận về những diễn biến gần đây trên Biển Đông tại hội thảo ở CSIS.

Về việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo và đường băng ở Biển Đông, một số học giả cáo buộc Bắc Kinh đang thay đổi nguyên trạng tại vùng biển này. Nhắc lại việc Trung Quốc vấp phải phản ứng ngoại giao gay gắt từ phía Việt Nam và cộng đồng quốc tế sau khi đơn phương triển khai trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm 2014, Tiến sĩ Trần Trường Thủy nhấn mạnh: “Lần này, các nước không thể dùng hành động quân sự, mà chỉ có thể phản ứng các hoạt động cải tạo của Trung Quốc bằng ngoại giao”.

Tiến sĩ Trần Trường Thủy nói thêm: “Việc Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ cải tạo làm gia tăng khả năng nước này tiến tới thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ), đồng thời hạn chế khu vực hoạt động của quân đội Mỹ, mở rộng những vùng tuyên bố chủ quyền trái phép”.

Chia sẻ quan điểm này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel cho biết, Trung Quốc đang tiến hành hoạt động này với tốc độ nhanh chưa từng có: “Chỉ trong năm qua, tốc độ cải tạo của Trung Quốc nhanh gấp 10, thậm chí 20 lần so với Philippines, Malaysia... thực hiện trong thập kỷ qua”.

Trong khi đó, Cố vấn cấp cao về châu Á của CSIS Bonnie Glaser nhận định, việc Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động xây dựng đường băng trên các đảo nhân tạo là nhằm tăng cường sự hiện diện và thực thi quyền kiểm soát trên biển ở Biển Đông: “Một trong những ý đồ quan trọng của họ là tăng cường nhận thức về chủ quyền hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông”.

Bà Glaser cũng không loại trừ mục đích quân sự của các hoạt động này. Chuyên gia của CSIS cho biết, Trung Quốc hiện có 8 tàu tuần duyên hoạt động ở Biển Đông nhưng “năng lực tuần tra ngoài biển vẫn còn hạn chế”. Điều khiến bà Glaser lo ngại là khả năng xảy ra các đụng độ trên không nếu Trung Quốc thực sự thiết lập ADIZ trên Biển Đông. “Những đường băng mà Trung Quốc xây trên các đảo nhân tạo có thể khiến lực lượng Mỹ vào thế rủi ro trong thời bình”.

Về phía Trung Quốc, phản ứng trước các ý kiến chỉ trích, học giả Ngô Sĩ Tồn lặp lại quan điểm của Bắc Kinh là những hoạt động cải tạo “nhằm tạo điều kiện thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Ông Ngôn đồng thời “đổ tội” cho Mỹ rằng, những cuộc tuần tra trên không, trên biển ở Biển Đông khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng: “Việc Mỹ hợp tác quân sự với Nhật Bản chứng tỏ họ muốn kiềm chế Trung Quốc về mặt chiến lược. Việc Philippines kiện Trung Quốc cũng là ví dụ khác về hành động đơn phương”.

Về vụ kiện của Philippines, một số học giả cho rằng, nếu PCA thụ lý và ra phán quyết có lợi cho Manila, đó sẽ là một sự khích lệ cho khả năng giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp pháp lý.

Về phía Mỹ, lặp lại quan điểm Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, ông Russel khẳng định, các tranh cãi phải được giải quyết bằng giải pháp ngoại giao, dựa trên luật pháp quốc tế và Mỹ phản đối mọi hành động hăm dọa hay cưỡng ép. Trợ lý Ngoại trưởng Russel nhấn mạnh, bất cứ kết cục ra sao, Bắc Kinh và Manila đều phải tuân thủ phán quyết có tính ràng buộc của tòa, vì cả hai đều tham gia ký kết UNCLOS: “Tuân thủ luật pháp, cả Trung Quốc và Philippines đều phải có nghĩa vụ tuân thủ quyết định được đưa ra, dù có thích hay không”.

Trước câu hỏi của đại diện Trung Quốc về khái niệm “trung lập” trong vấn đề Biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã nói rõ rằng, tính trung lập kia chỉ xét đến thái độ với “các bên có tuyên bố chủ quyền”, chứ không phải là về cách thức giải quyết tranh chấp.

Ông Russel nói: “Chúng tôi không im lặng nếu đó là về việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng chúng tôi không đứng về phía ai trong các tuyên bố chủ quyền. Chúng tôi thực sự không quan tâm mảnh đất này thuộc về nước nào. Chúng tôi quan tâm về quyền của một quốc gia muốn tìm kiếm giải pháp dựa trên luật pháp quốc tế, phản đối các hành vi cưỡng ép hoặc đe dọa”. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm, Tổng thống Barack Obama đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường: “Mỹ muốn Trung Quốc quan hệ hòa bình với ASEAN”.

Khổng Hà
.
.
.