Mỹ mở phiên điều trần thứ 2 về vấn đề chất độc da cam tại VN

Thứ Năm, 28/05/2009, 09:50
Với chủ đề chính được trình bày gồm môi trường và làm sạch môi trường, các vấn đề về bệnh tật và sức khỏe con người liên quan chất độc da cam/dioxin, quan hệ đối tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân trong giải quyết các vấn đề hậu chiến, phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ lần này là bước tiến mới trong "cuộc chiến" đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Sau thành công trong phiên xử của Tòa án Lương tâm nhân dân quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam hồi giữa tháng 5, vấn đề chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam một lần nữa sẽ được Quốc hội Mỹ xem xét trong phiên điều trần thứ 2 dự kiến tổ chức vào ngày 4/6 tới.

Tâm sự của người trong cuộc

Theo thông tin mà Hạ nghị sĩ Eni F.H. Faleomaveaga, Chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương và Môi trường toàn cầu của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cung cấp, tại phiên điều trần lần thứ hai này, các nghị sĩ Mỹ sẽ được Nhóm đối thoại Mỹ-Việt cung cấp thông tin về những việc đã làm được trong việc giải quyết ảnh hưởng của chất da cam/dioxin tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc thông tin về sự hỗ trợ của Mỹ đối với nạn nhân da cam, những hậu quả về môi trường còn lại tại Việt Nam và những nỗ lực giải quyết các hậu quả này, vấn đề bệnh tật và sức khỏe con người liên quan chất độc da cam, hay việc Chính phủ Mỹ và Việt Nam có thể làm gì để giải quyết những vấn đề nêu trên cũng như các chương trình của Chính phủ Mỹ dành cho nạn nhân da cam Việt Nam cũng sẽ được nhắc đến. Mục đích chính là cung cấp thêm thông tin giúp những quan chức có trách nhiệm của Mỹ đưa ra các quyết định cần thiết, có thể hình thành một dự luật để giải quyết có hiệu quả vấn đề này.

Trao đổi với báo giới, Hạ nghị sĩ Eni F.H. Faleomaveaga tiết lộ, bản thân ông cũng là cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam và hiểu rằng việc sử dụng chất độc da cam/dioxin là một trong những quyết định tồi tệ của chính quyền Washington trong thời kỳ chiến tranh.

Bạn bè quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tại Mỹ.

Thời gian tham chiến tại Việt Nam (1967-1968), ông Eni F.H. Faleomaveaga đã chứng kiến cuộc sống của người dân Việt Nam bị chiến tranh tàn phá và phải chịu những tác hại của chất độc da cam/dioxin. Ông khẳng định, Mỹ chưa giải quyết thỏa đáng vấn đề nhức nhối này, không chỉ đối với người dân Việt Nam mà cả đối với nhiều binh sỹ Mỹ, những người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Theo ông, "khi Chính phủ Mỹ làm điều gì sai thì phải chịu trách nhiệm và sửa chữa, thế mới là một đất nước văn minh, một đất nước dân chủ. Phải làm việc gì đấy, chứ đừng coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra".

Hạ nghị sĩ Eni F.H. Faleomaveaga khẳng định Tiểu ban của ông là nơi đầu tiên thực hiện hai cuộc điều trần và sẽ còn tiếp tục tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin dù sự việc đã diễn ra từ 40 năm trước. Ông cũng nhắn gửi các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam hãy kiên nhẫn chờ đợi, vì việc này chưa thể giải quyết trong "một sớm một chiều".

Và những con số biết nói

Ngoài những hậu quả khủng khiếp đối với con người, sự tàn phá thiên nhiên trong chiến tranh không có gì là mới lạ, nhưng quy mô tàn phá thiên nhiên trong chiến tranh Việt Nam thì chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Những phân tích khoa học và thực tế đã khẳng định, từ năm 1961-1967, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam khoảng 80 triệu lít hóa chất độc hại trong đó có 61% là chất da cam có chứa dioxin, là chất cực độc đối với con người, môi trường, sinh thái. Hơn một nửa số hóa chất trong tổng số 70 chất đã được sử dụng đã bị công ước quốc tế hoặc luật pháp nhiều nước cấm sử dụng như các chất độc quân sự, chất độc dioxin, hexachlorobenzen, chlordane, dieldrin...

Sự tàn phá môi trường ở đây nặng nề và rộng lớn tới mức mà các nhà khoa học đã phải dùng một thuật ngữ mới là "tiêu hủy sinh thái". Ước tính, khoảng 3 triệu ha rừng tự nhiên bị hủy hoại, làm mất đi khoảng 112 triệu m3 gỗ; các khu rừng nhiệt đới, rừng nội địa và rừng ngập mặn phong phú về đa dạng sinh học của Việt Nam cũng bị phá hủy, bao gồm cả hệ thực vật, động vật và thổ nhưỡng.

Nhiều nhà khoa học quốc tế đã nhận định, phải trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí đến 100 năm sau mới phục hồi được. Đặc biệt, đối với sức khỏe con người, chất độc da cam/dioxin gây nên suy giảm miễn dịch, làm rối loạn nội tiết và khả năng thích nghi của con người; là tác nhân gây ung thư; gây tác động di truyền qua nhiều thế hệ và có khả năng tác động cả vào gien...

Rõ ràng, với những kết quả nghiên cứu cụ thể của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế như Nga, Canada, Mỹ, Nhật Bản..., nước Mỹ không thể phủ nhận được việc họ không biết trước tác hại của các hóa chất mà họ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam!

Dám làm thì phải dám chịu! Khi đã bất chấp tất cả, chủ trương tiến hành sử dụng các chất độc hại này tại Việt Nam, gây nên những thảm họa nhân đạo cho nhân dân Việt Nam, chính quyền Washington nên biết nhận sai và sửa chữa lỗi lầm thay vì né tránh trách nhiệm. Những hành động phi đạo đức, trái pháp luật không thể được dung thứ, đáng phải bị cả thế giới lên án.

Như lời Hạ nghị sĩ Eni F.H. Faleomaveaga đã nhấn mạnh, dư luận nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung phải đoàn kết, bảo vệ các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, giúp họ tìm được công lý vì một thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn.

Mở rộng cuộc vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trên toàn thế giới

Chiều 27/5, tại buổi họp báo sau khi Tòa án Lương tâm nhân dân quốc tế đưa ra phán quyết về vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam với các công ty hóa chất Hoa Kỳ, ông Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) cho biết, VAVA sẽ mở rộng phạm vi cuộc vận động ủng hộ hành trình đòi công lý trên phạm vi toàn thế giới.

Tại Pháp - nơi diễn ra phiên tòa của Tòa án Lương tâm nhân dân quốc tế, nhiều cơ quan, tổ chức tuyên bố sẽ ủng hộ các hoạt động của VAVA. VAVA sẽ tăng cường vận động tại Mỹ, gồm cả Bắc Mỹ và khu vực Mỹ La tinh.

Đặc biệt, Canada là nơi Hoa Kỳ đã tiến hành thử nghiệm hóa chất dioxin trước khi đưa sang Việt Nam trong chiến tranh, nên Chính phủ và người dân Canada rất quan tâm đến mức độ ảnh hưởng của hóa chất này. Cách thức tiến hành vụ kiện tương tự ở Tây Ban Nha trước đây cũng sẽ được  VAVA xem xét và học hỏi.

Còn tại châu Á, ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, VAVA sẽ lưu ý tăng cường thêm hoạt động ở khu vực Đông Nam Á - nơi có một số nước cũng bị Hoa Kỳ rải hóa chất dioxin trong chiến tranh.

Tại Việt Nam, ngày 30/5, một cuộc mít tinh kêu gọi ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin sẽ diễn ra tại Đà Nẵng. Còn về khuyến nghị quan trọng của Tòa về việc thành lập Ủy ban Da cam Việt Nam, VAVA khẳng định, điều này rất phù hợp với nguyện vọng của các nạn nhân và tin tưởng Chính phủ sẽ sớm xem xét và đưa ra quyết định. (T.L)

Huyền Chi - Thanh Loan
.
.
.