Mỹ đóng cửa 25 đại sứ quán vì lo ngại bị Al-Qaeda tấn công

Thứ Ba, 06/08/2013, 10:49
12 năm sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vào Trung tâm thương mại New York (11/9/2001), nước Mỹ một lần nữa lại ra những cảnh báo an ninh ở mức cao nhất. Ngoài ra, lệnh đóng cửa 25 đại sứ quán và khuyến cáo công dân không nên qua lại khu vực Trung Đông - Bắc Phi cũng đã được đưa ra. Trong khi đó, các thủ lĩnh hàng đầu của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda vẫn tiếp tục xuất hiện đe dọa trả thù tàn độc cho những gì mà Mỹ và các nước phương Tây khác đã làm ở Ai Cập, Syria, Libya trong 3 năm qua.

Tin từ Hãng Telegraph cho hay, tối 4/8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lệnh đóng cửa tất cả 25 đại sứ quán và lãnh sự quán ở các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Ngay sau đó, lãnh đạo các phe thiểu số và đa số trong Quốc hội đã nhóm họp khẩn cấp để nghe Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) báo cáo về tình hình an ninh trong và ngoài nước.

Một nghị sĩ thuộc Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ trong khi trả lời phỏng vấn chương trình “This week” của Đài ABC cho hay, nhiều tháng qua, tình báo Mỹ đã nhận được các thông tin về việc thủ lĩnh cấp cao của chi nhánh mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tại vịnh Arab bàn bạc về kế hoạch tấn công khủng bố quy mô lớn. Mục đích của chúng là triển khai những kẻ đánh bom liều chết, đặt bom tại các khu vực đông người qua lại để khi bom phát nổ có thể gây nhiều thương vong.

Chủ tịch Ủy ban an ninh nội địa Hạ viện Michael McFaul cho biết, từ khi nhận được thông tin tình báo này, Lầu Năm Góc đã lập kế hoạch đối phó. Tuy nhiên, ông Michael McFaul cũng cảnh báo: “Lần cảnh báo khủng bố này thực sự nguy cấp bởi lẽ Al-Qaeda đã hạ quyết tâm đẩy nước Mỹ xuống “vực thẳm đau khổ” như những gì đã xảy ra ngày 11/9/2001”.

Nhiều khả năng, các vụ tấn công sẽ được thực hiện đồng loạt vào thời điểm cuối cùng của tháng ăn chay Ramadan của người theo đạo Hồi. Ông Michael McFaul cũng nhấn mạnh thêm rằng, những cuộc tấn công nhà tù và giải cứu tù nhân ở Iraq, Libya, Pakistan trong hơn 10 ngày qua là một phần của chiến dịch khủng bố này. Vì thế, từ hôm 3/8, Mỹ đã ra thông báo sẽ đóng cửa 19 đại sứ quán và lãnh sự quán của nước này ở Trung Đông-Bắc Phi cho đến hết ngày 10/8. Nhưng đến tối 4/8, danh sách các đại sứ quán bị đóng cửa ngày một gia tăng gồm cả Bahrain, Libya, Yemen, Nigeria, Manama, Oman, Arab Saudi, Qatar, Afghanistan, Bangladesh, Kuwait, Jordan…

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói: "Đây không phải là dấu hiệu của một làn sóng đe dọa mới, mà chỉ đơn thuần là việc chúng tôi cam kết thận trọng và thực hiện các bước đi thích hợp để bảo vệ nhân viên của chúng tôi, trong đó có nhân viên tại các đơn vị trên và những người đến các cơ sở đó”.

Lực lượng an ninh Yemen kiểm tra một chiếc xe ra vào khu vực gần các đại sứ quán nước ngoài tại thủ đô Sanaa. Ảnh: AP.

Thậm chí, bất chấp sự vắng mặt của Tổng thống Barack Obama, Nhà Trắng còn tổ chức một cuộc họp cấp cao về những nguy cơ khủng bố này do cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice làm chủ tọa, với sự tham dự của Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và Bộ trưởng An ninh Nội địa Janet Napolitano, các Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA), Cục Điều tra liên bang (FBI), NSA và Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc.

Tiếp sau những động thái của Mỹ, hôm 4/8, Chính phủ Yemen cũng tăng cường an ninh xung quanh đại sứ quán các nước phương Tây ở thủ đô Sanaa. Các đơn vị an ninh Yemen được trang bị vũ khí hạng nặng đã chốt chặn ở hầu hết các con đường dẫn tới các phái đoàn ngoại giao và chỉ cư dân ở đây được đi qua sau khi đã bị kiểm tra gắt gao.

An ninh cũng được thắt chặt xung quanh dinh thự Tổng thống ở thủ đô Sanaa. Một số nước phương Tây như Đức, Anh, Pháp cũng đã cho đóng cửa đại sứ quán của mình ở Sanaa, đồng thời khuyến cáo các công dân Pháp ở Yemen đề phòng trước những mối đe dọa an ninh đang gia tăng. Các cơ quan ngoại giao của các nước này ở Trung Đông-Bắc Phi hiện cũng bị đóng cửa tạm thời do lo ngại về thông tin tình báo Mỹ nhận định tiềm ẩn nguy cơ tấn công khủng bố từ các phần tử khủng bố Al-Qaeda. Canada cũng quyết định đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao của nước này tại thủ đô Dhaka của Bangladesh.

Trong khi đó, tại Philippines, một quốc gia châu Á có đông dân Hồi giáo sinh sống, giới chức quân đội vẫn khẳng định, không có mối đe dọa khủng bố nào và dù không đặt các mối đe dọa từ Al-Qaeda nghiêm trọng như Chính phủ Mỹ, song các đơn vị quân đội vẫn luôn ở tình trạng báo động nhằm kịp thời ứng phó với mọi nguy cơ có thể xảy ra.

Theo Đài NBC, những cảnh báo về nguy cơ khủng bố mà Mỹ đưa ra bắt nguồn từ những tài liệu mà NSA đã nghe lén được trong chương trình do thám PRISM. Một số nhà hoạt động nhân quyền, chống đối chương trình PRISM thì cho rằng, đây có thể là chiêu bài của Mỹ nhằm nâng cao nguy cơ khủng bố khiến người dân lo ngại và dập tắt những biện pháp đấu tranh nhằm đòi tôn trọng quyền cá nhân, riêng tư. Thực tế, kể từ khi chương trình PRISM bị Edward Snowden tiết lộ, Chính phủ Mỹ đã đối mặt với hàng loạt đơn kiện vi phạm pháp luật, vi phạm quyền riêng tư. Ngay trong nội bộ nước Mỹ, nhiều chính trị gia ủng hộ nhưng cũng không có ít người phản đối.

Vì thế, một số nhà phân tích mới nhận định, với tâm lý lo sợ khủng bố thì những cảnh báo mà Washington mới đưa ra có thể sẽ khiến người dân và cả các chính trị gia có cái nhìn thiện cảm hơn về chương trình PRISM. Nhưng đây cũng chỉ là một giả thuyết và dù có lý do nào đi chăng nữa thì việc tăng cường an ninh vẫn là việc cần thiết

Phan Hiển
.
.
.