Mỹ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ

Thứ Bảy, 05/10/2013, 12:45
Không những bị ngừng hoạt động do sự bất đồng giữa Thượng viện và Hạ viện trong việc thông qua ngân sách cho năm tài khóa 2014, Chính phủ Mỹ còn đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ nếu đến ngày 17/10, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ không thống nhất được việc nâng trần nợ công.

Hôm 3/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bất ngờ cảnh báo rằng, nếu nước Mỹ rơi vào cảnh vỡ nợ, nền kinh tế sẽ thiệt hại nghiêm trọng hơn cả tình trạng đóng cửa chính phủ hiện nay. Nhận định về vấn đề này, Tổng Giám đốc Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng nhấn mạnh rằng, sứ mệnh quan trọng hiện nay của các nhà lập pháp thuộc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ là phải nhanh chóng sửa chữa và giải quyết những vấn đề về tài chính bởi nếu không, Nhà Trắng không những phải ngừng hoạt động, mà còn vỡ nợ.

Theo tính toán của Bộ Tài chính Mỹ, các khoản nợ của Chính phủ Mỹ có thể chạm trần 16.700 tỷ USD. Điều này cũng có nghĩa là từ nay cho đến ngày 17/10, nếu không nâng mức trần nợ công, Chính phủ Mỹ sẽ vỡ nợ. Nghĩa là, khoản tiền mặt 30 tỷ USD hiện nay trong ngân sách cũng không đủ để phục vụ cho các hoạt động công của quốc gia lớn nhất thế giới này. Và một khi Mỹ rơi vào tình cảnh vỡ nợ, hậu quả đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu cũng vô cùng nghiêm trọng.

Thượng nghị sĩ Jeff Sessions thuộc Ủy ban Ngân sách thượng viện cho biết: "Đây thực sự là bước ngoặt nghiệt ngã với nước Mỹ". Ước tính, mỗi ngày nợ Mỹ lại tăng thêm 3,5 tỷ USD, tương đương 2 triệu USD mỗi phút. Hiện tại, với tư cách là Bộ trưởng Tài chính, ông Jack Lew đã đề xuất việc Bộ Tài chính can thiệp khẩn cấp để gia hạn trần nợ công. Đồng thời, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng đã gửi thư tới Chủ tịch Hạ viện John Boehner, kêu gọi Quốc hội nhanh chóng nâng trần nợ để tăng thẩm quyền vay nợ. Nhưng cho đến chiều 4/10 (theo giờ Việt Nam), vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan nào cho thấy sự đối đầu giữa Thượng viện và Hạ viện đã hạ nhiệt. Tình thế này đã buộc Tổng thống Barack Obama phải tuyên bố sẵn sàng đàm phán về một số thay đổi trong đạo luật cải tổ y tế mà ông đề xuất thường được biết đến với tên gọi “Obamacare”.

Tranh cãi giữa các nghị sĩ hai đảng về dự thảo ngân sách 2014 và trần nợ công càng khiến cho Chính phủ Mỹ lâm vào tình trạng khó khăn.

Trên thực tế, cảnh báo nợ công của Mỹ đã được đưa ra trong nhiều năm qua. Các con số thống kê cho thấy, mức nợ công của Mỹ vượt con số 10.000 tỷ USD vào tháng 9/2008, đạt 12.000 tỷ USD vào tháng 9/2009 và hơn 14.000 tỷ USD vào tháng 12/2010. Sau 6 tháng đầu năm 2011, nợ công của Mỹ đã vượt 100% GDP (vượt qua GDP năm 2010 ở mức 14.526 tỷ USD) và đến cuối năm 2011, số nợ công đã ở mức 15.000 tỷ USD và tăng lên mức 16.400 tỷ USD vào cuối năm 2012. Tính trung bình, mỗi năm, Chính phủ Mỹ chi tiêu hơn 3.500 tỷ USD, nhiều hơn mức thu, khiến khoản nợ phình to theo thời gian.

Trong 12 năm qua (từ năm 2001 đến nay), Quốc hội Mỹ đã 11 lần nâng mức trần nợ công. Và lần này, mức độ đỉnh điểm của nó càng trở nên báo động vì Chính phủ Mỹ đã buộc phải đóng cửa do thiếu tiền hoạt động. Thêm vào đó là sự bất hòa sâu sắc giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Trong số 10 chủ nợ của Mỹ phải kể đến các công dân Mỹ và chính quyền địa phương với 4.140 tỷ USD (chiếm 36% tổng số nợ). Tiếp đó là Trung Quốc với 1.260 tỷ USD, chiếm 11% tổng số nợ. Nhật Bản là chủ nợ thứ 3 với 1.120 tỷ USD. Brazil, Đài Loan, Thụy Sĩ, Nga, Luxemburg, Bỉ, Hong Kong chia nhau các vị trí thứ 4,5,6,7,8,9,10 với số nợ nhỏ nhất là 1% tổng số nợ.

Nhiều nhà phân tích thậm chí còn chỉ ra rằng, lịch sử cho thấy, trong 17 lần đóng cửa chính phủ, thiệt hại về kinh tế Mỹ nói chung không lớn. Nhưng rủi ro sẽ khó có thể lường được với nền kinh tế và thị trường nếu cuộc chiến ngân sách kéo dài cộng thêm với Quốc hội không thể thông qua nâng trần nợ vào giữa tháng 10. Điều đó sẽ dẫn đến việc Mỹ lần đầu tiên lâm vào cảnh vỡ nợ. Bill Gross – Giám đốc quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới PIMCO cảnh báo, vỡ nợ ở Mỹ sẽ châm ngòi cho “một chuỗi diễn biến phức tạp trên toàn cầu”, gây sóng gió mạnh cho thị trường tài chính, điều mà không một quốc gia nào muốn, nhất là trong tình cảnh kinh tế thế giới vẫn đang trên đà suy thoái.

Hỗn loạn trước tòa nhà Quốc hội, một phụ nữ bị cảnh sát bắn chết

An ninh đang trở thành mối lo lớn tiếp theo của nước Mỹ nhất là khi chính phủ bị ngừng hoạt động và đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. Vì thế, theo nhiều tờ báo Mỹ, vụ nổ súng gần tòa nhà Quốc hội hôm 3/10 cùng cuộc rượt đuổi giữa cảnh sát và một phụ nữ lái xe màu đen cố tình đâm thẳng xe vào Nhà Trắng đã tạo ra một bầu không khí hoang mang, sợ hãi bao trùm lên đất Mỹ.

Tin từ hãng ABCNews cho hay, người phụ nữ này là Miriam Carey, đến từ Stamford, bang Connecticut, có tiền sử “mắc bệnh tâm thần” và đã bị cảnh sát bắn chết. Dù động cơ hành động của Miriam Carey chưa được làm rõ và nhà chức trách Mỹ nhanh chóng bác bỏ khả năng đây là một vụ tấn công khủng bố, song vụ việc thực sự đã gây chấn động dư luận và khiến nước Mỹ càng lâm vào cảnh bất ổn, mất an ninh.

Có lẽ vì thế mà trong ngày 3/10, Nhà Trắng đã ra thông báo cho biết, Tổng thống Barack Obama đã hủy chuyến công du châu Á và không tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Bali, Indonesia và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tại Brunei để ở nhà giải quyết chuyện nội bộ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thay mặt ông Barack Obama tham dự các hội nghị này.

Chu Nguyễn

Hà Linh
.
.
.