“Mỹ cần tôn trọng chế độ XHCN của Cuba”

Thứ Hai, 22/12/2014, 09:29
Đây là lời phát biểu của Chủ tịch Cuba Raul Castro trong phiên họp Quốc hội Cuba hôm 20/12. Chủ tịch Cuba Raul Castro nhấn mạnh, khi hai nước tiến hành các biện pháp để thực hiện việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Washington cần phải tôn trọng chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) của La Habana. Đồng thời, Chủ tịch Cuba cũng cảnh báo rằng, những người Cuba đang sống lưu vong ở Mỹ đừng nên lợi dụng cơ hội này để có hành động phản bội Tổ quốc hay thực hiện âm mưu phản động xấu xa nào.

Hãng tin Reuters cho biết, trả lời báo giới ngay sau phiên họp của Quốc hội Cuba, Chủ tịch Raul Castro đã nhấn mạnh rằng, việc tôn trọng chế độ XHCN của Cuba là điều kiện quan trọng khi Washington và La Habana đối thoại nhằm khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao. Về phía Cuba, chính quyền La Habana luôn sẵn sàng đàm phán về nhiều vấn đề gây ra mâu thuẫn giữa hai bên và có thiện chí trong việc nối lại quan hệ. Nhưng không vì thế mà Cuba đánh đổi lý tưởng và mục tiêu xã hội của mình để theo với những điều kiện Mỹ đưa ra. Chủ tịch Raul Castro nói: “Trong đàm phán, chúng tôi mong Mỹ đề cập đến những vấn đề của mình nhưng sẽ không bao giờ từ bỏ chế độ XHCN. Bởi chúng tôi cũng không bao giờ yêu cầu Mỹ phải thay đổi chế độ chính trị của mình. Chúng tôi sẽ yêu cầu Mỹ phải tôn trọng chế độ chính trị của chúng tôi”.

Chủ tịch Raul Castro nhấn mạnh, việc tôn trọng chế độ XHCN của Cuba là điều kiện quan trọng khi Washington và La Habana đối thoại nhằm khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao. Ảnh: AP.

Đồng thời, Chủ tịch Cuba cũng đánh giá cao quyết định thay đổi chính sách ngoại giao với nước này của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trên đà ngoại giao tốt đẹp hiện nay, Chủ tịch Raul Castro cũng hé lộ thông tin về việc ông sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ tại Panama vào tháng 4 năm 2015 và có thể có cuộc gặp riêng với Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề hội nghị này. Được biết, trước khi báo chí phương Tây đăng tải phát biểu này của Chủ tịch Cuba Raul Castro, bà Mariela Castro, con gái của Chủ tịch Raul Castro cũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí. Theo đó, bà Mariela Castro khẳng định, người dân Cuba không muốn quay lại thời kỳ chủ nghĩa tư bản và Cuba chỉ có một đảng duy nhất là đảng Cộng sản.

Rõ ràng, việc Mỹ và Cuba đưa ra thỏa thuận nhằm chấm dứt hơn nửa thế kỷ thù địch để thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện đã thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng quốc tế. Ngay trong ngày 17/12, khi tuyên bố lịch sử này được đưa ra, Mỹ và Cuba cũng đã có cuộc trao đổi tù nhân với trung tâm là các thành viên còn lại thuộc nhóm 5 anh hùng Cuba và một điệp viên bí ẩn của Mỹ. Một số tờ báo Mỹ còn dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, để có kết quả tốt đẹp về việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Mỹ và Cuba đã mất tới 18 tháng để đàm phán bí mật. Chiến dịch ngoại giao này chính thức bắt đầu bằng lời đề nghị đàm phán của Mỹ gửi tới Cuba và sau đó là một loạt 9 cuộc gặp được tổ chức tại Canada, bắt đầu từ tháng 6 năm 2013. Đích thân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chủ trì và tham gia tới 4 lần đàm phán qua điện thoại với người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez. Khi đó, tranh cãi chính vẫn là về việc Alan Gross, người từng được một nhà thầu phụ của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ bị Cuba bắt giữ năm 2009 và bị cáo buộc tội gián điệp, âm mưu lật đổ chính quyền và bị tuyên án 15 năm tù giam.

Một số nhà phân tích thì nhận định, tín hiệu mừng tiếp theo được thể hiện trong cái bắt tay giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tại lễ tang của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Thêm vào đó là sự can thiệp của Giáo hoàng Francis với bước ngoặt mới hồi tháng 6 khi Mỹ nhất trí với đề xuất trao đổi Alan Gross lấy 3 anh hùng Cuba đang thụ án ở Mỹ.

Hôm 16/12, tức 24h trước khi đưa ra tuyên bố lịch sử với toàn thế giới, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại gần một tiếng đồng hồ với Chủ tịch Cuba Raul Castro.

Huyền Chi
.
.
.