Cuộc khủng hoảng ở Ukraine:

Mỹ “bơm” tiền, Kiev tiếp tục “thẳng tay” với miền Đông

Thứ Năm, 24/04/2014, 08:54
Theo Ria Novosti, trong chuyến thăm Ukraine, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington sẽ dành 2 gói viện trợ mới với giá trị lên tới gần 60 triệu USD cho nước này. Dường như để đáp lại “tấm thịnh tình” của Mỹ, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov đã ra lệnh cho quân đội tái khởi động chiến dịch quân sự nhằm vào người biểu tình ở miền Đông chỉ vài giờ sau khi ông Joe Biden rời Kiev.

Thêm nhiều triệu USD cho “nền dân chủ”

Trong một tuyên bố, ông Joe Biden cho biết, Nhà trắng đã quyết định sẽ dành gói viện trợ trị giá 50 triệu USD để Ukraine cải cách chính trị và kinh tế, trong đó hơn 11 triệu USD được dùng để hỗ trợ cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào ngày 25/5 tới tại Ukraine để chọn ra người kế nhiệm ông Viktor Yanukovich vì, theo nhận định của ông Biden, cuộc bầu cử này sẽ có ý nghĩa quan trọng nhất trong lịch sử Ukraine.

Thêm vào đó, Washington cũng đề xuất thêm 8 triệu USD viện trợ không sát thương cho Ukraine, bao gồm máy thu thanh và các phương tiện cơ giới. Ông Joe Biden cho biết: “Chúng tôi sẽ cung cấp các thiết bị thông tin liên lạc, rà phá bom mìn, vận tải và kỹ thuật cho các cơ quan an ninh của Ukraine”.

Ông Biden tái khẳng định Mỹ sẵn sàng giúp ban lãnh đạo nước này nắm bắt cơ hội để tạo sự đoàn kết dân tộc. Ngoài ra, vị Phó Tổng thống Mỹ còn nhấn mạnh, Ukraine hoàn toàn có thể theo đuổi an ninh năng lượng song cần có thời gian, đồng thời đề nghị các nhà lập pháp Ukraine hình dung “vị thế lớn mạnh hơn” của Kiev trong tương lai nếu Ukraine không phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga.

Cũng trong ngày 23/4, hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Chuẩn Đô đốc John Kirby cho biết, một đại đội gồm 150 binh sĩ thuộc Lữ đoàn không vận 173 của Mỹ đóng tại Italy đã tới Ba Lan và khoảng 450 binh sĩ sẽ đến Latvia, Litva và Estonia trong những ngày tới.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo, Mỹ sẽ triển khai khoảng 600 binh sĩ đến Ba Lan và các nước vùng Baltic để nhấn mạnh cam kết của Mỹ với các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo mô tả của ông Kirby, đây là “thông điệp” mà Washington muốn gửi đến Moskva: “Mỹ rất nghiêm túc trong việc thực hiện các nghĩa vụ an ninh tại châu Âu”.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk trong một cuộc gặp tại Thủ đô Kiev.

Nối lại chiến dịch nhằm và người biểu tình

Theo hãng tin Reuters, ngày 23/4, chính phủ Ukraine đã chính thức chấm dứt lệnh ngừng bắn nhân dịp Lễ Phục sinh và đang tái phát động "giai đoạn tích cực" của cái gọi là "chiến dịch chống khủng bố" nhằm vào người biểu tình ủng hộ Nga ở miền Đông Ukraine. Phó Thủ tướng thứ nhất phụ trách các vấn đề an ninh của Ukraine, ông Vitaly Yarema cho biết, hành động mới này hiện vẫn chưa được tiến hành, song nêu rõ: “Trong tương lai gần, các biện pháp thích hợp sẽ được áp dụng. Chúng tôi đã có được sự ủng hộ của Mỹ, họ sẽ không để chúng tôi đơn độc”. Trước đó, ngày 22/4, chỉ vài giờ sau khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc chuyến thăm Ukraine, Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov đã ra lệnh cho quân đội nước này tái khởi động chiến dịch quân sự nhằm vào người biểu tình ở miền Đông, cụ thể là ở hai thành phố Donetsk và Lugansk. Ông Oleksandr Turchynov cho biết, quyết định trên được đưa ra sau khi phát hiện 2 thi thể ở thành phố Slaviansk do người biểu tình kiểm soát, trong đó có một nạn nhân là Ủy viên Hội đồng thành phố. Tuy nhiên, người biểu tình ở miền Đông Ukraine nhấn mạnh đã sẵn sàng đối phó với chiến dịch quân sự này của chính phủ tạm quyền đồng thời tuyên bố sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc có tách khỏi Ukraine vào ngày 11/5 tới.

Moskva lên tiếng

Trong cuộc phỏng vấn với trang Nước Nga ngày nay (RT) ngày 23/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ lấy làm tiếc về việc Mỹ cố gắng đổ lỗi cho người khác khi liên tục cáo buộc Nga dính dáng đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Lavrov cho biết: “Trong chuyến thăm Kiev của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhà chức trách địa phương đã tuyên bố nối lại cái gọi là “chiến dịch chống khủng bố” ở khu vực miền Đông Ukraine.

Trước đó, quyết định bắt đầu chiến dịch này được Kiev đưa ra ngay sau chuyến thăm của Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan” và nhấn mạnh: “Vì vậy, tôi chưa tìm ra lí do nào để tin rằng, Mỹ không phải là đạo diễn của bộ phim này”. Theo ông, “nhà chức trách tại Kiev chưa thực hiện được bất cứ điều khoản nào trong thỏa thuận Geneve mới đạt được. Tới giờ, họ mới chỉ đưa ra một dự thảo luật ân xá, nhưng trong đó lại không có mục nào đề cập đến việc trả tự do cho các tù nhân chính trị”.

Ngoài ra, “họ cũng không điều tra các vụ cháy, các vụ tấn công vào những tòa nhà hành chính hay vụ các tay súng bắn tỉa đã nổ súng vào người dân ở Kiev”, Ngoại trưởng Nga cho biết thêm và nhấn mạnh: “Thật khó có thể hình dung ra cảnh quảng trường trung tâm và những tòa nhà hành chính của một thành phố ở châu Âu đang bị chiếm đóng, như những gì đang diễn ra tại Kiev hiện nay”.

Khi nhắc đến cái gọi là “chiến dịch chống khủng bố” của chính phủ tạm quyền Ukraine, Ngoại trưởng Lavrov cho biết, ông Oleksandr Turchynov “trên thực tế đã phát động Tình trạng khẩn cấp và ra lệnh cho Quân đội nổ súng vào người biểu tình trong khi những người này chỉ tổ chức những cuộc biểu tình hòa bình”. Ông cũng đưa ra cảnh báo, trong trường hợp nước Nga bị tấn công và người dân Nga rơi vào vòng nguy hiểm, nước Nga sẽ có câu trả lời phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Nga cũng tái khẳng định quân đội nước này sẽ không bao giờ vượt qua biên giới vào Ukraine mà chỉ “chốt” trên lãnh thổ Nga

Hà Khổng
.
.
.