Mỹ bị cáo buộc sử dụng báo cáo về nhân quyền cho mưu đồ chính trị

Thứ Sáu, 14/03/2008, 10:14
Chỉ hai ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra báo cáo về tình hình nhân quyền trên thế giới, chính phủ Nga và Trung Quốc đã có phản ứng khá mạnh mẽ, gọi đây là "hành động bẩn thỉu" phục vụ cho những mưu đồ đen tối.

Thành kiến và không đáng tin cậy

Trong một tuyên bố vừa gay gắt, vừa mỉa mai, Bộ Ngoại giao Nga đã khẳng định rằng đánh giá của Mỹ về nhân quyền tại Nga nói riêng và tại các nước nói chung trong báo cáo 2007 đều có nhiều sai sót và không đáng tin cậy.

Theo họ, báo cáo nhân quyền đã phản ánh thực chất "chính sách hai mặt” của chính quyền Washington sử dụng nhân quyền làm công cụ đối ngoại trong khi họ lại không dám đối mặt với những hành động thiếu nhân quyền trên chính mảnh đất của mình.

Chính quyền Moskva đã gọi báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ là một "hành động bẩn thỉu" và Washington không có quyền thuyết giáo về nhân quyền ở những nước khác.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao viết: "Chẳng nhẽ những việc như hợp pháp hóa hành động tra tấn, sử dụng án tử hình cho người vị thành niên và phủ nhận các tội ác chiến tranh cũng như những hành động vi phạm nhân quyền ở Iraq và Afghanistan lại được coi là đúng ở Mỹ hay sao?".

Bộ Ngoại giao Nga cũng đã chỉ trích cách dùng ngôn từ trong bản báo cáo của Mỹ. Chính quyền Moskva khẳng định: "Chúng tôi tin rằng việc chính trị hóa vấn đề bảo vệ nhân quyền và bóp méo tình hình nhân quyền ở nhiều nước sẽ không giúp giải quyết các vấn đề hiện nay mà chỉ phá hoại giá trị của các nguyên tắc và mục tiêu của sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Báo cáo nhân quyền của Mỹ được công bố hôm 11/3 nói rằng sự tập trung quyền lực tại điện Kremli của Tổng thống Vladimir Putin, hiện tượng tham nhũng, kiểu thực thi pháp luật mang tính chọn lọc, việc hạn chế, gây phiền hà cho các tổ chức phi chính phủ cũng như giới truyền thông là những nhân tố "tiếp tục làm xói mòn uy tín của Chính phủ đối với người dân" ở Nga.

Trong báo cáo của mình, Mỹ còn tự cho mình cái quyền chỉ trích một loạt nước khác, đặc biệt là nhằm vào những nước trong khu vực châu Á như CHDCND Triều Tiên, Myanmar, Trung Quốc, Philippines, Pakistan, Sri Lanka.

Mỹ - nơi còn thiếu nhân quyền

Phải nói rằng, những gì Bộ Ngoại giao Mỹ viết về tình hình nhân quyền trên thế giới đã khiến cho nhiều quốc gia có phản ứng khá mạnh mẽ. Hầu hết các nước này đều đưa ra thông báo phản đối và yêu cầu thái độ hợp tác và cái nhìn đúng đắn của người Mỹ.

Riêng Trung Quốc, để minh chứng cho việc Mỹ đang cố dùng "nhân quyền" làm đòn bẩy để nâng cao thanh thế và thực hiện những mưu đồ chính trị của mình, Chính phủ nước này đã đưa ra một bản báo cáo về tình hình nhân quyền trên chính đất Mỹ. Đọc bản báo cáo đó, Mỹ cần phải xem xét lại chính mình trước khi "xăm xoi" người khác.

Báo cáo của Trung Quốc có đoạn viết: "Người Mỹ quá kiêu ngạo, họ tự cho mình cái quyền phán xét nhân quyền của nước khác trong khi còn rất nhiều vấn đề liên quan đến nhân quyền ngay trên đất họ".

Cuộc chiến tranh Iraq do Mỹ phát động năm 2003 được người Trung Quốc coi là hành động vi phạm nhân quyền kinh khủng nhất. Lính Mỹ đã tạo ra nhiều thảm kịch trên vùng đất Trung Đông đầy máu lửa.

Chưa hết, trong cuộc chiến ở Afghanistan, lính Mỹ cũng đã gây ra nhiều cái chết thương tâm của những người dân thường, tổ chức những nhà tù bí mật và tra tấn tù nhân một cách dã man.

Về tình hình đối nội của Mỹ, báo cáo của Trung Quốc nhấn mạnh rằng quyền gia nhập các liên đoàn của người Mỹ đã bị hạn chế, các tù nhân luôn bị đánh đập dã man và nhà chức trách luôn tìm mọi cách để bưng bít thông tin trên báo chí...

Rõ ràng, khi trên đất nước mình còn đầy rẫy sự sai trái thì người Mỹ chẳng có lý do và quyền hạn gì để nhận xét về những gì xảy ra tại một quốc gia khác. Thật đúng là "ốc không mang nổi mình ốc mà còn đèo bòng"!

Huyền Chi
.
.
.