Mỹ: Loay hoay tìm kế đạt thỏa thuận ngân sách

Thứ Sáu, 01/03/2013, 11:45
Ngày 1/3, Chủ tịch Hạ viện John Boehner, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell có mặt tại Nhà Trắng để thảo luận về một loạt vấn đề liên quan đến cắt giảm chi tiêu công trước khi nó tự động cắt giảm theo lộ trình đã đề ra từ thời cựu Tổng thống George W.Bush.

Hãng tin BBC ngày 28/2 đưa tin, cuộc thảo luận là một trong những nỗ lực tiếp theo của Tổng thống Barack Obama sau khi ông đạt thành công về việc ngăn chặn cái gọi là “vách đá tài chính” xảy ra hồi tháng 1/2013. Quan điểm của ông Barack Obama là việc cắt giảm ngân sách 85 tỷ USD sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ và cụ thể là các hộ gia đình, giáo viên, các hoạt động của quân đội, các dịch vụ về sức khỏe tâm thần và nghiên cứu khoa học.

Trước thềm cuộc họp, thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney cho biết, Tổng thống sẽ chỉ đồng ý với một thỏa thuận bao gồm tăng thuế ở một số lĩnh vực và cắt giảm chi tiêu nhỏ so với những đối tượng nằm trong danh sách cắt giảm nhiều. Bản thân Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tuần trước cũng đã kêu gọi đảng Cộng hòa chấp nhận kế hoạch tăng nguồn thu cho ngân sách do đảng Dân chủ đưa ra bằng cách chấm dứt nhiều ưu đãi thuế cho các công ty và những người giàu. Nếu thực hiện được kế hoạch này, Mỹ hoàn toàn có thể hoãn việc cắt giảm ngân sách.

Theo ông Barack Obama, cơ hội để đưa ra quyết định đúng đắn, không gây hại đến việc phục hồi nền kinh tế đang ốm yếu của Mỹ chỉ phụ thuộc vào cuộc họp ngày 1/3. Và để lôi kéo thêm dư luận ủng hộ mình, hôm 26/2, chính phủ Mỹ đã cho công bố 52 trang đánh giá về những tác động cụ thể đến từng bang trong 7 tháng tới nếu lịch trình cắt giảm ngân sách được thực hiện.

Một tờ báo chính trị của Mỹ đưa tin về cuộc đàm phán gay go giữa Chính phủ và Quốc hội Mỹ về cắt giảm ngân sách.

Dự kiến, việc cắt giảm chi tiêu tự động sẽ khiến 10.000 giáo viên mất việc làm, lộ trình kiểm định thực phẩm sẽ bị dừng lại, 373.000 bệnh nhân tâm thần sẽ không được điều trị, trong lúc nhiều công tố viên sẽ phải nghỉ phép. Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng sẽ phải giảm 1.000 nhân viên, các khoản tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ bị cắt 540 triệu USD, khoảng 600.000 phụ nữ và trẻ em có thể không nhận được viện trợ lương thực khẩn cấp từ chính phủ…

Đối với Bộ Quốc phòng, khoảng 800.000 nhân viên dân sự sẽ buộc phải nghỉ không lương. Lập luận của đảng Dân chủ là cắt giảm ngân sách đã đẩy hậu quả gánh chịu vào người nghèo trong khi không xóa bỏ được những lỗ hổng ngân sách làm lợi cho giới thượng lưu.

Cho đến chiều 27/2, có vẻ như đảng Cộng hòa vẫn chưa xuống nước và vẫn muốn thực hiện các biện pháp mạnh để cắt giảm ngân sách. Thậm chí, một số thành viên đảng Cộng hòa còn cáo buộc cuộc đàm phán vào ngày 1-3 là một dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng không coi việc tìm kiếm một giải pháp cho hai bên là quan trọng. Thượng nghị sĩ Tom Coburn của đảng Cộng hòa nói rằng, chính quyền Tổng thống Barack Obama hoàn toàn có thể kiểm soát được việc cắt giảm để cắt giảm khoản tiền này mà người dân Mỹ không hề cảm nhận thấy nó.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Michael Steel thì mỉa mai rằng: “Chính phủ nên bớt thời gian giải thích với báo chí về tác động xấu của việc cắt giảm ngân sách, mà dành thêm thời gian ngăn chặn nó”. Trả lời hãng BBC, đại diện của đảng Cộng hòa khẳng định, họ sẽ không cho phép tăng thuế hơn nữa đối với giới nhà giàu. Tại cuộc họp ngày 1/3, đảng Cộng hòa còn dự kiến cung cấp cho chính quyền Tổng thống Barack Obama danh sách những lựa chọn để giảm chi tiêu ngân sách liên bang.

Trong khi cả hai đảng vẫn còn khá căng thẳng trong việc tiếp cận vấn đề từ hai phía, hôm 27/2, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke tư vấn là nên có cách tiếp cận cắt giảm ngân sách dần dần để tránh làm tổn thương nền kinh tế Mỹ. Theo thống kê của Văn phòng ngân sách quốc hội Mỹ (CBO), 2013 có thể sẽ là năm đầu tiên trong vòng 5 năm qua, thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ giảm dưới ngưỡng 1.000 tỷ, vào khoảng 845 tỷ USD.

Nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại ở mức cao. Trong 10 năm tới, thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ tăng thêm 7.000 tỷ USD, khiến nợ công lên gần 20.000 tỷ USD. CBO cũng dự báo, kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng chậm trong năm nay với tăng trưởng GDP khoảng 1,4% và tăng mạnh hơn trong năm sau (3,4%). Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo vẫn trên 7,4%

Phan Hiển
.
.
.