Mỹ: Điều tra về hoạt động của Cơ quan mật vụ

Thứ Sáu, 03/10/2014, 09:17
Vì quá “mải mê” với các cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria, Mỹ dường như quên mất “nhiệm vụ” đảm bảo an ninh nội địa. Hậu quả là, Nhà Trắng đã bị đột nhập 3 lần trong 1 tháng. Vụ việc đã khiến Giám đốc Cơ quan mật vụ buộc phải từ chức sau cuộc điều trần bất thành trước Quốc hội hôm 30/9.

Theo tin từ hãng USA Today, hôm 1/10, bà Julia Pierson, Giám đốc Cơ quan mật vụ Mỹ đã bất ngờ từ chức. Một số tờ báo khác cũng thông tin về việc này kèm theo lời bình rằng, bà Julia Pierson bị “mất chức” vì Tổng thống Barack Obama không còn niềm tin vào bà. Còn người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest thì tuyên bố rằng, đích thân ông Barack Obama đã đề nghị Bộ trưởng An ninh nội địa xem xét lại các hoạt động cũng như cách thức tổ chức của Cơ quan mật vụ. Thậm chí, Tổng thống Mỹ còn thẳng thừng nói rằng, ông cần một nhà lãnh đạo mới cho đơn vị có trách nhiệm lo lắng, đảm bảo an ninh cho ông, gia đình và nhiều thành viên cấp cao khác của chính phủ.

Sau bê bối về bảo vệ an ninh ở Nhà Trắng, bà Julia Pierson đã buộc phải đệ đơn xin từ chức Giám đốc Cơ quan mật vụ. Ảnh: Getty Imagine.

Trong khi đó, nhiều nghị sĩ trong Quốc hội cũng bày tỏ sự không tin tưởng đối với hoạt động gần đây của Cơ quan mật vụ và kêu gọi bà Julia Pierson từ chức. Có nghị sĩ còn chỉ ra rằng, trong cuộc điều trần hôm 30/9, bà Julia Pierson đã không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng cho các câu hỏi xung quanh vấn đề an ninh ở Nhà Trắng bị phá vỡ cũng như các vụ khác có liên quan đến cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ Tổng thống Barack Obama và gia đình. Cũng theo nguồn tin từ hãng USA Today thì sau khi chấp thuận đơn từ chức của bà Julia Pierson, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Jeh Johnson đã tuyên bố rằng ông mời cựu Giám đốc Cơ quan mật vụ Joseph Clancy quay trở lại nắm giữ vị trí này.

Có thể nói, sự ra đi của Giám đốc Cơ quan mật vụ Julia Pierson không gây nhiều bất ngờ bởi trước đó, nhiều thông tin cho thấy, cơ quan bảo vệ Tổng thống này đang dính vào nhiều bê bối và cần có sự cải tổ từ trên xuống dưới. Điều gây xôn xao hơn cả chính là việc, dù có từ chức thì bà Julia Pierson cũng không ngăn được một cuộc điều tra độc lập về hoạt động của Cơ quan mật vụ. Đáng chú ý là ngoài cuộc điều tra do Bộ An ninh nội địa thực hiện dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Jeh Johnson, Quốc hội cũng sẽ tiến hành một cuộc điều tra độc lập. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa còn cho biết, họ sẽ trực tiếp giám sát cuộc điều tra trong Quốc hội. Chủ tịch Uỷ ban giám sát Darrell Issa thì khẳng định: “Uỷ ban giám sát sẽ tiếp tục xem xét những sai lầm rõ ràng và nghiêm trọng của Cơ quan mật vụ Mỹ”.

Hiện tại, an ninh đã được tăng cường tại các khu vực xung quanh Nhà Trắng. Các nhân viên mật vụ còn phải tăng cường tuần tra trên các tuyến phố bên ngoài Nhà Trắng, đặc biệt là dọc đại lộ Pennsylvania phía trước tòa nhà… Tuy nhiên, những cải tổ này cũng chưa thể xóa đi những ấn tượng xấu của giới chức Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Barack Obama đối với Cơ quan mật vụ. Nguyên do là bởi vì ngay trong khi bà Julia Pierson còn đang phải điều trần trước Quốc hội thì các tờ báo Mỹ vẫn tiếp tục đưa ra những thông tin động trời khác.

Chẳng hạn, hồi tháng 8,  Tổng thống Barack Obama đã phải chia sẻ thang máy với một nhân viên bảo vệ có vũ trang, người không được phép tiếp cận với ông. Hay như việc người đàn ông Omar Gonzalez, 42 tuổi, đến từ bang Texas đã mang theo dao khi đột nhập Nhà Trắng. Đối tượng này nhảy qua hàng rào Nhà Trắng vào tối 19-9 và chạy về phía tòa nhà điều hành khiến nhân viên an ninh phải phong tỏa khuôn viên Nhà Trắng và cho sơ tán nhân viên…

Chưa hết, trong 3 năm qua, Cơ quan mật vụ còn liên tục vướng phải các scandal khác nhau như sự thất bại trong việc phản ứng ngay tức khắc đối với một tay súng một mình bắn vào Nhà Trắng vào năm 2011; vụ tai tiếng về gái mại dâm liên hệ đến nhiều nhân viên của cơ quan trong chuyến đi của Tổng thống đến Colombia vào năm 2012, và một đêm uống rượu vào tháng 3 khiến cho ba nhân viên bảo vệ Tổng thống bị đưa về nước trong một chuyến đi của Tổng thống đến Amsterdam

Phan Hiển
.
.
.