Mỹ: 4.000 tỷ USD cho hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq

Thứ Sáu, 01/07/2011, 09:43
Chi phí mà Mỹ phải chịu trong hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq không dừng ở con số 1.000 tỷ USD như tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama được đưa ra cách đây vài ngày. Theo tạp chí Newsweek ra ngày 30/6, số tiền này thực chất đã lên tới 3.700 tỷ USD và có thể tới ngưỡng 4.400 tỷ USD.

Báo cáo mang tên "Chi phí chiến tranh" do các chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Watson thuộc Đại học Brown (Mỹ) công bố hôm 29/6 khẳng định, những con số mà Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và cả Nhà Trắng đưa ra trước đó đều không sát với thực tế chi tiêu trong những năm qua.

Trong 10 năm thực hiện cuộc chiến ở Afghanistan và 7 năm cho cuộc chiến tại Iraq, số tiền mà Mỹ đã tiêu tốn dao động từ 3.700 tỷ USD tới 4.400 USD.

Bà Catherine Lutz, một trong những đồng tác giả của cuộc nghiên cứu nói: "Mức phỏng đoán hợp lý là khoảng 4.000 tỷ USD cho hai cuộc chiến. Thêm vào đó là 1.000 tỷ USD tiền lãi cho các món nợ mà chúng tôi phỏng đoán là cần thiết đến năm 2020". Những cuộc đụng độ nảy lửa trong hai cuộc chiến này cũng đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 225.000 người trong đó phần lớn là thường dân.

Hơn 6.000 binh sĩ và 2.300 công nhân viên quốc phòng Mỹ đã thiệt mạng trong hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.

Cũng theo tính toán của nhóm nghiên cứu gồm các nhà kinh tế học, luật học, chính trị học, nhân loại học..., chi phí cho việc chăm sóc, chữa trị và hỗ trợ các cựu binh, đặc biệt là những người bị thương trong hai cuộc chiến tranh này sẽ tăng lên mức 1.000 tỷ USD trong vòng từ 30-40 năm tới.

Đó là chưa kể đến con số 5,3 tỷ USD mà Mỹ sẽ phải chi để tái thiết Afghanistan như đã hứa với chính quyền Tổng thống Hamid Karzai. Vì thế, con số 1.800 tỷ USD từ nay đến năm 2012 mà Ủy ban ngân sách Quốc hội đề xuất được cho là "chẳng thấm chút nào" so với những "cỗ máy tiêu tiền" ở Afghanistan và Iraq.

Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu này khuyến cáo, Mỹ cần phải chi thêm từ 2.300 tỷ USD tới 2.700 tỷ USD. Đây quả là một con số khá lớn và là gánh nặng cho nước Mỹ khi mà nợ công đang chạm mốc trần 14.300 tỷ USD và nguy cơ chính phủ lâm vào tình trạng "hoạt động treo" nếu Nhà Trắng cùng Quốc hội không tìm được tiếng nói chung trong giải pháp cho vấn đề thâm hụt ngân sách.

Tin từ hãng AP cho hay, kể từ khi Mỹ tiến hành cái gọi là "cuộc chiến chống khủng bố" sau vụ tấn công kinh hoàng ngày 11/9/2001 tại New York, hơn 6.000 binh sĩ  và 2.300 công nhân viên quốc phòng Mỹ đã thiệt mạng. 137.000 dân thường Afghanistan và Iraq đã chết trong các cuộc giao tranh và gần 8 triệu người khác phải sống lang bạt vì mất nhà cửa.

Từ báo cáo này, các nhà nghiên cứu và giới phân tích chính trị thế giới đều cho rằng, nước Mỹ đã phải trả cái giá quá đắt cho cuộc chiến chống khủng bố. Chỉ tính riêng trong vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, trong khi 19 không tặc, thủ phạm vụ tấn công chỉ tiêu tốn của mạng lưới Al-Qaeda có 400.000 USD-500.000 USD thì Mỹ phải gánh chịu hậu quả tổn thất kinh tế lên tới 50 tỷ USD-100 tỷ USD và 2.995 người thiệt mạng.

Và nay, khi mới tham gia vào nửa đầu cuộc chiến ở Libya, mức chi phí được Lầu Năm Góc đưa ra cũng lên tới 716 triệu USD. Nếu cuộc chiến này kéo dài đến tháng 10, mức chiến phí sẽ là 1 tỷ USD... Có lẽ vì gặp quá nhiều áp lực do những khoản chiến phí gây ra mà mới đây, Mỹ đã buộc phải điều chỉnh chiến lược chống khủng bố.

Cố vấn chống khủng bố hàng đầu của Tổng thống Mỹ John Brennan hôm 29/6 đã chính thức công bố chiến lược này tại Viện nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins. Theo đó, Mỹ sẽ tập trung vào khả năng các nhóm khủng bố chiêu mộ người Mỹ để tiến hành các vụ tấn công tại chính nước Mỹ, đồng thời thề "tiêu diệt tận gốc" Al-Qeada.

4 nguyên tắc căn bản cho nỗ lực chống khủng bố của Mỹ trong chiến lược này gồm: gắn bó với những giá trị căn bản của Mỹ, kiên trì phục hồi sau một cuộc khủng bố thành công, xây dựng những đối tác chống khủng bố với các quốc gia khác, và sử dụng những công cụ và khả năng thích hợp trong việc tấn công khủng bố

Huyền Chi
.
.
.