Đường lưỡi bò dưới cái nhìn của học giả Trung Quốc và nước ngoài:

Mỹ - Trung khẩu chiến về chiến lược độc bá biển Đông của Bắc Kinh

Thứ Hai, 06/08/2012, 10:33
Mấy ngày qua, các tờ báo của Trung Quốc như Tân Hoa xã, Nhân dân nhật báo, Hoàn Cầu thời báo, CCTV đồng loạt đăng bài phản đối với lời lẽ hết sức gay gắt ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua Nghị quyết S.Res 524 (tối 2/8, theo giờ địa phương) về việc tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).

Ngày 4/8, ông Trương Côn Sinh, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã triệu kiến khẩn cấp đại biện lâm thời Mỹ tại Bắc Kinh, Tiến sĩ Vương Hiểu Dân để bày tỏ cái gọi là “vô cùng bất mãn, phản đối kịch liệt” những thông điệp của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Giới truyền thông cho rằng, Bắc Kinh thực sự cảm thấy “nóng mặt” sau khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama lần đầu tiên ủng hộ nguyên tắc 6 điểm gần đây của ASEAN về vấn đề biển Đông, đồng thời khuyến khích ASEAN và Trung Quốc có những bước tiến nhằm thống nhất về Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC), tạo ra các quy định và nguyên tắc để giải quyết bất đồng một cách hòa bình, cũng như bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” cũng như bố trí đơn vị đồn trú quân sự tại đây.

Là biên tập viên tại Ban biên tập đối ngoại của Tân Hoa xã (từ năm 1989) nên đánh giá của phóng viên Chu Phương được dư luận và giới chuyên môn quan tâm, nhất là khi ông cho rằng, Trung Quốc cần môi trường hòa bình để phát triển, chứ không phải là chiến tranh. Ông Chu Phương phản đối việc sử dụng vũ lực ở biển Đông cũng như việc ngang ngược thiết lập phi pháp cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Ngày 3/8, hãng tin Reuters đưa ra nhận định khiến Bắc Kinh khó chịu khi cho rằng, việc Tổng Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) chào mua Công ty Dầu khí Nexen (Canada) với giá 15,1 tỉ USD hôm 23/7 là mưu đồ “thọc sâu biển Đông” của Trung Quốc. Bởi Nexen là công ty dầu khí lớn thứ 10 ở Canada, đang sở hữu các giàn khoan nước sâu ở vịnh Mexico (Mỹ). Reuters đã dẫn lời chuyên gia Bonnie Glaser ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Mỹ) để đưa ra nhận định kể trên. Bởi bà Bonnie Glaser cho rằng, thương vụ thâu tóm Nexen sẽ mang lại cho Trung Quốc công nghệ khoan nước sâu để giúp CNOOC chuyển hoạt động từ các vùng biển nước nông và sâu vừa sang các vùng biển nước sâu và sau đó là mua các gói mời thầu của chính mình ở biển Đông.

Nhận định của bà Bonnie Glaser được Giám đốc Chương trình Nghiên cứu an ninh năng lượng ở Văn phòng quốc gia về nghiên cứu châu Á (Mỹ), ông Mikkal Herberg tán đồng. Ông Mikkal Herberg cho rằng, thương vụ thâu tóm Nexen không những mang lại cho CNOOC những kiến thức quản lý các công nghệ và hoạt động phức tạp về thăm dò dầu khí nước sâu, mà còn giúp CNOOC mở rộng hoạt động thăm dò ở biển Đông - Trung Quốc có thể khoan bất kỳ nơi nào muốn mà không cần các đối tác quốc tế.

Cuối tháng 6/2012, CNOOC đã mời các công ty nước ngoài đấu thầu trái phép 9 lô dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam bởi chúng nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí lâu nay. Đây là khu vực hoàn toàn không có tranh chấp. Ngày 3/8, khi giới thiệu dự luật H.R.6313 (bởi lo ngại sâu sắc về những đòi hỏi chủ quyền phi lý, quá mức, không có cơ sở pháp lý quốc tế của Trung Quốc), Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega, thành viên cao cấp thuộc Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ cũng đề cập tới những hoạt động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc như mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đường lưỡi bò của Trung Quốc bị dư luận phản đối.

Ngày 2/8, tờ Washington Post của Mỹ đưa tin, trước những hành động gây hấn thời gian gần đây của Trung Quốc ở biển Đông, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chuẩn bị kịch bản cho một cuộc chiến có thể xảy ra. Người chuẩn bị kịch bản này là chuyên gia dự báo Andrew Marshall, 91 tuổi, Giám đốc Văn phòng Đánh giá tình hình thực tế của Lầu Năm góc. Trong số các kịch bản được đưa ra, đáng quan tâm là chiến lược “không-hải chiến” bởi đang có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau xung quanh chủ đề nhạy cảm này.

Dư luận và giới chuyên môn đang quan ngại trước hành động “tràn xuống biển Đông” của hàng chục ngàn tàu cá Trung Quốc được lực lượng tàu tuần tra có trang bị vũ khí hộ tống. Vấn đề này từng được tạp chí Janes Defence Weekly đề cập khi đăng tải bài phân tích “Chinas other Navies” (tạm dịch là Những lực lượng hải quân khác của Trung Quốc). Được biết, Trung Quốc đã phát triển 5 nhóm tàu tuần tra dân sự có trang bị vũ khí là hải giám, ngư chính, hải cảnh, hải tuần và hải quan. Và để hỗ trợ cho chiến lược độc bá biển Đông, Trung Quốc đang tăng cường khả năng hoạt động xa bờ cho 5 nhóm tàu kể trên.

Riêng năm 2011, Trung Quốc đã chi hàng trăm triệu USD để trang bị thêm 13 tàu bán vũ trang cho 5 nhóm tàu này mà điển hình là tàu Ngư chính 310, Ngư chính 311, Ngư chính 44601, Ngư chính 44602, Ngư chính 9102… và tàu hải giám. Tờ Thời báo Hoàn Cầu, phụ san của Nhân dân nhật báo Trung Quốc vừa đưa tin, ít nhất 14 sĩ quan cấp cao đã được thăng chức hoặc điều chỉnh vị trí trong tháng 7. Trong số này đáng chú ý có cựu Chính ủy Hạm đội Bắc Hải (NSF) Vương Đặng Bình được cử làm Chính ủy Hạm đội Nam Hải (SSF) bởi ông từng tuyên bố khá hiếu chiến tại kỳ họp Chính hiệp và Quốc hội (tháng 3/2012): Hải quân không thể và tuyệt đối không cho phép lãnh thổ hao mòn, huống hồ mất đi và chúng tôi có quyết tâm, khả năng và các giải pháp! Có nhiều chuyên gia và giới quân sự nói rằng, ngoài việc muốn độc chiếm trữ lượng dầu mỏ khổng lồ ở biển Đông, Trung Quốc còn có tham vọng trở thành siêu cường hải quân trên thế giới, và đường lưỡi bò được coi là cầu nối để thực hiện tham vọng này.

Mặc dù cho rằng, Philippines có những bằng chứng thuyết phục chứng minh chủ quyền tại các vùng lãnh thổ đang tranh chấp với Trung Quốc, nhưng Giáo sư về luật quốc tế và khoa học chính trị tại Trường Đại học Luật Chicago, ông Tom Ginsburg vẫn nhận định, Bắc Kinh sẽ không sẵn sàng nghe theo phán xét của các tòa án quốc tế liên quan đến vấn đề này. Bà Yas Banifatemi đến từ Nhóm Luật quốc tế công thuộc Công ty Luật Shearman & Sterling của Pháp cũng đồng quan điểm với ông Tom Ginsburg.

Người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Raul Hernandez còn cho biết, Philippines bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ gỡ bỏ dây chắn lối vào khu vực bãi cạn Scarborough/ Hoàng Nham để không làm gia tăng thêm căng thẳng trong khu vực.

Cũng trong ngày 3/8, tờ Manila Standard Today của Philippines đã đăng bài viết của nhà báo Val Abelgas, nguyên Trưởng ban Biên tập báo khẳng định, thời gian gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần bắt nạt Philippines tại biển Đông, nhưng Manila vẫn chưa tìm ra giải pháp ngăn chặn vấn đề này. Tác giả cho rằng, Trung Quốc không ngần ngại sử dụng vũ lực bởi Bắc Kinh thừa hiểu không thể thắng nếu vấn đề tranh chấp ở biển Đông được đưa ra Tòa án quốc tế về Luật Biển và được xử theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.