Mỹ - Iran hội đàm trực tiếp sau 30 năm cắt đứt quan hệ ngoại giao

Thứ Hai, 14/09/2009, 08:33
Sau chiêu bài gây sức ép, đề xuất những biện pháp trừng phạt mới, ngày 12/9, Nhà Trắng đã chính thức tuyên bố về khả năng hội đàm trực tiếp với Iran về chương trình hạt nhân nước này.

Phát ngôn viên của Tổng thống Mỹ Robert Gibbs nói: "Chúng tôi muốn nói chuyện trực tiếp về vấn đề trọng tâm. Iran phải có trách nhiệm với thế giới trong việc tiếp tục làm giàu uranium".

Trước đó một ngày, chính quyền Washington cũng khẳng định sẽ cùng với 4 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) và Đức, tổ chức đàm phán với Iran. Như vậy, nếu cuộc hội đàm này được thực hiện thì đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa quan chức Mỹ và Iran kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao cách đây 30 năm.

Đây được coi là bước đi khá mạo hiểm của Tổng thống Barack Obama bởi lẽ đảng Cộng hòa không hề chấp nhận phương án này và cho rằng ông không đủ cứng rắn với Iran. Còn đảng Dân chủ và giới chức Mỹ cũng nhìn nhận rằng, sẽ khó có đột phá trong hội đàm, song việc "bật đèn xanh" đối với Iran của Tổng thống Barack Obama sẽ giúp dần dần tháo gỡ rào cản giữa hai bên để cùng xích lại gần nhau, giải quyết những bất đồng.

Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki (phải) đang giới thiệu với các nhà ngoại giao về gói đề xuất mới của Tehran. Ảnh: AP

Đáp lại đề xuất và những gợi ý từ phía Mỹ, Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki cũng khẳng định rằng, Iran "sẵn sàng nói chuyện với các nước phương Tây khi điều kiện chín muồi" và các cuộc đàm phán sẽ bao gồm nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề hạt nhân cùng những thách thức toàn cầu hiện nay.

Trước đó, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cũng cho biết, Iran vẫn sẵn sàng thảo luận với các cường quốc về những thách thức toàn cầu. Đồng thời, ông Mahmoud Ahmadinejad vẫn khẳng định, quyền sản xuất hạt nhân là quyền của Iran và rằng, chương trình làm giàu uranium của nước này chỉ để nhằm phục vụ mục đích dân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi còn nhấn mạnh, Tehran không có tham vọng phát triển bom nguyên tử và nước này coi việc chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt là trái với các nguyên tắc tôn giáo, nhân quyền và quốc gia. Ông Ahmad Vahidi nêu rõ, việc chế tạo vũ khí hạt nhân "chưa bao giờ" nằm trong chương trình nghị sự của chính phủ Iran.

Hiện Iran đã trao gói đề xuất mới lên 5 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ và Đức để thể hiện lập trường muốn đàm phán của mình, song lại không đưa ra thời hạn về các cuộc đàm phán.

Các nhà phân tích nhận định rằng, việc cả Mỹ và Iran đều để ngỏ khả năng đàm phán cho thấy thiện chí của cả hai bên. Hơn thế nữa, 5 cường quốc liên quan đến đàm phán hạt nhân với Iran đều có thái độ ủng hộ đàm phán. Nga thì tuyên bố sẽ không ủng hộ bất cứ lệnh trừng phạt mới nào của LHQ đối với Iran vì theo đuổi chương trình hạt nhân. Do đó, với Mỹ, cách lựa chọn khôn ngoan nhất là tìm sự đồng thuận của cả 5 nước nói trên thay vì một mình giải quyết vấn đề Iran theo hướng cực đoan. Thêm vào đó, trong bối cảnh hiện nay, với những hậu quả mà cuộc khủng hoảng kinh tế để lại, nước Mỹ không hề muốn dấn thân vào bất kỳ một cuộc chiến tranh tốn kém nào hay những cuộc tranh cãi quốc tế kéo dài.

Về phía Iran, nếu cứ đơn phương một mình chống lại Mỹ và các nước phương Tây, không sớm thì muộn nước này cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề. Vào thời điểm khi mà Nga và Trung Quốc còn đang có thái độ "ngầm ủng hộ" bằng những lá phiếu phủ quyết đề xuất của Mỹ thì đàm phán sẽ là cách thức hợp lý nhất để tự bảo vệ mình. Do đó, dù các cuộc gặp sắp tới có thể chưa đạt được mục đích đề ra, song, tín hiệu và những cử chỉ thân thiện sẽ là sự khởi đầu cho một quá trình giải quyết các mâu thuẫn một cách hòa bình

Huyền Chi
.
.
.