Một cuộc chiến tranh mới lại xảy ra ở Iraq?

Thứ Năm, 01/11/2007, 14:26
Nhĩ Kỳ đã tập trung khoảng 100.000 binh lính, cùng với các máy bay chiến đấu, xe tăng, pháo và trực thăng ở biên giới giáp Iraq. Lực lượng này sẵn sàng tấn công tiêu diệt khoảng 3.000 phần tử nổi dậy thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang sử dụng Iraq làm căn cứ để mở các cuộc tấn công vào Thổ Nhĩ Kỳ...

Đất nước Iraq vốn không ngày nào bình yên kể từ năm 2003 đến nay. Cuộc chiến tranh Mỹ - Iraq “kết thúc” từ tháng 5/2003, nhưng trên thực tế, chiến sự gần như không ngừng nghỉ giữa lực lượng chống đối và liên quân quốc tế mà chủ yếu là quân Mỹ và quân đội Iraq. Quân đội Mỹ đang bị sa lầy và chưa biết đến bao giờ mới rút khỏi Iraq trong khi Iraq vẫn bất ổn về chính trị và hỗn loạn về an ninh.

Trong khi đó, một cuộc chiến tranh khác lại đang rình rập ở miền Bắc Iraq. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 27/10 đã đe dọa ra lệnh mở một cuộc tấn công vào khu vực này nhằm tiêu diệt phần tử nổi dậy người Kurd, thuộc PKK sau khi các cuộc đàm phán với Iraq thất bại.

Tổ chức PKK bắt đầu đấu tranh đòi quyền tự trị cho cộng đồng người Kurd ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1984 và bị Washington cùng Liên minh châu Âu liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã 4 lần phát động các chiến dịch quân sự quy mô lớn xuyên biên giới nhằm vào các căn cứ của PKK ở Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chịu mất hơn 1.000 binh sĩ nhưng PKK cũng bị tổn thất nặng nề. Tuy vậy, do được sự ủng hộ của người Kurd ở Iraq, lực lượng quân sự của PKK dần dần được hồi phục và đã gây khó khăn cho Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc phục kích hôm 21/10 vừa qua của PKK đã làm hơn một chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt mạng và hiện còn 8 binh sĩ được cho là đang bị PKK cầm giữ.

Các cuộc đàm phán với Iraq đã sụp đổ hôm 26/10 sau khi Ankara bác bỏ đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Abdel Qader Jassim gợi ý nên tăng cường các đồn quân sự ở biên giới và thiết lập thêm nhiều trạm mới để ngăn chặn các cuộc xâm nhập trái phép của PKK, đồng thời làm sống lại tiến trình đàm phán giữa Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ vốn bị trì hoãn từ đầu năm nay. Ankara còn yêu cầu dẫn độ 153 thành viên PKK.

Tuy nhiên, phía Iraq nói chính phủ của họ chỉ có thể giao nộp ít nhất 18 người, đồng thời thừa nhận họ không đủ khả năng lần theo các chỉ huy PKK đang ẩn náu tại những khu vực núi non hiểm trở. Miền Bắc nằm dưới sự quản lý của chính quyền tự trị người Kurd và họ thề sẽ chống lại mọi cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chính phủ.

Trước những diễn biến mới, ngày 28/10, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ mở cuộc tấn công bất ngờ chống lại lực lượng PKK khi cần, bất chấp áp lực quốc tế.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bật đèn xanh cho quân đội có thể tiến hành các hoạt động quân sự ở miền Bắc Iraq. Trên thực tế, trong những ngày gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở 24 cuộc tấn công hạn chế vào miền Bắc Iraq, không kích các vị trí của Lực lượng phòng vệ nhân dân, nhánh quân sự của PKK ở Iraq.

Tuy nhiên, dường như Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện chiến thuật gây áp lực cả về ngoại giao và quân sự buộc chính quyền Iraq và nhất là thế lực đang nắm quyền kiểm soát an ninh ở Iraq là Mỹ phải có những hành động cần thiết để ngăn chặn hoạt động của tổ chức ly khai người Kurd.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tuyên bố sẽ chấm dứt xuất khẩu điện sang miền Bắc Iraq kể từ năm 2008 và đe dọa đóng cửa cửa khẩu Habur, con đường chính hoạt động ngoại thương của người Kurd ở Iraq.

Trong khi đó, lo ngại những hậu quả phức tạp, bất ổn cho chính quyền Iraq và uy tín của quân đội Mỹ hiện nay ở Iraq, Washington, Baghdad và một số nước khác đã gây áp lực lớn với Thổ Nhĩ Kỳ, buộc nước này hoãn kế hoạch tấn công xuyên biên giới do lo ngại chiến dịch quân sự này sẽ làm bất ổn một trong vài vùng ổn định hiện nay ở Iraq.

Các nhà quan sát cho rằng, nếu cuộc chiến xảy ra thì Mỹ và đồng minh Iraq bị mất nhiều hơn. Nếu kiên quyết chống lại kế hoạch của Ankara, Mỹ có nguy cơ mất đồng minh chiến lược quan trọng ở khu vực này và có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ về phía lực lượng chống Mỹ trong khi Liên minh châu Âu vốn không mặn mà lắm với Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn nếu để cuộc chiến xảy ra, lại có nguy cơ làm rạn nứt liên minh giữa Mỹ và người Kurd ở Iraq (hiện Tổng thống Iraq là người Kurd) và làm Mỹ yếu thế trong con mắt của các dân tộc trong khu vực. Tư lệnh quân đội Mỹ ở miền Bắc Iraq khẳng định ông ta dự định “chẳng làm gì” chống lại PKK.

Washington đang lâm vào thế khó xử trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, Ngoại trưởng Mỹ C. Rice đã đề nghị Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ dành cho bà “một vài ngày” trước khi thực hiện bất kỳ hành động quân sự nào. 

Mặc dù có những tuyên bố cứng rắn, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cố gắng giải quyết vấn đề người Kurd bằng con đường ngoại giao.

Các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rõ rằng, bất đắc dĩ mới phải mở chiến dịch quân sự xuyên biên giới qua nhiều núi non hiểm trở và có thể không đạt được nhiều kết quả. Mặt khác, vừa lo ngại có thể bị sa lầy và lâm vào một cuộc xung đột mới phức tạp hơn trong khi phải chịu tổn hại trong quan hệ với các liên minh quốc tế.

Theo các nguồn tin nước ngoài, trong những nỗ lực ngoại giao, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan sẽ tới Washington vào ngày 5/11 để đàm phán với Tổng thống Mỹ G.W. Bush. Cuộc hội đàm tại Washington giữa ông Erdogan và Tổng thống  Mỹ Bush sẽ là cơ hội cuối cùng để cứu vãn hòa bình giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.

Tuy nhiên, nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng ít có khả năng Washington sẽ ủng hộ Ankara và họ đã biểu thị quyết tâm ngăn chặn những hoạt động chống phá của PKK bằng những biện pháp cứng rắn.

Còn Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thì đang thúc giục Mỹ và Iraq phải hành động mau lẹ nếu họ muốn ngăn cản một cuộc chiến đang có thể xảy ra bất cứ lúc nào

Nguyễn Khắc Đức
.
.
.