Mong manh số phận những nhà báo tác nghiệp tại Syria

Thứ Hai, 25/08/2014, 12:03
Vài ngày sau khi đoạn video chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley được tung lên trên mạng Internet, gây phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn tiếp tục khuếch trương sự tàn bạo của mình khi tung thêm đoạn băng cầu cứu của một nhà báo Mỹ khác có tên gọi là Steven Sotloff. Và câu chuyện của James Foley hay Steven Sotloff cũng chính là cuộc sống mà hơn 20 nhà báo khác đang phải đối mặt hằng ngày kể từ khi họ bị IS bắt cóc.

Những con số biết nói

Theo Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ), kể từ năm 2011 khi cuộc chiến ở Syria bùng phát, 75 nhà báo, phóng viên đã thiệt mạng. Năm 2012 được coi là năm “đỉnh điểm nhất” khi có tới hơn 30 nhà báo thiệt mạng. Còn tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, ít nhất 6 nhà báo đã chết và 20 nhà báo khác mất tích. Và bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế cũng như chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong việc bảo vệ tính mạng và sự an toàn của các nhà báo, Syria vẫn được mệnh danh là “vùng đất chết” của cánh báo chí thế giới. Một thành viên cấp cao trong CPJ khi trả lời phỏng vấn báo chí còn cho biết, kể từ sau cái chết của phóng viên Marie Colvin vì bị trúng đạn pháo ở Homs hồi tháng 2 năm 2012, phần lớn các tờ báo Mỹ và phương Tây đã không cử phóng viên tới đây đưa tin nữa. Nhưng vì đây là một “điểm nóng thế giới”, thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận nên nhiều hãng thông tấn đã chuyển sang cách thức khác để khai thác tin là thuê các phóng viên tự do.

Có tới hàng chục phóng viên tự do đang tác nghiệp ở Syria. Họ đến từ nhiều nước khác nhau và đều một lúc làm việc cho hai, ba tờ báo. Những người này có lợi thế là quen với việc di chuyển nhiều, có kinh nghiệm làm việc ở các nước Trung Đông, nhiều khi am hiểu cả văn hóa và ngôn ngữ bản địa nên việc lấy tin cũng gặp nhiều thuận lợi. Một số người vì mong muốn khẳng định tên tuổi mình để có cơ hội thi tuyển hoặc được nhận làm chính thức trong các hãng thông tấn nổi tiếng nên rất xông xáo trong công việc. Và cũng chính vì họ tự do đi lại nhiều nên đã bị rơi vào tay IS hoặc các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác. Từ đây, số phận của họ thêm một phần mong manh và có những người đã bị giết hại khi các cuộc đàm phán không thành hoặc những kẻ bắt cóc không đạt được mục đích của chúng.

Trường hợp nhà báo James Foley là một ví dụ. Có nhiều nguồn tin khẳng định rằng, trước khi hành quyết James Foley, IS đã đòi một khoản tiền chuộc 130 triệu USD và yêu cầu Mỹ thả tự do cho “Qúy bà Al-Qaeda” Aafia Siddiqui – nhà thần kinh học từng tốt nghiệp trường đại học danh tiếng MIT của Mỹ và đã bị bắt, bị tuyên phạt 86 năm tù giam vì lên kế hoạch thảm sát hàng loạt bằng vũ khí hóa học. Nhưng khi nhận thấy thái độ không đàm phán hay nhân nhượng từ phía chính quyền Washington, IS đã ra tay hạ sát nhà báo James Foley một cách không thương tiếc. Giờ đây, để gây sức ép lớn hơn với Mỹ và các nước phương Tây cũng như chính phủ Iraq, IS lại tiếp tục tung lên mạng Internet đoạn video cầu cứu của nhà báo Steven Sotloff.

Trong video, nhà báo Steven Sotloff bị cạo đầu và mặc một bộ trang phục giống với bộ mà đồng nghiệp James Foley mặc trước đó, bị xách cổ áo lên bởi một chiến binh đeo mặt nạ, người đe dọa Tổng thống Mỹ Barack Obma phải chấm dứt các cuộc không kích vào căn cứ của IS… Ngay sau đó, Nhà Trắng cũng đã xác nhận rằng, Steven Sotloff là một nhà báo tự do đến từ Miami, từng làm việc cho tạp chí Times, Foreign Policy, Christian Science Monitor và đã mất tích tại Aleppo, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ cách đây vài tháng.

Nữ nhà báo Italia Francesco Borri đã gây xôn xao dư luận khi viết nhật ký ở chiến trường Syria. (Ảnh: Pressenza).

Và lời kể của người trong cuộc

Phải nói rằng, vụ hành quyết nhà báo James Foley đã gây chấn động thế giới. Đến lúc này, nhiều hãng thông tấn mới bắt đầu quan tâm hơn tới các phóng viên chiến trường của mình, kể cả những phóng viên tự do đang hằng ngày lao mình vào chỗ nguy hiểm để gửi tin bài cho họ. Đồng thời, nhiều tờ báo cũng đã tìm cách khai thác các thông tin từ chính các nhà báo đã trở về từ chiến trường Syria. Didier Francois, phóng viên 53 tuổi của đài phát thanh Pháp Europe 1 là người may mắn khi đã thoát khỏi hang ổ của IS được 4 tháng. Là người tiếp xúc với nhà báo James Foley trong thời gian bị giam tại căn cứ của IS, Didier Francois cho biết, James Foley rất kiên cường dũng cảm. Ban đầu, anh bị IS đối xử như với các nhà báo khác nhưng khi lục soát túi đồ nghề của anh, bọn chúng đã nhốt riêng các nhà báo Mỹ ra một khu ngầm dưới lòng đất. Didier Francois kể rằng, khi tìm thấy bức ảnh James Foley chụp với người anh đang làm việc trong lực lượng không quân Mỹ, các thành viên IS đã quyết định gây sức ép lên chính phủ Mỹ.

Còn Jeroen Oerlemans, nhà báo Hà Lan, người đã bị IS bắt làm con tin cùng với đồng nghiệp người Anh John Cantlie trong 9 ngày hồi năm ngoái cho biết, ông không bao giờ quên những ký ức kinh hoàng đến vậy. Jeroen Oerlemans nói: “Chúng tôi may mắn được lực lượng đối lập Syria giải cứu. Nhưng còn rất nhiều nhà báo đang mắc kẹt trong “nanh vuốt” của IS và cho đến giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin nào về họ. Sau khi được đưa về Hà Lan, Jeroen Oerlemans đã quyết định không bao giờ quay trở lại Syria. Còn nữ nhà báo Italia Francesca Borri, người đã bị mắc kẹt tại chiến trường Syria và xuất bản cuốn nhật ký gây xôn xao đã viết về những trải nghiệm tại Syria như sau: “Tất cả có thể biến mất trong tích tắc. Nếu biết trước điều đó, tôi đã không sợ hãi việc yêu thương và dấn thân trong cuộc đời”. Chính vì vậy, ngày 23/8, CPJ đã yêu cầu chính phủ Syria, các hãng thông tấn và chính phủ quản lý các nước nơi các hãng thông tấn đặt trụ sở phải có biện pháp bảo vệ an ninh, tính mạng cho các nhà báo hoạt động trên chiến trường

Châu Anh (tổng hợp)
.
.
.