Mối lo mới về chiến binh nước ngoài của IS

Chủ Nhật, 28/09/2014, 09:30
Tối 26/9, Mỹ và liên quân tiếp tục mở đợt oanh kích mới nhằm vào các căn cứ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria. Nhiều địa điểm quan trọng của IS và một số thủ lĩnh cấp cao đã bị tiêu diệt. Đáp lại, IS cũng đưa ra những đe dọa mới mà trong đó giới chức Washington cùng châu Âu lo ngại nhất vẫn là số chiến binh thánh chiến nước ngoài đang trà trộn vào các vùng lãnh thổ để tiến hành tấn công khủng bố.

3.000 “trái bom sống”

Hãng BBC ngày 27/9 dẫn lời Giám đốc cơ quan chống khủng bố Liên minh châu Âu (EU) Gilles de Kerchove cho biết, các cuộc không kích nhằm vào IS ở Iraq và Syria càng khiến cho Mỹ và các nước thành viên EU trở thành mục tiêu tấn công khủng bố mới của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay, theo như ông Gilles de Kerchove tiết lộ thì có tới 3.000 người châu Âu đã tham gia chiến đấu cùng IS tại Iraq và Syria. Con số này vẫn đang ngày càng gia tăng và nhiều người trong số đó tìm cách quay trở về quê hương để thực hiện các hành vi tấn công khủng bố nhằm trả thù cho IS. Cũng theo lời của Giám đốc cơ quan chống khủng bố EU thì mối nguy này ngày càng hiện hữu khi cảnh sát Tây Ban Nha và Morocco hôm 26/9 đã bắt giữ 9 thành viên của một nhóm cực đoan có quan hệ với IS. 9 tên này sống ở Melilla, Nador và đang lên kế hoạch tấn công khủng bố vào một số trung tâm thương mại và nhà ga ở thủ đô Madrid.

Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi lại hé lộ thông tin rằng, cơ quan tình báo Iraq đã phát hiện thấy IS đang lập kế hoạch tấn công các hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Paris của Pháp và các thành phố lớn ở Mỹ. Ngay lập tức, Pháp và Mỹ đã cho tăng cường an ninh nội địa. Bộ Ngoại giao Pháp còn mở rộng danh sách khuyến cáo đối với công dân Pháp ở nước ngoài, từ 31 quốc gia lên 40 quốc gia trong đó có các nước châu Á. Italia cũng nâng mức cảnh báo an ninh lên mức tối đa, cấp độ mà nước này từng thiết lập sau sự kiện tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, trong các chiến dịch không kích, Mỹ đã tiêu diệt được thủ lĩnh cấp cao của nhóm Khorasan Mohsin al-Fadhli. Ảnh: Wochit

Cách đây 3 ngày, giới chức Mỹ cũng thừa nhận rằng, gần ½ trong tổng số 100 công dân Mỹ tham gia IS đã trở về nước và gây lo ngại cho an ninh quốc gia. Hiện FBI đang theo dõi chặt chẽ nhất cử nhất động của những người này. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan an ninh hàng không Mỹ John Pistole ra lời cảnh báo về việc IS và Khorasan đang tuyển mộ người phương Tây và Mỹ mang bom lên máy bay chở khách hoặc máy bay chở hàng. Ông John Pistole cũng khẳng định, tình báo Mỹ đã có thông tin và bằng chứng cụ thể về việc các thành viên cấp cao của Khorasan đang nghiên cứu và thử nghiệm những loại thiết bị nổ được thiết kế nhằm trốn tránh sự kiểm tra an ninh tại sân bay. Vì thế, không chỉ Mỹ mà các nước khác cũng cần phải cẩn trọng với chiêu thức khủng bố mới này. Theo thống kê được hãng tư vấn Soufan Group có trụ sở tại New York (Mỹ) công bố, IS có khoảng 120.000 chiến binh ở Iraq và Syria. Riêng tại Syria, hơn 12.000 chiến binh đến từ 74 quốc gia đã tham chiến với IS trong đó 60%-70% đến từ các nước Trung Đông và 20%-25% đến từ các nước phương Tây.

Những hợp tác mới

Khi những mối lo an ninh đang ngày càng lớn dần, Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn của mình. Cụ thể, vào đêm 26/9, nước này lại dẫn đầu liên quan tiến hành các đợt oanh kích mới nhằm vào IS ở Syria. Tính đến nay, Mỹ và liên quan đã tiến hành hơn 40 cuộc không kích nhằm vào các căn cứ của IS. Nhiều nguồn tin cho biết, một số căn cứ của IS bị tiêu diệt hoàn toàn, 140 chiến binh thiệt mạng, trong đó có một số thủ lĩnh cấp cao. Nhiều chiến binh khác của IS vứt súng bỏ chạy. Nhưng có những nơi IS vẫn điên cuồng xả súng và thậm chí còn thề mở rộng các hoạt động khủng bố man rợ của mình.

Hãng tin Reuters cho biết, sau Anh, Australia, Bỉ, đến nay có thêm Đan Mạch tuyên bố gia nhập liên minh chống IS và mở màn bằng việc triển khai 7 máy bay tiêm kích F-16 tham gia các chiến dịch không kích ở Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ thì vẫn giữ nguyên quan điểm không tham gia nhưng kêu gọi thiết lập vùng cấm bay tại Syria để bảo vệ an ninh của chính nước này. Còn Nga, dù khẳng định sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Iraq và Syria trong cuộc chiến chống lại IS nhưng vẫn lặp lại lời chỉ trích hoạt động không kích do Mỹ đứng đầu nhằm vào IS ở Syria. Quan điểm của Nga là, bất cứ hành động chống khủng bố toàn cầu nào cũng đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế.            

Mỹ tiêu tốn 7-10 triệu USD/ngày để không kích IS

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey đã thông tin như vậy trong cuộc họp báo ngày 26/9. Theo đó, Mỹ đã phải chi tới 7-10 triệu USD cho mỗi ngày kể từ khi tổ chức chiến dịch không kích IS tại Syria. Hiện Lầu Năm Góc đang dự định đề xuất Quốc hội thông qua thêm vài chục tỷ USD ngân sách để phục vụ cho chiến dịch chống khủng bố ở Iraq, Syria và tăng cường an ninh nội địa.

Gia Nam
.
.
.