Mệnh giá các đồng tiền châu Á có thể sẽ còn giảm so với đồng USD

Thứ Ba, 08/07/2008, 08:35

Trong cơn bão giá toàn cầu, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Một trong những nỗi lo lớn nhất của người dân châu lục này là sự tụt giá của đồng tiền trong nước so với mệnh giá của đồng USD.

Với những biến động của thị trường dầu mỏ thế giới và các hoạt động trên thị trường đen, châu Á đang có nguy cơ phải đối mặt với cơn khủng hoảng tiền tệ lớn nhất từ trước tới nay.

Những biến động lớn

Báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered Plc được công bố trên trang web Bloomberg ngày 7/7 dự đoán, các đồng tiền của 5 quốc gia phát triển hàng đầu châu Á sẽ tiếp tục bị giảm so với đồng USD.

Ngân hàng có tới hơn 90% lợi nhuận thu được từ các nền kinh tế đang nổi lên này cho biết, các đồng rupee của Ấn Độ, rupee của Pakistan, peso của Philippines, won của Hàn Quốc và baht của Thái Lan đều giảm mạnh so với đồng USD trong quý I năm 2008. Nguyên do là vì mối lo ngại của các nhà kinh doanh về nạn lạm phát tăng nhanh ở châu Á và ảnh hưởng từ sự giảm sút của nền kinh tế toàn cầu.

Thomas Harr, chuyên gia về tiền tệ của Ngân hàng Standard Chartered Plc tại Singapore trong cuộc điện thoại với phóng viên kinh tế của Bloomberg nhận định rằng, nếu tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai và nạn lạm phát tại các nước châu Á vẫn tiếp diễn thì sự điều chỉnh tiền tệ còn xảy ra theo chiều hướng bất lợi cho những nước này.

Hiện tại, đồng rupee của Pakistan bị coi là đồng tiền yếu nhất trong châu Á do tỷ lệ đổi so với mệnh giá đồng USD đã giảm mạnh trong 3 tháng qua. Ông Thomas Harr cho rằng, đến cuối tháng 6/2009, có thể một đồng USD sẽ đổi được tới 70 rupee của Pakistan. Chỉ tính riêng trong 3 tháng qua, đồng rupee của Pakistan đã giảm giá trị đến 8,2% so với đồng USD do sự yếu kém của nền kinh tế và lạm phát tăng mạnh nhất trong 30 năm qua.

Với đồng tiền peso của Phillipines, chỉ trong 12 tháng qua, mệnh giá đổi tiền đã được thay đổi từ 43 peso thành 47 peso cho một đồng USD. Tính trung bình, mệnh giá của đồng peso đã giảm mất 8,1%. Philippines chịu tác động mạnh của giá dầu và giá lương thực. Thống kê hồi tháng 4 cho thấy, thâm hụt thương mại của nước này đã lên tới 531 triệu USD.

Tiếp đó là các đồng tiền như rupee của Ấn Độ giảm giá từ mức 41,80 rupee/USD xuống 44,50 rupee/USD; đồng baht từ 33,50 baht xuống 35,50 baht/USD; đồng won của Hàn Quốc từ 960 won xuống 1.030 won/USD...

Làm gì để tránh một cuộc khủng hoảng tiền tệ?

Đồng quan điểm với Ngân hàng Standard Chartered Plc của Anh, Ngân hàng Morgan Stanley cũng đưa ra đánh giá rằng chính giá dầu tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới các nền kinh tế ở châu Á, khiến mệnh giá đồng tiền của khu vực này ngày càng bị thấp so với đồng USD.

Hơn thế nữa, giá dầu tăng làm tăng chi phí vận chuyển của các nhà xuất khẩu châu Á trong mọi sản phẩm từ ôtô đến quần áo... Khi các sản phẩm tới châu Âu và châu Mỹ không được đón chào, các doanh nghiệp ở châu Á đành phải dựa vào nhu cầu tiêu dùng trong nước và chính điều này cũng đã làm giảm đi sự mất cân bằng trong nền kinh tế nhưng lại đẩy nhanh tỷ lệ lạm phát. Hiện Ấn Độ đang có mức lạm phát tới hai con số là 11,05%, còn Trung Quốc là 8,1%.

Trong một bài phát biểu cách đây 2 tuần, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Haruhiko Kuroda khẳng định, hiện tại, có một cách duy nhất giúp châu Á tránh được sự lặp lại của cuộc khủng hoảng tiền tệ những năm 1997-1998 là họ phải biết tích luỹ ngoại tệ. Và như một dòng thác, lời nói của Chủ tịch ADB đã khiến thị trường đen về ngoại tệ phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Các hoạt động giao dịch trên thị trường này đã đột nhiên đẩy tỷ giá đổi ngoại tệ tại những nước châu Á lên mức cao và rất khó kiểm soát.

Theo các nhà phân tích kinh tế, phương cách hữu hiệu để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay là các quốc gia châu Á công khai số ngoại tệ dự trữ của mình để xua đi những lời đồn vô căn cứ về một thị trường khan hiếm đồng USD

Huyền Chi
.
.
.