Chuyến công du Nga của Thủ tướng Hy Lạp: Lợi cả đôi đường

Thứ Năm, 09/04/2015, 08:22
Ngày 8/4, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã có mặt tại thủ đô Moskva, bắt đầu chuyến công du Nga kéo dài 2 ngày. Cuộc gặp giữa ông Alexis Tsipras với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay lập tức đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận và là mối lo của châu Âu, nhất là khi căng thẳng giữa Moskva và Liên minh châu Âu (EU) vẫn tiếp diễn do vấn đề Ukraine.

Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Hy Lạp, ông Alexis Tsipras sẽ thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về các biện pháp tăng cường hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, năng lượng, đầu tư, du lịch cũng như các vấn đề khu vực cùng quan tâm. 

Tuy nhiên, giới quan sát thì cho rằng, mục đích chính của chuyến thăm lần này là Hy Lạp muốn Nga giúp đỡ giải quyết vấn đề nợ đang khiến kinh tế nước này suy thoái và có nguy cơ vỡ nợ, nhất là khi EU và nhiều quốc gia khác trong khu vực nhất quyết không chịu xóa nợ.

Cái bắt tay của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang gây lo lắng cho EU. Ảnh: Reuters. 

Thống kê của Ngân hàng Barenberg cho hay, Hy Lạp hiện đang gánh khoản nợ khổng lồ tới 421 tỷ Euro và đến 10 thế hệ người dân nước này cũng khó mà trả nổi. 

Khi Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố hủy bỏ chế độ kinh tế khắc khổ mà EU áp đặt lâu nay với nước này để thoát khủng hoảng, người dân đã reo hò nhảy múa nhưng các chủ nợ vì thế lại càng gia tăng sức ép lên chính phủ. Còn Hy Lạp thì đe dọa có thể ly khai khỏi khối đồng tiền chung châu Âu để khẳng định quyền tự quyết của mình…

Mặc dù vậy, phát biểu trước thềm chuyến thăm Nga của Thủ tướng Hy Lạp, người phát ngôn chính phủ Nga Dmitry Peskov vẫn nói rằng, còn quá sớm để nói về bất kỳ khả năng hỗ trợ tài chính cho Athens của chính quyền Moskva. 

Trong khi đó, EU lại lo sốt vó về cuộc gặp này và cảnh báo rằng Hy Lạp không nên nhận viện trợ tài chính từ Nga. Thậm chí, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz còn tuyên bố rằng, đây là hành động không đúng và Hy Lạp không nên chống lại EU. 

Có thể nói rằng, việc lo lắng này của giới chức châu Âu là đương nhiên bởi lẽ, trước đó, khi các cuộc đàm phán Hy Lạp-EU về khoản nợ 421 tỷ Euro không thành, giới chức Athens từng công khai tuyên bố có thể nhờ Nga hoặc Trung Quốc hỗ trợ tài chính. 

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras còn lên án lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga như “một con đường dẫn đến ngõ cụt”. 

Theo một nguồn tin từ điện Kremlin, bên cạnh nội dung tăng cường hợp tác, lãnh đạo Hy Lạp và Nga còn đề cập đến các biện pháp trừng phạt của EU chống lại Nga. Đây được coi là bước đi nhằm phá thế cô lập của Nga, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước châu Âu phản đối lệnh trừng phạt nhằm vào nước này vì vấn đề ở Ukraine.

Tin từ hãng Reuters cho hay, đến nay, Nga đã hé lộ về việc có thể chiết khấu giá khí đốt và cấp nhiều khoản vay mới cho Hy Lạp. Tờ Kommersant dẫn lời một quan chức trong chính phủ Nga nói: “Chúng tôi sẵn sàng xem xét vấn đề chiết khấu giá khí đốt cho Hy Lạp”. Nguồn tin còn cho biết đổi lấy việc chiết khấu giá khí đốt và cung cấp các khoản vay, Nga sẽ muốn tiếp cận các tài sản của Hy Lạp như Công ty DEPA, nhà điều hành xe lửa TrainOSE và các cảng biển ở Athens, Thessaloniki. 

Trước đó, Bộ Năng lượng Hy Lạp đã mời các công ty Nga thăm dò trữ lượng dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này và bày tỏ sự ủng hộ kế hoạch xây dựng đường ống mới của Kremlin qua Thổ Nhĩ Kỳ với tên gọi “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Đổi lại, Nga sẽ dỡ bỏ một phần lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm đối với Hy Lạp… 

Chưa hết, Hy lạp còn có kế hoạch cải tổ các công ty quân sự nhà nước với sự giúp đỡ từ các công ty quốc phòng của Nga. Thứ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Kotas Isihos cũng đã khẳng định về thông tin này sau chuyến thăm Nga hồi tháng 3 và nhấn mạnh, hợp tác này sẽ giúp quân đội Hy Lạp được hưởng lợi ích từ sự hỗ trợ kỹ thuật và cố vấn sử dụng các vũ khí trang bị của Nga. 

Một điều đáng lưu ý là dường như người dân Hy Lạp rất kỳ vọng và ủng hộ chuyến thăm Moskva lần này của người đứng đầu chính phủ. Nhiều người còn cho rằng đây là cách tốt nhất để cuộc sống của họ ổn định hơn, không còn nỗi lo cuộc sống thiếu thốn hay bị đe dọa đóng cửa các ngân hàng.

Gia Nam
.
.
.