Lo cho mình, phải lo cho cả người

Thứ Ba, 22/01/2008, 18:50
Trong tuần trước đã không xảy ra những vụ khủng bố đặc biệt đẫm máu tại các điểm nóng trường niên như Iraq hay Afghanistan. Tuy nhiên, cũng không có những đột biến tích cực trên trường quốc tế. Có thể nhận thấy một điều, nếu không có cái nhìn thỏa hiệp hơn trong các vấn đề còn gây nhiều tranh cãi thì không thể nào cải thiện được bầu không khí chính trị chung trên quy mô toàn cầu. Không hợp tác thành thật với nhau thì không thể cùng xây dựng tương lai bình ổn.

Tổng thống mới đắc cử Lee Myung-bak của Hàn Quốc trong buổi họp báo ngày 17/1 ở Seoul đã rất tỉnh táo khi nhấn mạnh chủ trương đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ, đồng thời tăng cường đối thoại với CHDCND Triều Tiên.

Theo ông, mang tới cho nhau những điều kiện thuận lợi trong quốc kế dân sinh là cách tốt nhất để cùng thu hẹp những bất đồng và trở ngại. Không nhất thiết phải bán anh em xa nhưng "mua" láng giềng gần luôn là việc cần làm nếu muốn bản thân mình có được môi trường an ninh tốt.

Theo hướng này, Hàn Quốc cam kết sẽ thực hiện cam kết hỗ trợ nâng cao mức sống của người dân Triều Tiên, tăng thu nhập bình quân đầu người lên 3.000 USD trong vòng một thập niên nếu Bình Nhưỡng từ bỏ kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân.

Ông Lee cũng nêu bật sự cần thiết củng cố quan hệ với Trung Quốc, đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc với kim ngạch thương mại hai chiều lên tới trên 130 tỷ USD/năm.

Ông Lee cũng tỏ rõ thái độ hết sức mềm dẻo và thiện chí trong ước muốn phát triển quan hệ với Nhật Bản theo hướng có lợi cho hai nước. Để đạt được mục đích này, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, Seoul thậm chí sẽ không yêu cầu Nhật Bản xin lỗi hay phải có bất cứ cử chỉ nào nhằm bày tỏ hối tiếc về sự cai trị thực dân tàn bạo của Nhật Bản ở Hàn Quốc trong thế kỷ trước.

Cũng trên tinh thần tương tự, chuyến thăm Bulgaria trong hai ngày 17 và 18/1 của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã thúc đẩy được tốt mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai quốc gia láng giềng cùng chung nguồn gốc Slavơ này. Đây có thể đã là chuyến công du ngoại quốc cuối cùng của ông Putin trên cương vị nguyên thủ quốc gia.

Theo dõi những gì diễn ra ở Bulgaria trong chuyến thăm này, có thể thấy rõ thiện chí thực sự của Moskva trong việc tạo dựng một môi trường an ninh năng lượng tốt ở châu Âu, đặc biệt là với những đồng minh cũ.

Hàng loạt những thỏa thuận quan trọng đã được ký kết ở Sofia sẽ giúp cho các mối quan hệ làm ăn nhiều mặt giữa hai bên được phát triển nhanh và bền vững hơn. Không  phải ngẫu nhiên mà cả Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Bulgaria, Georgy Parvanov đều khẳng định rằng, đã đạt được một bước đi quan trọng trong quá trình đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng và các tuyến đường vận chuyển năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho không chỉ khu vực Balkan mà toàn bộ châu Âu… Lợi ích to lớn ở đây không chỉ cho riêng Moskva hay Sofia.

Đến với nhau bằng thiện chí và các cơ hội làm ăn cùng có lợi bao giờ cũng có thể đạt được những kết quả tích cực trong các chuyến công du nước ngoài của các nguyên thủ quốc gia. Một khi chỉ muốn áp đặt luật chơi của mình cho thiên hạ mà không lắng nghe những nhu cầu thiết thân thực sự của các đối tác thì dù có là siêu cường lớn nhất thế giới vẫn khó có thể thu phục nhân tâm.

Những thành quả ít ỏi mà Tổng thống Mỹ George Bush mang về từ chuyến thăm Trung Đông đầu năm nay là một minh chứng cho nhận định này. Hầu như ít có chính khách chủ đạo nào ở đây lại hoàn toàn đồng tình với thái độ bài xích quá mức Iran của người đứng đầu Nhà Trắng, mặc dù để đạt được mục đích đó, Washington tỏ ra khá hào phóng trong những hứa hẹn bán vũ khí hiện đại cho các nước trong khu vực.

Ngày 14/1 chẳng hạn, Nhà Trắng đã chính thức thông báo với Quốc hội Mỹ về ý định bán hệ thống dẫn bom thông minh trị giá 123 triệu USD cho Arab Saudi. Việc làm này là một phần trong hợp đồng bán vũ khí trọn gói trị giá nhiều tỷ USD của Washington nhằm tăng cường khả năng phòng vệ cho các nước đồng minh ở vùng Vịnh.

Hợp đồng bán hệ thống dẫn bom thông minh đã được đề xuất tiếp theo sau năm hợp đồng bán vũ khí tiên tiến trước đó của Mỹ (trong đó có tên lửa Patriot) cho Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Kuwait với tổng giá trị lên tới 11,5 tỷ USD…

Thế nhưng, cho tới hôm nay, chính quyền Arab Saudi cũng như nhiều quốc gia khác ở Vùng Vịnh vẫn lắc đầu với đề nghị ủng hộ việc phát động một cuộc chiến nữa trong khu vực. Người dân Trung Đông cảm thấy quá "đủ" đối với chiến sự đẫm máu và bế tắc ở Iraq và không muốn ngọn lửa chiến tranh lại bùng lên trên mặt trận chống Iran.

Tên lửa của Israel bắn phá khu dân cư của người Palestine tại dải Gaza.

Thực tế cho thấy, những ham muốn bạo lực sẽ chỉ làm nảy sinh thêm bạo lực. Quan hệ giữa Israel với Pelestine trong tuần qua không được cải thiện cũng chỉ vì người Do Thái muốn trấn áp đối phương bằng vũ khí. Một khi quân đội Israel còn không kích vào các khu vực tại dải Gaza, giết hại người Palestine thì ở đây sẽ không thể có những cuộc thương thảo tích cực.

Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) ngày 17/1 đã phải ra tuyên bố cảnh báo "hậu quả nghiêm trọng" đối với tiến trình thương lượng hòa bình nếu bạo lực từ phía Israel vẫn tiếp diễn như hiện nay.

Cũng trong ngày 17/1, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã phải lên tiếng nhắc nhở rằng, hai bên xung đột có nghĩa vụ tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và không làm tổn hại đến thường dân vô tội…

Không hợp tác thì không thể có hoà bình. Bài học này là quá cũ đối với không chỉ riêng Trung Đông. Lo cho mình, phải biết lo cho cả người khác nữa

Hồng Thanh Quang
.
.
.