Các học giả quốc tế cảnh báo:

Láng giềng châu Á không cùng tiếng nói vì tranh chấp lãnh hải

Thứ Bảy, 20/10/2012, 08:21
Căng thẳng trên biển Đông và biển Hoa Đông cùng những tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và một số quốc gia khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang làm thay đổi cục diện an ninh châu Á. Theo các học giả quốc tế, việc Bắc Kinh tiếp tục thực thi yêu sách theo kiểu tự hành xử thì mối quan hệ giữa quốc gia này với các nước láng giềng ngày càng “nhạt”. Giải pháp tốt nhất là thương lượng hòa bình theo luật pháp quốc tế.

Tin từ Tân Hoa Xã cho hay, bất chấp sự mâu thuẫn ngày càng gia tăng với Nhật Bản và Hàn Quốc ở biển Hoa Đông, ngày 19/10, quân đội Trung Quốc đã tiến hành tập trận trên vùng biển này. Theo tuyên bố của hải quân Trung Quốc, cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng đối phó với những nhiệm vụ khẩn cấp để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải.

Bên cạnh các tàu hải quân, tham gia cuộc tập trận còn có tàu hải giám và tàu ngư chính – những tàu đã xuất hiện thường xuyên tại khu vực gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hồi tuần qua. Trong khi đó, phía Nhật Bản cũng khoa trương lực lượng bằng việc cân nhắc một cuộc tập trận chung với Mỹ theo kịch bản chiếm lại đảo từ lực lượng nước ngoài.

Cuộc tập trận này dự kiến diễn ra vào tháng 11 tại một hòn đảo không người sinh sống ở Okinawa. Có thể thấy, đây thực sự là những đòn trả đũa lẫn nhau giữa hai “ông lớn” ở châu Á. Điều này là rất nguy hại bởi theo các học giả quốc tế, nó sẽ gây nên những xáo trộn mới về an ninh của khu vực và thế giới.

Chính vì những lo ngại này mà hôm 16/10 vừa qua, gần 300 đại biểu gồm các học giả hàng đầu của Pháp, Bỉ và Anh về luật biển cùng các chuyên gia thuộc một số cơ quan nghiên cứu của Pháp và các nước châu Âu, trong đó có Cố vấn đối ngoại Tổng thống Pháp về các vấn đề chiến lược khu vực châu Á-Thái Bình Dương Christian Lechervy đã tham dự một hội thảo quốc tế với tên gọi “Biển Đông: Đây có phải là không gian khủng hoảng mới không?" do Học viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS) phối hợp với Quỹ Gabriel Péri tổ chức tại thủ đô Paris.

Với chủ đề được đặt dưới dạng câu hỏi, hội thảo lần này xoay quanh ba bàn tròn trên 3 đề tài khác nhau. Trước tiên là bàn tròn thảo luận xem luật pháp quốc tế nói gì về vấn đề chủ quyền Biển Đông. Theo hãng RFI, các đại biểu đã tập trung phân tích tấm bản đồ hình đường chữ U (hay còn gọi là đường lưỡi bò) mà Trung Quốc đã chuyển lên Liên Hợp Quốc (LHQ) lần đầu tiên vào năm 2009.

Các hội thảo về Biển Đông luôn thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận quốc tế. Phần lớn các học giả đều khẳng định, đường chữ U của Trung Quốc là không có cơ sở.

Giáo sư Luật Erik Franckx thuộc Đại học Vrije (Bỉ) nhấn mạnh, tấm bản đồ đường lưỡi bò này “trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể là bằng chứng hợp pháp cho chủ quyền. Cơ quan chuyên trách của LHQ về vấn đề này là tổ chức thủy văn quốc tế (IHO) không tìm thấy biểu tượng khoa học và thủy văn nào trên tấm bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc. Theo IHO cũng như theo quan điểm cá nhân của tôi, bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc là mơ hồ, thiếu tính chính xác kỹ thuật và bởi vậy hoàn toàn không có cơ sở pháp lý”...

Để bổ sung cho những lập luận bác bỏ về đường lưỡi bò của Trung Quốc, nhiều đại biểu đã chỉ ra rằng, khi trình bản đồ đường lưỡi bò lên LHQ, Trung Quốc muốn hợp pháp hóa và chính danh hóa vùng biển mình đòi hỏi. Nguyên do là vì vùng biển và đất liền ở khu vực quanh biển Đông giờ đây đã trở thành mỏ vàng kinh tế. Vì vậy, để vùng đất vàng không rơi vào tay kẻ mạnh, theo chuyên gia Cyrille P. Coutansais, phó phòng Luật biển của Bộ tham mưu Hải quân Pháp, “phải có luật và công ước quy định.

Chỉ có hành xử theo luật quốc tế mới có thể giải quyết các tranh chấp một cách công bằng, bền vững và được tất cả các bên tuân thủ”. Giáo sư Luật Erik Franckx thì khuyến cáo, cách giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương hiện là vũ khí “bí mật” của Trung Quốc.

Do vậy, “nếu các quốc gia như Philippines, Việt Nam và các quốc gia khác muốn bảo vệ lãnh thổ của mình thì phải cùng nhau đưa Trung Quốc ra các định chế tòa án quốc tế và xử lý các tranh chấp theo phương cách đa phương. Đàm phán song phương chỉ dẫn đến thua thiệt”. Giải pháp bền vững và đúng đắn nhất là đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế La Haye...

Một nhà khoa học Pháp khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa

Giáo sư Monique Chemillier-Gendreau thuộc ĐH Paris-Diderot (Pháp) nhấn mạnh: “Trung Quốc không thể cung cấp chứng cứ khoa học cho cái mà họ đã đệ trình bởi họ chẳng có gì trong tay. Luật pháp quốc tế ngày nay quy định một quốc gia chỉ có thể tuyên bố chủ quyền trên một hòn đảo nếu họ tìm ra hòn đảo đó, có mặt thường trực và lâu dài, đồng thời có một hệ thống quản lý hành chính tại đó.

Căn cứ vào đó, những luận cứ của Trung Quốc dựa vào nguồn tài liệu lịch sử hay văn chương không có tính pháp lý; luật pháp quốc tế đòi hỏi những chứng cứ xác thực. Trong khi đó, phía Việt Nam có được những bằng chứng cho thấy: dưới thời An Nam, từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19 khi Pháp đô hộ, chính quyền thời đó ở Việt Nam đã có những đơn vị quản lý của chính quyền với vai trò quản lý hành chính đối với Hoàng Sa.

Chính quyền ở Việt Nam đã có sự quản lý, khai thác tài nguyên, có đánh cá, và cả nghề thu thập tài sản từ xác các con tàu bị đắm. Quan trọng là sự quản lý đó của thời An Nam không gặp phải sự phản đối nào của các quốc gia trong khu vực. Về Trường Sa, có những tài liệu của Pháp cho thấy, vào những năm 1930, chính quyền Trung Quốc còn nhầm lẫn về quần đảo này và không nêu trong bản đồ quốc gia”.

Chưa hết, để vạch trần âm mưu “thôn tính Biển Đông”, một số đại biểu còn phân tích cặn kẽ các cụm từ do Trung Quốc đưa ra như “vùng nước liền kề” hay “vùng nước lịch sử” và khẳng định những cụm từ đó không xuất hiện trong các Hiệp định quốc tế (trong đó có cả Tuyên bố Vịnh Montego năm 1982 mà Trung Quốc có tham gia ký kết), do đó những cụm từ này không có tính pháp lý.

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.