Lại xảy ra “khẩu chiến” Nhật - Trung, Nhật - Hàn

Thứ Tư, 24/04/2013, 08:46
Bên cạnh vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á ngày 23/4 lại nóng lên bởi các cuộc tranh cãi mới xảy ra giữa Nhật Bản - Trung Quốc, Nhật Bản - Hàn Quốc xung quanh việc 168 nghị sĩ Nhật thăm viếng ngôi đền chiến tranh Yasukuni gây tranh cãi và chuyện 8 tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng lãnh hải gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
>> Đấu khẩu về kế hoạch tác chiến liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cảnh báo có thể dùng vũ lực để trục xuất bất kỳ công dân Trung Quốc nào đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuyên bố này được đưa ra sau khi 8 tàu hải giám của Trung Quốc được lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản phát hiện vào vùng biển tranh chấp vào lúc 8h sáng 23/4.

Kể từ tháng 9 năm ngoái đến nay, đây là kỷ lục về số lượng tàu của Trung Quốc xâm nhập vùng biển này chỉ trong một ngày. Và để thể hiện sự phản đối của mình, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc tới để làm việc. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói: “Rất đáng trách và không thể chấp nhận được khi các tàu Chính phủ Trung Quốc liên tục xâm phạm lãnh hải Nhật Bản. Chúng tôi đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với Trung Quốc cả ở Bắc Kinh và Tokyo”.

Trong khi đó, một nhóm gồm 80 nhà dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản cho biết đã cử 9 tàu tới khu vực quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để nghiên cứu các ngư trường đánh bắt quanh quần đảo. Còn đoàn nghị sĩ phi đảng phái do Phó Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản Masahiko Komura đứng đầu hủy chuyến thăm Bắc Kinh với lý do không thu xếp được các cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cao cấp khác của Trung Quốc.

8 tàu hải giám Trung Quốc bị lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản phát hiện thâm nhập vào vùng biển thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ngày 23/4. Ảnh: Reuters.

Căng thẳng sẽ có thể tạm dừng nếu không có chuyện một nhóm gồm 168 nghị sỹ khác của Nhật Bản đến thăm đền Yasukuni. Tiếp sau chuyến thăm của 3 Bộ trưởng trong nội các Nhật và hành động tặng cây Masakaki cho ngôi đền của Thủ tướng Shinzo Abe hồi cuối tuần trước, chuyến thăm đã thực sự khiến cả Trung Quốc và Hàn Quốc nổi giận.

Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, nước này đã trao Nhật Bản công hàm phản đối chính thức liên quan đến các chuyến thăm đền Yasukuni của giới lãnh đạo Nhật Bản. Ba Hoa Xuân Oánh còn đặt ra câu hỏi là, trong vấn đề đền Yasukunim, liệu giới lãnh đạo Nhật Bản có thực sự nhìn nhận đúng lịch sử xâm lược của nước này cũng như tôn trọng cảm giác của nhân dân Trung Quốc và các quốc gia từng chịu ách áp bức của phát xít Nhật hay không? Phản ứng của Hàn Quốc xung quanh sự kiện này cũng khá mạnh mẽ.

Cụ thể là Seoul đã hủy chuyến thăm Nhật Bản theo kế hoạch của Ngoại trưởng Yun Byung Se. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng có thông cáo phản đối trong đó có đoạn viết: “Chúng tôi rất lo ngại và lấy làm tiếc về chuyến thăm ngôi đền, nơi ca ngợi cuộc xâm lược gây nhiều tổn thất về sinh mạng và đau khổ cho các nước láng giềng của Nhật Bản”.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng thúc giục Tokyo phải “hành động có trách nhiệm” để giành lại niềm tin của các nước láng giềng. Được biết, hằng năm, giới chức Nhật Bản thường có chuyến thăm đền Yasukuni trong các dịp lễ xuân - thu. Tuy nhiên, mọi lần, số nghị sĩ đến thăm chỉ khoảng 30-80 nghị sĩ, nhưng lần nay con số tăng vọt do có thêm nhiều chính trị gia bảo thủ, chủ yếu từ LDP và đảng Hội Duy Tân Nhật Bản, đã giành ghế trong cuộc bầu cử hạ viện tháng 12 năm ngoái.

Đền Yasukuni là nơi thờ cúng hơn 2 triệu người Nhật Bản đã chết trong chiến tranh, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh, và bị một số nước coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Vì thế, cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều cảm thấy bị “xúc phạm” khi có quá nhiều giới chức Nhật Bản đến thăm ngôi đền này.

Bày tỏ lo ngại về những căng thẳng phát sinh này, hôm 22/4, quyền Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell cho rằng, các nước trong khu vực Đông Bắc Á cần giải quyết các vấn đề tồn tại trong quan hệ song phương một cách hòa bình thông qua đối thoại và thiết lập quan hệ có tính xây dựng nhằm tăng cường hòa bình trong khu vực

Gia Nam
.
.
.