Đàm phán về vấn đề hạt nhân ở Iran:

Lại tranh cãi xung quanh lệnh cấm vận vũ khí

Thứ Năm, 09/07/2015, 08:45
Cụm từ “hạn chót” dường như chưa thực sự phát huy hết hiệu quả của nó trong các cuộc đàm phán xung quanh vấn đề hạt nhân ở Iran. Bằng chứng là dù đã đến ngày 7/7, song các bên vẫn chưa đạt được một thỏa thuận toàn diện nào và hạn chót lại được “xê dịch” thêm 2 ngày nữa.
Lỡ hạn chót

Hãng tin Reuters cho hay, ngay trước thềm hạn chót 7/7, Ngoại trưởng các nước P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) bắt đầu nhóm họp tại Vienna (Áo) và nhận định rằng, có một số vấn đề đang gây trở ngại cho việc hoàn tất thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran gồm tiến độ, khung thời gian dỡ bỏ trừng phạt, khả năng phát triển các thiết bị hạt nhân trong tương lai và phạm vi tiếp cận của Liên Hợp Quốc (LHQ).

Bản thân Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng thừa nhận còn một số khác biệt và các cuộc đàm phán có thể sẽ kéo dài đến ngày 9/7. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest khi trả lời báo giới cũng nói: "Tôi không đặt bất cứ kỳ vọng gì vào thời điểm này...

Tôi phải nói là điều đó (hạn chót bị bỏ lỡ) hoàn toàn có thể”. Còn một nguồn tin ngoại giao Đức cho biết, cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm 1 thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và các cường quốc thuộc nhóm P5+1 vẫn có thể thất bại. Nguồn tin này cũng khẳng định, cuộc gặp cấp Ngoại trưởng giữa Iran và 6 cường quốc tại Vienna cho thấy vẫn còn những bất đồng nghiêm trọng, song các bên cũng nghiêm túc giải quyết những bất đồng này.

Trong khi đó, Cao ủy đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherin cho biết, các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục diễn ra trong hai ngày tới. Còn người phát ngôn Cơ quan năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi nhấn mạnh: "Iran và IAEA đã đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc thực thi kế hoạch hợp tác và đã tiến hành một bước đi quan trọng nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong chương trình hạt nhân của Tehran”.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng các nước tại cuộc họp ở Vienna hôm 7/7. Ảnh: Reuters.

Ông Behrouz Kamalvandi cũng cho biết thêm rằng, chuyến thăm của phái đoàn IAEA diễn ra vài ngày sau chuyến thăm Tehran của Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano là dấu hiệu cho thấy quyết tâm đúng đắn từ cả hai phía nhằm tăng cường hợp tác. Tuy nhiên, từ những động thái này đến việc đạt thỏa thuận toàn diện còn một quãng đường xa, cần sự nỗ lực và thiện chí của các bên.

Và điều kiện của Iran

Thỏa thuận đang được đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 là nhằm kiềm chế hoạt động hạt nhân nhạy cảm nhất của Tehran trong một thế kỷ qua hoặc hơn nữa để đổi lại việc giảm nhẹ trừng phạt từng làm tê liệt nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này.

Sau khi đạt được những thống nhất trong một số điều kiện cơ bản, hôm 7/7, Iran lại tiếp tục yêu cầu và hối thúc nhóm P5+1 dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với nước này và nhấn mạnh, đây là một rào cản trong tiến trình đàm phán về một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của nước này vốn đang trong giai đoạn cuối.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho rằng, lệnh cấm vận vũ khí không quá quan trọng, bởi Iran đã phát triển ngành công nghiệp vũ khí của riêng mình, nhưng các cường quốc "phải thay đổi cách tiếp cận đối của họ với các biện pháp trừng phạt, nếu muốn đạt được một thỏa thuận”. Với tư cách là một bên trong nhóm P5+1, Nga cho rằng, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí thông thường đối với Iran là "vấn đề lớn" trong cuộc đàm phán hạt nhân hiện nay.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov còn chỉ ra rằng, có ít nhất 8 vấn đề khác cần được hoàn tất trước khi hai bên đạt được thỏa thuận toàn diện, trong đó có các lệnh trừng phạt khác, hoạt động hạt nhân và các nghị quyết của LHQ.

Phan Hiển
.
.
.