Lại thêm một máy bay Malaysia mất tích với hàng loạt nghi vấn

Thứ Hai, 29/12/2014, 09:31
Sau hai thảm họa MH370 hồi tháng 3 và MH17 hồi tháng 7, vụ mất tích chiếc máy bay Airbus 320-200 số hiệu QZ8501 của hãng hàng không giá rẻ AirAsia vào sáng 28/12 đã đánh dấu một năm thảm họa đối với ngành hàng không Malaysia.

Theo thông báo từ Bộ Giao thông Vận tải Indonesia, QZ8501 đã mất liên lạc với trung tâm kiểm soát không lưu khi đang trong lộ trình từ thành phố Surabaya của Indonesia tới Singapore. AirAsia đã xác nhận thông tin này đồng thời thông báo đã mở chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn đối với QZ8501.

Ông Hadi Mustofa, một quan chức Bộ GTVT Indonesia cho biết, QZ8501, chở theo 162 hành khách và phi hành đoàn, rời sân bay quốc tế Juanda tại Surabaya ở Đông Java (Indonesia) vào lúc 5h36 và theo dự kiến sẽ tới Singapore lúc 8h30 (0h30 giờ GMT).

Trước khi bị mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu, khi đang ở trên biển Java, nằm giữa Surabaya và Singapore, vào khoảng 6h18 (giờ Surabaya), QZ 8501 không hề phát tín hiệu cầu cứu. Bộ GTVT đã cung cấp chi tiết thông tin về hành khách và phi hành đoàn.

Theo đó, ngoài 155 hành khách trên máy bay, đã có 23 người không tham gia chuyến bay này. Phần lớn các hành khách là người Indonesia (149 người), số còn lại gồm 3 người Hàn Quốc, 1 người Singapore, 1 người Anh và một công dân Malaysia. Còn phi hành đoàn gồm: Cơ trưởng Iriyanto, Cơ phó Remi Emmanuel Plesel, các tiếp viên Wanti Setiawati, Khairunisa Haidar Fauzi, Oscar Desano, Wismoyo Ari Prambudi và thợ máy Saiful Rakhmad, trong đó 6/7 người có quốc tịch Indonesia.

Chiều 28/12, đại diện của AirAsia đã xác nhận thông tin này và cho biết thêm rằng, cơ trưởng của máy bay này là người có kinh nghiệm với 6.100 giờ bay, cơ phó 2.275 giờ bay và chiếc Airbus này mới được bảo dưỡng gần đây nhất hôm 16/11 vừa qua. Hiện các tàu và máy bay đã được điều động tới các khu vực được cho là máy bay QZ8501 mất liên lạc dưới sự chỉ đạo của Cơ quan Hàng không Dân dụng Indonesia (CAA).

Đường bay và địa điểm QZ8501 mắt liên lạc với trung tâm kiểm soát không lưu.

Một quan chức khác của Bộ GTVT Indonesia thì cho biết, QZ8501 đã “yêu cầu chuyển hướng lộ trình bay và được bay ở tầm cao hơn để tránh những đám mây”, khi đó, máy bay vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Trạm Kiểm soát không lưu Indonesia (ATC). Cụ thể, phi công đã điều khiển máy bay này xin được nâng độ cao từ 6.000 feet (khoảng 1,8km) lên 38.000 feet (khoảng 11.78km).

Phát biểu trong cuộc họp báo tại sân bay Jakarta, Cục trưởng Cục Vận tải Hàng không, Bộ GTVT Indonesia, ông Djoko Murjatmodjo cho biết: “Chiếc máy bay trong điều kiện tốt nhưng thời tiết thì không” và thêm rằng, có báo cáo cho thấy đã xảy ra một số cơn bão ở khu vực máy bay mất tích.

Mạng thông tin thời tiết toàn cầu Weather Bug cũng đã công bố thông tin có sét đánh gần tuyến đường bay của máy bay QZ8501 từ lúc 6h-6h20 ngày 28/12 (giờ địa phương). Tuy nhiên, CNN dẫn lời chuyên gia khí tượng người Mỹ Derek Van Dam nhấn mạnh, nguyên nhân một chuyến bay rơi vì thời tiết xấu là điều hiếm khi xảy ra.

Chuyên gia phân tích hàng không Mary Schiavo, nguyên tổng thanh tra của Bộ Giao thông Mỹ cũng hoài nghi về khả năng thời tiết: “Phi công sẽ luôn nhận báo cáo thời tiết cập nhật từ đài không lưu. Do vậy chuyện thời tiết xấu trong khu vực bay không phải là điều bí ẩn gì”. Trang Channel News Asia dẫn lời ông Elmo Jayawardena, một phi công kỳ cựu đã nghỉ hưu khẳng định, “sấm chớp không thể gây thiệt hại nghiêm trọng tới nỗi đánh rơi một máy bay”.

Trong khi đó, Flighradar24, một trang web chuyên theo dõi thông tin về hành trình của các máy bay trên toàn thế giới công bố hình ảnh cho thấy trước khi máy bay của hãng AirAsia bị mất tích đã có một số máy bay bay gần đó. Trang này cho biết vị trí của QZ8501 khi mất liên lạc nằm ở tọa độ 4.1235 (vĩ độ) và 110.3821 (kinh độ), ở độ cao 9.679m so với mặt nước biển, đồng thời khẳng định không nhận được bất cứ tín hiệu khẩn cấp nào từ QZ8501.

Ông Djoko Murjatmodjo cho biết thêm rằng, vị trí cuối cùng mà QZ8501 phát ra tín hiệu là nằm giữa khu vực Tanjung Pandan tại đảo Belitung và Kalimantan: “Vị trí mà máy bay mất liên lạc là nằm giữa Tanjung Pandan và Pontianak, nằm trong bán kính 100 dặm về phía Đông Nam Tanjung Pandan”.

Trong khi đó, theo tờ The Straitstimes, QZ8501 có thể đã rơi ngoài vùng biển Đông Belitung, phía Đông bờ biển Sumatera của Indonesia. Tờ báo này cho biết, cổng thông tin Bangka Pos của Indonesia dẫn lời một quan chức từ sân bay Hanandjoeddin Tanjungpandan ở Suparno nói rằng một chiếc máy bay đã rơi ở vị trí nói trên, sau khi có tin chuyến bay của AirAsia mất liên lạc. Tuy nhiên, vị trí đích xác mà máy bay đã rơi vẫn chưa được xác định.

Tờ Jakarta Post dẫn lời một quan chức thuộc Cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia Indonesia cho biết, QZ8501 được cho là bị rơi tại tọa độ “03.22.46 độ vĩ Bắc và 108.50.07 độ kinh Đông tại vùng biển cách Belitung 08-100 hải lý”.

Liên quan tới công tác tìm kiếm, Cơ quan hàng không Singapore cho biết họ đã được cơ quan kiểm soát mặt đất Indonesia thông báo về vụ máy bay mang số hiệu QZ8501 của AirAsia mất tích khoảng nửa giờ sau khi mất liên lạc.

Cũng theo cơ quan này, giới chức Indonesia đang triển khai hoạt động tìm kiếm và cứu hộ chiếc máy bay mất tích. Trong khi đó, Bộ Giao thông Malaysia ra thông báo cho biết phía Malaysia vẫn đang tiếp tục liên lạc với phía Singapore và Indonesia, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ. Bộ này cũng thông báo Chính phủ Indonesia đã bắt đầu triển khai chiến dịch tìm kiếm cứu nạn. Không quân Indonesia đã điều hai trực thăng và sáu tàu cứu nạn đến tìm kiếm tại khu vực biển Java, phía Tây Nam của Pangkalan Bun, thuộc tỉnh Kalimantan.

Giám đốc Cơ quan Hàng không dân dụng Indonesia Joko Muryo Atmodjo cho biết, các nỗ lực tìm kiếm máy bay của hãng AirAsia đang tập trung vào khu vực giữa đảo Belitung và Kalimantan, phía Tây đảo Borneo. Trong khi đó, Tổng cục Hàng không Dân dụng Singapore cho biết, Indonesia đã chấp thuận đề nghị hỗ trợ tìm kiếm và cứu nạn của Singapore trong vụ máy bay mang số hiệu QZ8501 bị mất tích.

Theo đó, Không quân và Hải quân Singapore đã điều 2 máy bay C-130 để tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn. AirAsia cũng thông báo đã mở một chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn đối với chiếc máy bay mất tích.

Việt Nam sẵn sàng hợp tác tìm kiếm máy bay mất tích của AirAsia

Trước thông tin liên quan đến chuyến bay mang số hiệu QZ8501 của Hãng hàng không AirAsia trên đường từ thành phố Surabaya, Indonesia đến Singapore đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu, ngày 28/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Chúng tôi hết sức quan tâm và chia sẻ sâu sắc sự lo lắng của các gia đình và người thân của những hành khách trên chuyến bay QZ8501. Chúng tôi tin tưởng rằng những nỗ lực của Chính phủ Indonesia, Singapore, Malaysia và các quốc gia liên quan sẽ sớm làm sáng tỏ những thông tin về vụ việc. Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác trong nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay”.

Đồng quan điểm, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cũng khẳng định, không quân Việt Nam sẵn sàng tìm kiếm nếu được yêu cầu trợ giúp. Trong khi đó, Đại tá Vũ Thế Chiến, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa nhận được bất cứ yêu cầu hỗ trợ nào từ cơ quan hàng không Indonesia và Malaysia liên quan đến việc máy bay mất tích.

Đại tá Vũ Thế Chiến cho hay, hiện tại các cơ quan quản lý hàng không đã tiến hành rà soát toàn bộ các đường bay, chuyến bay trong ngày do Việt Nam quản lý.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.