LHQ ủng hộ giải pháp hòa bình tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc

Thứ Hai, 25/02/2013, 08:42
Tin từ hãng Asianewsnetwork hôm 23/2 cho hay, vào hạ tuần tháng 2, Liên hợp quốc (LHQ) sẽ tiếp tục xem xét vụ kiện mà Philippines đứng đơn kiện Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông. Về cơ bản, LHQ vẫn nêu cao quan điểm ủng hộ giải pháp hòa bình cho tranh chấp giữa hai quốc gia này.
>> Rắn” với CHDCND Triều Tiên và kiềm chế Trung Quốc

Trong cuộc gặp gỡ với Đại sứ Philippines tại LHQ Libran Cabactulan hồi cuối tuần, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định, ông sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến và quy trình xét xử của vụ kiện. Đồng thời, ông Ban Ki-moon cũng muốn quán triệt tinh thần ủng hộ giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia bằng phương pháp hòa bình với nhiều quan chức khác trong LHQ.

Bộ Ngoại giao Philippines cho hay, tham gia cuộc gặp giữa Tổng Thư ký LHQ và Đại sứ Philippines tại LHQ còn có Tổng Thư ký Ủy ban các vấn đề pháp lý Patricia O'Brien cùng nhiều quan chức cấp cao khác của LHQ. Cho đến nay, sau hơn 1 tháng tuyên bố khởi kiện Trung Quốc vì sự gia tăng hành động của quốc gia này tại các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông, Philippines đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới.

Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước thuộc ASEAN đều bày tỏ sự quan tâm và khẳng định đây có thể là biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết những tranh chấp đang tồn tại trên Biển Đông giữa các quốc gia ở khu vực châu Á. Hiện, Trung Quốc đã tuyên bố bác bỏ vụ kiện và điều này cũng có nghĩa Philippines vẫn tiếp tục đơn phương kiện Bắc Kinh lên tòa án quốc tế về Luật Biển.

Như vậy, ngay trong những tháng đầu tiên của năm 2013, vấn đề Biển Đông đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. Và "chiêu bài" kiện lên tòa án quốc tế về Luật Biển của Philippines có thể sẽ tạo bước ngoặt mới trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Theo các nhà phân tích, ý định của Trung Quốc trong việc xây dựng đường chín đoạn trên Biển Đông là nhằm thâu tóm nguồn dự trữ dầu mỏ và tài nguyên dồi dào của khu vực này. Trong ảnh là một dàn khoan dầu của Trung Quốc, cách bờ biển Hong Kong 320km về phía Đông Nam.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hong Kong số ra ngày 21/2, ngay sau khi Trung Quốc phớt lờ thời hạn 30 ngày về việc bổ nhiệm một thẩm phán nhằm giải quyết đơn kiện của Philippines lên tòa án quốc tế về Luật Biển, trước mắt chính quyền Manila vẫn có quyền tự do thúc đẩy vụ kiện mà không cần sự đồng ý của Bắc Kinh.

Việc Trung Quốc từ chối cử ra một thẩm phán riêng đại diện cho nước này tham gia vào ban hội thẩm 5 người sẽ không ngăn chặn được tiến trình diễn ra phiên tòa theo yêu cầu của Philippines và cũng không cho Trung Quốc một quyền lợi pháp lý để phớt lờ bất kỳ sự phán quyết nào mà nước này không hài lòng trong tương lai.

Tuy nhiên, về lâu dài, tuyên bố này của Trung Quốc là một hành động nguy hiểm bởi nó sẽ tạo những tiền đề không tốt khác cho việc giải quyết các tranh chấp khác. Tiến sĩ Ian Storey, một chuyên gia nghiên cứu về vấn đề Biển Đông thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore cho hay, hiện vẫn cần phải chờ xem liệu việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện có ảnh hưởng đến bất kỳ quyết định nào của ban hội thẩm về việc có thúc đẩy tiến hành vụ xử hay không.

Dẫu vậy, Philippines cũng đã lường trước được khả năng này và một quan chức cao cấp của nước này khẳng định, bất cứ điều gì xảy ra từ đây sẽ tạo thêm sức ép đối với Trung Quốc trong việc làm rõ những tuyên bố chủ quyền của họ, cả về ý nghĩa thực tế của đường chín đoạn, và cả về những chứng cứ lịch sử cho đường chín đoạn.

Hôm 23/2, hãng BBC còn dẫn lời của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho hay, việc Trung Quốc từ chối tham gia vào thủ tục phán xét của tòa trọng tài quốc tế đối với Biển Đông là bước đi có lợi cho Manila và "cho dù họ từ chối hoặc không, vụ việc sẽ vẫn được đưa ra phán xét ngay cả khi họ không tham gia".

Philippines cũng cho biết nước này đang "đi đúng hướng" trong nỗ lực tìm kiếm một phán quyết từ tòa án quốc tế về Luật Biển nhằm bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông. Theo tiến trình xử lý thủ tục của Công ước quốc tế của LHQ về Luật Biển mà Trung Quốc đã ký, giờ đây Manila có 2 tuần để đề nghị Chánh án tòa án quốc tế về Luật Biển bổ nhiệm một thẩm phán thay thế vị trí mà Trung Quốc bỏ trống trong ban hội thẩm.

Hôm 23/2, Manila đã chọn thẩm phán người Đức Rudiger Wolfrum để đề nghị bổ sung vào chỗ trống của Trung Quốc. Những thủ tục tương tự sẽ tiếp tục diễn ra nếu hai bên không thể nhất trí về ba thẩm phán còn lại trong ban hội thẩm. Ngay khi ban hội thẩm được triệu tập họp, việc đầu tiên của họ sẽ là quyết định xem họ có muốn tiến hành vụ xử dự kiến sẽ mất từ 3-4 năm hay không

Phan Hiển
.
.
.