LHQ điều tra bê bối của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu

Thứ Sáu, 12/03/2010, 10:30
Một Ủy ban gồm các nhà khoa học hàng đầu thế giới sẽ được thành lập để xem xét lại bản báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đối khí hậu (IPCC). Tuyên bố này vừa được Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đưa ra trong cuộc họp báo tại trụ sở của LHQ tại New York (Mỹ) hôm 10/3.

Ông Ban Ki-moon cho biết, Hội đồng hàn lâm quốc tế (IAC) có trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan) sẽ tổ chức một đoàn gồm 15 nhà khoa học, thẩm định lại báo cáo về tốc độ gia tăng biến đổi khí hậu trên thế giới cũng như những ảnh hưởng của nó tới môi trường sống của con người. Nhiệm vụ của IAC là kiểm tra, tổng hợp lại các báo cáo của IPCC, rà soát quy trình thực hiện nghiên cứu và đưa ra những nhận định mới, phục vụ cho báo cáo thứ 5 về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đồng Chủ tịch IAC Robbert Dijkgraaf khẳng định, tổ điều tra của ông sẽ có trách nhiệm báo cáo lại kết quả lên LHQ vào cuối tháng 8 tới. Được thành lập từ năm 2000, IAC chuyên kết nối các nhà khoa học, kỹ sư trên toàn thế giới để cung cấp những tư liệu quan trọng giúp tư vấn cho hoạt động của các tổ chức tại LHQ và Ngân hàng thế giới (WB). Lần này, đích thân ông Robbert Dijkgraaf sẽ dẫn đầu đoàn nghiên cứu của IAC gồm các chuyên gia đến từ Argentina, Australia, Brazil, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ tiến hành thẩm định kết quả làm việc của IPCC.

IPCC từng cảnh báo những sông băng trên thế giới có nguy cơ biến mất trong vài chục năm tới. Ảnh: AFP

Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon vẫn tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động trong IPCC và khẳng định rằng, việc kiểm tra những lỗi trong báo cáo của IPCC đưa ra hồi năm 2007 được thực hiện sau khi có những bê bối và cáo buộc gian lận được đưa ra.

Tuy nhiên, ông Ban Ki-moon khẳng định rằng, báo cáo của IPCC là công trình khoa học của hơn 600 nhà khoa học đến từ 40 quốc gia trên thế giới và nó là lời cảnh tỉnh sâu sắc đối với người dân về tốc độ biến đổi nhanh của khí hậu toàn cầu. Chủ tịch IPCC, Tiến sĩ Rajendra Pachauri thì thừa nhận, có một vài sai sót trong báo cáo năm 2007 và IPCC sẽ tiếp tục cải thiện, nỗ lực nhiều hơn trong các nghiên cứu của mình.

Giới quan sát nhận định, việc LHQ nhanh chóng thành lập tổ điều tra như tuyên bố cách đây một tháng sau khi bê bối trong IPCC bị phanh phui đã cho thấy, tinh thần làm việc nghiêm minh của tổ chức này. Hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu đang là mối quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, LHQ cần phải nỗ lực hơn với vai trò "đầu tàu" của mình.

Nhiều nhà phân tích còn cho rằng, giải quyết những bê bối nảy sinh cũng là cách để LHQ nhanh chóng lấy lại niềm tin của mọi người, củng cố vị thế để tiếp tục trở thành tổ chức đáng tin cậy, chuyên giải quyết những vấn đề lớn của thế giới.

Huyền Chi
.
.
.