Khủng hoảng nợ công ở châu Âu và vấn đề của thời đại

Kỳ cuối: Khủng hoảng nợ công hiểm họa không nhằm vào riêng ai

Chủ Nhật, 26/05/2013, 10:01
Cuộc khủng hoảng nợ công nói riêng cũng như cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu đang khiến nhiều quốc gia phải lao đao chỉ là biểu hiện của một cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều, nghiêm trọng hơn nhiều. Đó là cuộc khủng hoảng hệ thống kinh tế thế giới dựa trên cơ sở đồng USD của Mỹ.
>>  Kỳ 4: Lời cảnh báo tan vỡ EU

Theo Jimmy Group, tất cả các nước trên thế giới đều ít nhiều dính líu vào chuyện nợ công. Đây được coi là hệ quả từ các hoạt động kinh tế bình thường.

Trong một số trường hợp, khoản nợ này bị dồn ứ lại và tích lũy tới mức độ không thể quản lý được vì một số nguyên nhân nào đó như quản lý kém hiệu quả, khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, tham nhũng v.v. Kết quả là, khủng hoảng nợ công bùng nổ.

Trong 50 năm qua, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ nợ công của các nước, đặc biệt là các khoản nợ nước ngoài mà nguyên nhân chính là để bắt kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của thế giới, nhiều nước buộc phải vay nợ nước ngoài để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, nợ công là một trong những nguyên nhân đáng kể dẫn đến tình trạng đói nghèo toàn cầu. Các khoản vay lãi suất lớn có thể khiến một quốc gia thêm nghèo khó do họ phải trích một lượng tiền lớn từ GDP để trả nợ, thay vì dùng số tiền đó để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Chỉ tính trong khoảng 20 năm, từ giữa năm 1973 đến 1993, nợ công của các nước đang phát triển trung bình tăng 20% hàng năm, tương đương từ 300 tỷ USD lên 1.500 tỷ USD. Các chuyên gia cho biết, trong đó chỉ có 400 tỷ USD là tiền vay thực, phần còn lại là tiền lãi tăng theo thời gian.

Vấn đề nợ công bắt đầu trở nên nóng và phức tạp sau sự kiện hệ thống tỷ giá hối đoái dựa trên USD được bảo đảm bằng vàng, còn gọi là Hệ thống Bretton - Woods, sụp đổ. Khi đã không được bảo đảm bằng vàng, cỗ máy in tiền USD của Mỹ chạy hết công suất và tung tiền ra khắp thế giới.

Lúc đó,  các ngân hàng sẵn sàng cho các nước đang phát triển vay một lượng lớn tiền mà không tính đến khả năng thanh toán nợ của những nước này. Vào thời điểm đó, lãi suất cho vay tương đối thấp, nên hầu hết các nước đều vui vẻ chấp nhận đề nghị này.

Đến cuối thập niên 1970, lãi suất bất ngờ tăng vọt trong khi sản lượng cây trồng và nguyên liệu của những nước đi vay đột ngột giảm. Kết quả là, các nước đang nợ buộc phải đi vay nhiều USD hơn nữa để trả nợ.

Giảm hoặc xóa nợ công

Theo định nghĩa của IMF và WB, nợ công sẽ khó trả khi quy mô nợ vượt quá 150% giá trị xuất khẩu và tỷ lệ nợ trong GDP vượt quá 250%. Từ đó, giảm nợ hay xóa nợ theo đó cũng trở thành một trong những vấn đề hàng đầu trong quan hệ quốc tế đương đại.

Tuy nhiên, để nhận được quyết định giảm nợ, các quốc gia nợ phải thực hiện một loạt điều kiện ngặt nghèo như tư nhân hóa nền kinh tế, giảm chi tiêu, tăng thuế.

Không phải mọi quốc gia giàu đều thích thú với việc giảm nợ vì những tổ chức tài chính lớn là thủ phạm gây ra khủng hoảng nợ, đã tìm cách đẩy những gánh nặng và thiệt hại kinh tế sang các nước nghèo.

Tuy nhiên, các nước giàu cũng đưa ra lý lẽ riêng. Họ cho rằng chính sự yếu kém trong quản lý tài chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ công cao của các nước. Các khoản vay chủ yếu là để mở rộng năng lực sản xuất nhưng vì quản lý yếu kém, tham nhũng hoặc chi tiêu vào những dự án không phù hợp, nên số tiền này đã bị thất thoát.

Các nước giàu cũng bày tỏ lo ngại rằng giảm nợ có thể làm giảm trách nhiệm thực thi nghĩa vụ tài chính của nhiều quốc gia trong tương lai và do đó khiến các chủ nợ không còn mặn mà với các khoản cho vay đối với nhiều nước.

Tất cả các nước trên thế giới đều ít nhiều dính líu vào chuyện nợ công.

Hiểm họa nợ công không nhằm vào riêng ai

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, ngoài những nguyên nhân dẫn tới nợ công cao như trên, thì tội nhân chủ yếu gây ra cuộc khủng hoảng nợ công là Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED (Federal Reserve System). Tất cả các khoản nợ công hiện nay rút cuộc đều phải được thanh toán bằng đồng USD của Mỹ do FED phát hành.

Để thúc đẩy quá trình bơm khối lượng không giới hạn đồng USD ra thị trường toàn cầu, các ngân hàng thực hiện chủ trương giảm lãi suất tín dụng đối với các ngân hàng tư nhân và mềm hóa điều kiện cho vay, được gọi là “vay theo chế độ ưu đãi”.

Vì thế, các ngân hàng tư nhân cũng như ngân hàng của nhiều chính phủ trên thế giới mất cảnh giác, tưởng thế là hời, đã đi vay những khoản tiền lớn của FED để đầu tư vào hàng loạt dự án và xí nghiệp cũng như nhiều lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, văn hóa v.v… mà không có gì bảo đảm.

Rút cuộc, họ bị rơi vào “hố đen” nợ công khổng lồ mà không có cách nào thoát ra được. Trong tình cảnh đó, nhiều nước buộc phải bán hết tài nguyên, đất đai, chủ quyền quốc gia để trả nợ. Chính phủ Mỹ đã trở thành con nợ lớn nhất thế giới của FED, với khoản nợ công đã lên tới trên 1.600 tỷ USD.

Nhận định về cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay, Paul Craig Roberts, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng viết: “Tình hình cuộc khủng hoảng hiện nay là cực kỳ nguy hiểm mà thế giới chưa bao giờ được chứng kiến. Hiện nay toàn bộ hệ thống tài chính thế giới rơi vào bất ổn và nếu FED mất quyền kiểm soát thì sự sụp đổ mang tính toàn cầu sẽ xẩy ra, trong đó không một ai và không ở đâu được an toàn. Không một chính sách kinh tế nào có thể đưa ra được giải pháp thoát hiểm, càng không thể áp dụng biện pháp cắt giảm chi tiêu vì sẽ dẫn tới thất nghiệp trên phạm vi toàn cầu và đây sẽ là thảm họa”. 

Việt Nam cũng là một “điểm đến” của nợ công

Theo số liệu của Bộ Tài chính công bố, tính đến hết năm 2011, nợ công của Việt Nam tương đương 56,7% GDP. Giới chuyên môn cũng cho rằng, ngay cả khi căn cứ trên số liệu do Bộ Tài chính công bố, thì số nợ công của Việt Nam vẫn là cao so với mức độ phổ biến được khuyến cáo ở các nền kinh tế đang phát triển là từ 30 - 40%. So sánh với các nền kinh tế mới nổi, mức nợ công, nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn đứng ở con số đầu bảng trong số các nước ASEAN.

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cũng khẳng định, nợ công của Việt Nam tính đến năm 2013 chiếm 55,4% GDP và sẽ không vượt qua 65% vào năm 2015.

Tại hội thảo “Khủng hoảng nợ công ở EU và những vấn đề gợi mở đối với Việt Nam” được tổ chức ngày 25/4/2013 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng, nguyên nhân dẫn tới nợ công cao của nhiều nước EU vừa qua do nguồn thu kém; tiền vay nước ngoài được “vung quá trán”, không được quản lý chặt, tham nhũng, sự bất lực trong việc trang trải nợ v.v. là nguy cơ và bài học khiến Việt Nam cần “tỉnh ngộ” sớm.

Có một số ý kiến cho rằng, cần cải tổ các doanh nghiệp nhà nước theo hướng giảm dần bao cấp, hỗ trợ, đồng thời chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm một môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp ở ngay thị trường trong nước.

Chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long: Quan trọng là sử dụng nợ công hiệu quả

Nợ công châu Âu gây hệ quả nghiêm trọng là vì chính sự chủ quan của một số nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Pháp. Ngay từ ban đầu, họ đã không đánh giá đúng bản chất, không có cách giải quyết thích hợp nên đến khi lún sâu rồi thì dù có chữa cháy đến đâu cũng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Với Việt Nam hiện nay, nợ công đang trong giới hạn cho phép, nhưng theo tôi không thể chủ quan. Đặc biệt, nợ công bao nhiêu không quan trọng bằng cách sử dụng nợ như thế nào. Có thể nợ công cao, như Nhật Bản, nợ công hơn 100% GDP, nhưng họ sử dụng đồng vốn rất hiệu quả, đúng mục đích nên không có vấn đề gì cả. Ngược lại, dù nợ công thấp, nhưng nếu không sử dụng đúng mục đích, không hiệu quả, thì việc vượt “chỉ giới đỏ” là chuyện rất dễ xảy ra.

Bởi vậy, cần phải phát huy tính hiệu quả này, không thể chủ quan để rồi rơi vào tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Lệ Thúy

FED được coi là Ngân hàng trung ương Mỹ, bao gồm 12 Ngân hàng Dự trữ liên bang khu vực và các ngân hàng thành viên, bắt đầu hoạt động từ năm 1915 theo Đạo luật Dự trữ liên bang được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua cuối năm 1913.

Thực chất, FED là một tổ chức tư nhân nhưng đóng vai trò cực kỳ quan trọng giống như “một nhà nước trong lòng nhà nước Mỹ”.

FED được quyền độc nhất vô nhị trên thế giới là in đồng USD và phát hành ra thế giới thông qua nhiều con đường khác nhau như IMF, WB, các quỹ xuyên quốc gia, hệ thống ngân hàng quốc tế và các công ty tư nhân dưới các hình thức: (1) các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài; ( 2) các công ty tái thiết sau chiến tranh; (3) khoản vay được bảo đảm của các chính phủ thông qua IMF; (4) hoạt động tín dụng của các ngân hàng lớn nhất ở Châu Âu và ngân hàng nhỏ hơn ở nhiều nước khác nhau; (5) hoạt động tín dụng của các xí nghiệp, các doanh nhân và cá nhân ở tất cả các nước trên thế giới.

Như vậy, FED nắm trong tay quyền kiểm soát toàn bộ hệ thống kinh tế thế giới.

Lê Thế Mẫu
.
.
.