Khủng hoảng nợ công ở châu Âu và vấn đề của thời đại

Kỳ 3: Hiệu ứng domino và quân bài Slovenia, Luxemburg

Thứ Sáu, 24/05/2013, 13:46

Có thể thấy, nợ công châu Âu cùng với sự suy thoái mạnh của nền kinh tế thế giới đang trở thành những vấn đề được quan tâm nhất trên toàn cầu bởi lẽ nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân và sự yên bình, an ninh của một thể chế, đất nước.
>> Kỳ 2: Kinh tế châu Âu thời hậu giải cứu

Trong hơn 2 năm qua, châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã thực hiện nhiều cuộc giải cứu với những nền kinh tế khác nhau như Hy Lạp (386 tỷ Euro), Ireland (67,5 tỷ Euro), Bồ Đào Nha (78 tỷ euro), Tây Ban Nha (100 tỷ Euro) và mới nhất là CH Cyprus với 10 tỷ Eurro.

Dù khoản giải ngân dành cho CH Cyprus được tiến hành bắt đầu từ tháng năm, song quốc đảo này vẫn phải tiếp tục đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế sâu, tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát và nợ công sẽ tăng cao do phải áp dụng những biện pháp “thắt lưng buộc bụng”.

Dự báo, GDP của CH Cyprus sẽ giảm 8,7% năm 2013 và giảm tiếp 3,9%  trong năm 2014. Thâm hụt ngân sách của quốc đảo này cũng sẽ tăng lên 6,5% trong năm 2013 và 8,4% trong năm 2014. Hiện nợ công của CH Cyrpus là 109,5% GDP và có thể tăng lên mức 124% GDP trong thời gian tới…

Trong khi đó, Italia, nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng dù Quốc hội đã thông qua kế hoạch kinh tế năm 2013, nêu ra những chính sách thúc đẩy tăng trưởng và các biện pháp phục hồi kinh tế. Theo các chuyên gia kinh tế, Italia có thể vẫn sa lầy trong cuộc suy thoái dài nhất 2 thập kỷ qua với dự báo sản lượng công nghiệp giảm 0,5%.

Đáng lo ngại nhất là Pháp – nền kinh tế đầu tàu của Eurozone cũng bị cảnh báo phải có động thái cương quyết hơn để giải quyết khối nợ đang ngày càng phình to. Báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) dự đoán, nợ công của Pháp sẽ vượt 93% vào cuối năm 2013 và mục tiêu thâm hụt 3% GDP sẽ không thể đạt được mà ngược lại nó có xu hướng ngày càng tăng cao.

Vì thế, EU đang đứng trước sức ép ngày càng tăng từ các nhà lãnh đạo thế giới về việc phải đưa ra một kế hoạch hiệu quả nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của Eurozone - một “thảm họa” có thể gây ra hậu quả khôn lường cho cả thế giới.

Trên thực tế, ngay từ tháng 10/2011, khi EU đang loay hoay với kế hoạch giải cứu Hy Lạp, quốc gia đầu tiên trong liên minh này có nguy cơ vỡ nợ công, EU đã cho công bố kế hoạch 5 điểm nhằm đưa các nền kinh tế thuộc khu vực này thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ. Khi đó, ưu tiên trước mắt của giới chức châu Âu là tập trung vào việc giải quyết các bất ổn của hệ thống ngân hàng.

Theo Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso, các ngân hàng hoạt động trong khu vực Eurozone phải nhanh chóng rút khỏi các tài sản có rủi ro, đặc biệt là trái phiếu. Quá trình này sẽ được thực hiện thông qua quỹ hỗ trợ của cơ quan bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) với tổng số vốn được nâng lên mức 440 tỷ Euro. Đổi lại sự trợ giúp này, các ngân hàng sẽ không được phép chia cổ tức và các khoản thưởng cho lãnh đạo trong năm 2011.

Một trong số các giải pháp ngắn hạn khác của EU được thông qua chỉ sau đó 8 tháng là kế hoạch “bơm” 120 tỉ - 130 tỉ Euro nhằm kích thích tăng trưởng tại những nền kinh tế đang đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp lên tới 11% bằng cách tạo điều kiện thuận lợi để tăng sản lượng và tạo việc làm với tên gọi “Hiệp ước về tăng trưởng và việc làm”.

Nền kinh tế Slovenia sẽ bị tác động mạnh nếu quốc gia này rơi vào khủng hoảng nợ công.

Kế hoạch này do 4 nền kinh tế hàng đầu của khu vực Eurozone là Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha đưa ra và ban đầu nó chưa nhận được sự nhất trí cao từ các quốc gia khác trong khu vực. Chỉ đến khi Thủ tướng Đức Angela Merkel gợi mở những thay đổi dài hạn mang tính cơ cấu đối với khu vực Eurozone thì Hiệp ước mới nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các quốc gia khác, trong đó có Tây Ban Nha và Italia – những nước đang tìm kiếm các giải pháp tức thời khi chi phí vay nợ của họ đang gia tăng nhanh chóng.

Và với sự nhiệt tình của Pháp cùng với sự ủng hộ của IMF, đến tháng 4/2013, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí được lộ trình hướng tới một liên minh tiền tệ và kinh tế chặt chẽ hơn trong 10 năm tới với bước đi đầu tiên là thành lập một liên minh ngân hàng mang tên Cơ chế giám sát chung (SSM) do Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) kiểm soát.

Thế nhưng, những nỗ lực giải cứu Eurozone vẫn chưa được phát huy hết tác dụng bởi Slovenia và Luxemburg đang có nguy cơ trở thành quân bài domino tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ.

Báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) hồi đầu tháng 4 cho biết, Slovenia – một quốc gia nhỏ có biên giới với Italy, Croatia, Hungary và Áo có thể sẽ phải tốn chi phí đáng kể để khắc phục rủi ro nghiêm trọng của hệ thống ngân hàng nước này bởi núi nợ xấu khổng lồ lên tới 7 tỉ Euro, tức chiếm 28% GDP.

Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Moody hôm 30/4 cũng đã hạ mức xếp hạng tín dụng dài hạn của Slovenia xuống 2 bậc và cho biết mức xếp hạng này có thể tiếp tục bị hạ trong thời gian tới do sự yếu kém của nền kinh tế nước này.

Còn Luxemburg – nước yên tĩnh và giàu có nhất khu vực Eurozone lại trở thành “quả bom nổ chậm” về nợ công bởi ngành công nghiệp tài chính quá khổ. Với dân số nửa triệu người sống trên mảnh đất nhỏ màu mỡ nằm giữa Bỉ, Pháp và Đức, Luxemburg hội tủ đủ mọi điều kiện để trở thành trung tâm tài chính của khu vực với hệ thống ngân hàng có quy mô gần 40 tỷ Euro và 3.800 quỹ đầu tư trị giá 3.000 tỷ Euro, cao gấp 55 lần GDP.

Luxembourg có 141 ngân hàng, 5 trong số đó là ngân hàng trong nước, còn lại chủ yếu là ngân hàng nước ngoài. Chủ tịch ECB Mario Draghi đã cảnh báo: "Những kinh nghiệm gần đây cho thấy, các quốc gia có ngành ngân hàng lớn hơn nhiều lần so với quy mô kinh tế chính là những quốc gia dễ tổn thương nhất".

Nhưng cho đến nay, chính phủ Luxemburg vẫn khẳng định ngành công nghiệp ngân hàng của họ an toàn. Điều này đã được IMF xác nhận song các chuyên gia kinh tế vẫn kêu gọi quốc gia này tăng cường giám sát tài chính và xây dựng trước kế hoạch giải quyết các ngân hàng trong trường hợp khủng hoảng nổ ra.

Những diễn biến quan trọng trong cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu bắt đầu từ tháng 11/2009 khi chính phủ Hy Lạp tuyên bố nâng gấp đôi ước tính về thâm hụt ngân sách năm 2009.

- Tháng 11/2009, Thủ tướng Hy Lạp cho biết thâm hụt ngân sách năm 2009 ở mức 12%.

- Tháng 1/2010: Chính phủ Tây Ban Nha công bố kế hoạch tiết kiệm 50 tỷ Euro, tương đương 4% GDP.

- Tháng 4/2010: Hy Lạp cầu cứu EU và EU thông qua kế hoạch giải cứu trị giá 30 tỷ Euro với điều kiện giảm chi tiêu trong 3 năm tiếp theo.

- Tháng 5/2010: Quốc hội Tây Ban Nha chấp nhận kế hoạch thắt chặt ngân sách nhằm tiết kiệm 15 tỷ Euro. Italia cũng tuyên bố tiết kiệm 24 tỷ Euro…

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu thông qua kế hoạch khẩn cấp trị giá 750 tỷ Euro để hỗ trợ thị trường tài chính và vực dậy đồng Euro.

Các chuyên gia kinh tế của IMF nhận định, nếu các chính phủ Eurozone không thể thực hiện thắt chặt tài khóa hay lập một hệ thống giám sát chung đúng thời gian thỏa thuận, 58 ngân hàng trong EU từ UniCredit đến Deutsche Bank sẽ chứng kiến khối tài sản bị co lại.

Ước tính, đến hết năm 2013, các ngân hàng châu Âu có thể phải bán 4.500 tỷ USD tài sản và điều này ảnh hưởng mạnh đến khả năng tín dụng cũng như khiến các nước như Hy Lạp, CH Cyprus, Ireland, Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha mất 0,4% GDP.

Huyền Chi
.
.
.