Khủng hoảng nợ công ở châu Âu và vấn đề của thời đại

Kỳ 1: Nợ công hay chiến dịch làm suy yếu đồng euro

Thứ Tư, 22/05/2013, 19:53

Có thể nói, hầu hết các quốc gia đều có nợ công, dù ít hay nhiều, tạm thời hay mạn tính. Nợ công đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển nhưng sẽ trở thành quốc nạn khi bắt đầu gây tổn hại đến nền kinh tế. Nó có thể dẫn đến lạm phát, làm cho quốc gia mất khả năng thanh toán và các nhà đầu tư mất hết niềm tin…

Nhưng yếu tố thực sự gây ra cuộc khủng hoảng ở châu Âu không phải là nợ công mà là những khoản nợ nước ngoài khổng lồ ngày càng gia tăng, cộng thêm chiến dịch tấn công làm suy yếu đồng euro trên các thị trường quốc tế.

Báo CAND có loạt bài bước đầu tìm hiểu những vấn đề liên quan đến nợ công ở châu Âu nhằm giúp bạn đọc có tư liệu tham khảo.

Vậy thực chất nợ công là gì? Theo Jimmy Group, nợ công là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách. Do đó, nợ công, nói cách khác, là thâm hụt ngân sách luỹ kế tính đến một thời điểm nào đó.

Để tính toán quy mô của nợ công, các chuyên gia kinh tế thường tính khoản nợ dựa trên phần trăm so với GDP. Nợ công thường được phân thành nợ trong nước và nợ nước ngoài. Việc đi vay của chính phủ có thể được thực hiện thông qua phát hành trái phiếu chính phủ để vay từ các tổ chức, cá nhân.

Trái phiếu chính phủ phát hành bằng nội tệ được coi là không có rủi ro tín dụng vì chính phủ có thể tăng thuế thậm chí in thêm tiền để thanh toán cả gốc lẫn lãi khi đáo hạn.

So với trái phiếu chính phủ phát hành bằng nội tệ, trái phiếu chính phủ phát hành bằng ngoại tệ (thường là các ngoại tệ mạnh có cầu lớn) có rủi ro tín dụng cao hơn vì chính phủ có thể không có đủ ngoại tệ để thanh toán, thêm vào đó còn có thể xảy ra rủi ro về tỷ giá hối đoái.

Ngoài ra, chính phủ cũng có thể vay tiền trực tiếp từ các ngân hàng thương mại, các thể chế tài chính quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng thế giới (WB). Nhưng hình thức vay này thường được chính phủ của các nước có độ tin cậy tín dụng thấp áp dụng vì khi đó khả năng vay nợ bằng hình thức phát hành trái phiếu chính phủ của họ không cao. Và khi nợ công tăng cao, vượt quá xa giới hạn được coi là an toàn, nền kinh tế rất dễ bị tổn thương và chịu nhiều sức ép cả bên trong và bên ngoài.

Cụ thể, chính phủ các nước thường buộc phải tăng thuế để trả lãi nợ vay và nếu nợ nước ngoài lớn thì lại phải tăng cường xuất khẩu để trả nợ nước ngoài và giảm chi tiêu công – điều kiện tiên quyết để nhận được các gói cứu trợ.

Vì vậy, khi xét đến nợ công, điều cốt lõi không chỉ cần quan tâm tới tổng nợ, nợ hằng năm phải trả mà phải quan tâm đến rủi ro và cơ cấu nợ. Nghĩa là phải tính đến khả năng trả nợ và rủi ro trong tương lai chứ không phải là con số tổng nợ trên GDP.

Đồng euro đã phải chịu nhiều tác động xấu từ cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực Eurozone.

Trong trường hợp với các quốc gia ở châu Âu, cuộc khủng hoảng nợ công bắt nguồn từ những sai lầm trong quản lý hệ thống tài chính của từng quốc gia và của cả EU.

Ví dụ như chính sách tiền tệ của EU không đi cùng với cách thu thuế và lao động và khi sự cố xảy ra, chính phủ các nước lại chỉ tập trung vào giảm thâm hụt ngân sách nên lại càng làm gia tăng rủi ro. Đó là chưa kể đến những phản ứng chậm của EU và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).

Một nguyên nhân cũng đáng chú ý là phần lớn các quốc gia châu Âu sau một thời gian phát triển kinh tế ở mức độ trung bình, không có đột phá, lại quá nôn nóng với chính sách kích cầu và chịu thêm áp lực từ các nhóm tài phiệt nên tạo một mớ bòng bong trong hệ thống tài chính - ngân hàng.

Một số nhà phân tích kinh tế còn chỉ ra rằng, vấn đề hiện nay ở khu vực châu Âu được biết đến trên toàn thế giới như là cuộc khủng hoảng nợ công. Nhưng cuộc khủng hoảng thực sự đang xảy ra lại chính là khủng hoảng nợ nước ngoài.

Điển hình như ở Bồ Đào Nha, tuy nợ công và tỷ lệ thâm hụt ngân sách của nước này chỉ bằng Pháp nhưng do các khoản nợ nước ngoài cao của khu vực tư nhân nên chính quyền đã buộc phải xin cứu trợ từ EU và ECB. Điều này có nghĩa là trong khủng hoảng, các khoản nợ tư có xu hướng chuyển thành nợ công.

Như vậy, việc đánh giá đúng nợ công và “thực chất” nợ công của một nền kinh tế, một quốc gia là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong những thời điểm nhạy cảm. Bởi lẽ, nếu chỉ chú trọng vào con số tỷ lệ nợ công cao một cách thuần túy sẽ gây nên hiệu ứng tâm lý hoang mang, kích động, thiếu tin tưởng, làm gia tăng căng thẳng xã hội, bị giới đầu cơ lợi dụng tấn công, dễ gây rối loạn nền kinh tế, thậm chí dẫn nền kinh tế đến bên bờ vực phá sản.

Ngược lại, nếu yên tâm với tỷ lệ nợ công còn trong giới hạn an toàn, mà không phân tích cẩn trọng, chú ý đúng mức đến khoản nợ đó được hình thành như thế nào, bằng cách nào, thực trạng nền kinh tế ra sao và khả năng trả nợ thế nào…, cũng sẽ dễ đẩy nền kinh tế rơi vào vòng xoáy thâm hụt ngân sách – "thắt lưng buộc bụng" – tác động tiêu cực đến tăng trưởng.

Bên cạnh những nguyên nhân được cho là xuất phát từ bên trong EU, các nhà phân tích kinh tế cũng nhắc nhiều đến yếu tố tác động từ bên ngoài dưới tên gọi “chiến dịch tấn công làm suy yếu đồng euro”.

Tháng 2/2010, tức là chỉ một vài tháng sau khi Hy Lạp nổi lên là quốc gia đầu tiên ở châu Âu có nguy cơ bị phá sản, Bộ trưởng Giao thông và Việc làm Tây Ban Nha Jose Blanco Lopez đã cảnh báo rằng có một chiến dịch tấn công đồng euro trên các thị trường thế giới mà mục tiêu nhằm vào Tây Ban Nha.

Bộ trưởng Giao thông và Việc làm Tây Ban Nha Jose Blanco Lopez từng cảnh báo về một chiến dịch tấn công đồng euro trên các thị trường thế giới mà mục tiêu nhằm vào Tây Ban Nha bên cạnh cuộc khủng hoảng nợ công.

Khi đó, một số nhà kinh tế học cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng Anh và Mỹ đã tạo ra chiến dịch này để hạ bệ đồng euro đúng vào lúc đồng tiền này đang giữ thế thượng phong so với đồng USD trên thị trường quốc tế.

Còn đối với đồng bảng Anh, euro đã “bóp chết” đồng tiền này ở các nước châu Âu. Dù đây chỉ là một giả thuyết trong vô vàn giả thuyết khác nhau về cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu song nếu suy xét cặn kẽ, người ta cũng thấy nó không phải là không có lý.

Bởi lẽ, ngay sau khi Hy Lạp xin giải cứu, đồng euro đã trượt dài theo dốc đi xuống trên thị trường và đồng USD nhanh chóng lấy lại vị trí độc tôn của mình. Còn đồng bảng Anh thì trở thành hình mẫu, có nghĩa là nhiều quốc gia muốn được trở lại như Anh, có đồng tiền riêng để khỏi phụ thuộc vào đồng euro và tránh nguy cơ bị kéo vào hiệu ứng domino của cuộc khủng hoảng nợ công.

Từ đây, Anh cũng bắt đầu có những động thái tiếp theo, đe dọa tính bền vững của khu vực Eurozone khi giới chức nước này liên tục tuyên bố xem xét việc rút xứ sở sương mù ra khỏi EU.

Chưa hết, thời điểm khủng hoảng của Eurozone, nhất là khi các nền kinh tế bị hạ bậc tín nhiệm theo báo cáo của các tổ chức chuyên đi đánh giá tín nhiệm các công ty và quốc gia khác, niềm tin của người dân và giới đầu tư bị lung lay cũng chính là cơ hội cho các hoạt động đầu cơ tài chính của giới tài phiệt.

Do đó, mớ bùng nhùng của tài chính châu Âu lại càng trở nên rối ren, khiến các quốc gia liên tục rơi vào vòng xoáy của tình trạng thâm hụt ngân sách, buộc phải tăng thuế, thắt chặt chi tiêu để rồi lại rơi sâu vào suy thoái…

Theo nhà báo người Đức David Froje, bài học lớn nhất mà thế giới rút ra từ cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu là bất kỳ nền kinh tế nào, nếu lơ là quản lý, đều có thể sụp đổ vì nợ nần.

Qua đây, châu Âu, vốn luôn tự hào là những thể chế minh bạch, cho phép người dân có thể giám sát mọi hoạt động của chính quyền, lại phải học thêm bài học về tăng cường minh bạch bởi nhiều chính phủ đã không làm tròn trách nhiệm trong chi tiêu những đồng tiền thuế của người dân một cách hợp lý và minh bạch.

Và thiếu sự minh bạch ấy, các cơ quan có vai trò giám sát như Quốc hội, các tổ chức xã hội, công chúng... không có đủ thông tin và không thể phản biện, hành động kịp thời.

Theo tính toán của IMF, vào đầu năm 2010, tổng nợ công của 10 nước giàu nhất thế giới đạt mức 106% GDP (tương đương mỗi người dân nợ 50.000 USD) trong khi con số này là 78% trong năm 2007. Như vậy, trong vòng 3 năm, nợ công của "10 nước giàu nhất” đã tăng hơn 9.000 tỉ USD.

Với kịch bản tương đối lạc quan, trong năm 2014, nợ của "10 nước giàu nhất" sẽ lên trên mức 114% GDP, còn theo kịch bản bi quan, con số này là 150% GDP.

Trong khi đó, tờ Le Figaro của Pháp và tờ Economist của Anh đều cảnh báo, các nền kinh tế rường cột châu Âu như Đức, Pháp đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ công.

Nếu kinh tế Đức có dấu hiệu trì trệ, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp thực hiện chính sách thất nghiệp bán phần thì tại Pháp, tính cạnh tranh đã mất dần ưu thế và chi tiêu công đôi khi chiếm đến gần 57% tỷ trọng của GDP, mức cao nhất trong EU, nợ công cũng tăng từ 22% cho đến mức 90% như hiện nay.

Huyền Chi
.
.
.