Kinh tế Mỹ - Trung Quốc: Tiếp tục cầu đồng tồn dị

Chủ Nhật, 15/05/2011, 10:39
Mặc dù cuộc đối thoại Chiến lược - Kinh tế lần thứ ba Mỹ - Trung Quốc đã kết thúc sau 2 ngày diễn ra tại Washington (từ 9 đến 10/5) nhưng giới chuyên môn vẫn bình luận xung quanh chủ đề này bởi 2 cường quốc kinh tế thế giới đã đạt được nhiều kết quả hơn kỳ vọng.

Hơn nữa, cuộc đối thoại chiến lược thứ 2 Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) được tổ chức (12/5 tại thủ đô Budapest, Hungary) sau khi kết thúc cuộc đối thoại này.

Giới kinh tế khẳng định, là 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới nên những kết quả đạt được về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động quan trọng tới sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu.

Giới truyền thông cho biết, tuy hai nước đã đạt được nhiều kết quả, nhất là tiến triển trong kinh tế, nhưng vẫn tiếp tục bất đồng về giá trị đồng NDT và thặng dư thương mại. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner và Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước, đặt ra một khung hành động trong tương lai.

Trước đó (3/5), ông Timothy Geithner tuyên bố, những thay đổi đáng được khuyến khích trong chính sách kinh tế của Trung Quốc sẽ có lợi cho tất cả các nước trên thế giới mặc dù cho rằng, giá trị đồng NDT vẫn bị định giá thấp. Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner cũng cho rằng, việc kiểm soát đồng NDT của Trung Quốc là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với Washington trong quan hệ kinh tế song phương.

Được biết, không có đột phá trong yêu cầu tăng giá trị đồng NDT nhanh hơn tại cuộc đối thoại lần này. Đồng NDT đã tăng giá 5,14% kể từ khi được nới lỏng biên độ so với đồng USD hồi tháng 6/2010. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng khẳng định, Washington không coi tăng trưởng của Bắc Kinh là mối đe dọa và đã tìm cách củng cố niềm tin để phối hợp trong các vấn đề toàn cầu.

Giới kinh tế cũng quan tâm tới việc cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poors (S&P) mới hạ mức xếp hạng triển vọng nợ của Mỹ (18/4) bởi Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lập tức hối thúc Washington bảo vệ các nhà đầu tư trái phiếu của chính phủ Mỹ. Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm 15/4, tuy Trung Quốc đã giảm sở hữu trái phiếu Mỹ trong 4 tháng liên tiếp, nhưng nước này vẫn là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.

Theo kết quả khảo sát của hãng Bloomberg mới thực hiện đối với 1.263 nhà đầu tư, chuyên gia phân tích trên thế giới, khoảng 50% người cho rằng, đồng NDT sẽ cùng với USD, Yên Nhật và EURO trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới trong 10 năm tới.

Giới chuyên môn đặc biệt quan tâm tới nhận định kể trên bởi điều này đồng nghĩa với khả năng chuyển đổi cũng như giúp giải phóng những khoản tiền tiết kiệm khổng lồ của hơn 1,34 tỷ người Trung Quốc dự kiến lên tới 75,6 nghìn tỷ NDT (khoảng 11,6 nghìn tỷ USD), tương đương với  80% GDP của nước Mỹ. Giới kinh tế cho rằng, Trung Quốc muốn quốc tế hóa đồng NDT để tăng sức mạnh và mở rộng ảnh hưởng của quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, cũng như giảm bớt tình trạng phụ thuộc vào USD, EURO.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc quốc tế hóa đồng NDT là thực tế không thể tránh khỏi bởi nước này đang có lượng dự trữ ngoại hối lên tới hơn 3.000 tỷ USD. Nhận định này được đưa ra sau khi giới kinh tế Mỹ một lần nữa cảnh báo về sự mất giá không phanh của đồng USD và hậu quả nguy hiểm của xu thế này.

Đồng USD đã mất giá 15,9% kể từ tháng 6/2010 và các nhà đầu tư thế giới đang cho rằng, đồng USD không có tương lai. Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Mỹ và nếu nước này bán ồ ạt trái phiếu của chính phủ Mỹ thì điều xấu nhất có thể xảy ra đối với nền kinh tế số một thế giới.

Theo thống kê, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã tăng gấp đôi mỗi năm và nếu Mỹ thất bại trong việc tận dụng dòng tiền đầu tư từ Trung Quốc trong tương lai sẽ gây ra thiệt hại lớn cho nền kinh tế và thị trường việc làm ở Mỹ. Trung Quốc đã đầu tư vào 35/50 bang ở Mỹ với hoạt động chủ yếu là sản xuất máy móc công nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, kể cả khi GDP của Trung Quốc vượt Mỹ vào năm 2030 (theo dự báo của Goldman Saschs) thì 2 nền kinh tế vẫn khác nhau về cơ cấu bởi Trung Quốc vẫn sở hữu khu vực nông thôn kém phát triển rộng lớn và phải đối mặt với nhiều thách thức.

Hơn nữa thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc khi đó không thể bằng Mỹ bởi IMF từng dự báo từ năm 2009: GDP bình quân đầu người của Mỹ là 46.000USD trong khi con số này ở Trung Quốc là 4.100USD

Quốc Trung - Trường Giang (tổng hợp)
.
.
.