Kinh nghiệm gồng mình chống lạm phát của Trung Quốc

Thứ Hai, 16/05/2011, 10:42
Kể từ ngày 18/5, các ngân hàng Trung Quốc đều phải nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5%, lên 21% sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đưa ra quyết định này hôm 12/5. Đây là lần thứ 5 trong năm 2011 và là lần thứ 8 kể từ tháng 10/2010 PBOC tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và điều này đang khiến dư luận và giới chuyên môn tiếp tục phân tích, mổ xẻ bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Quyết định khó khăn

Sau điều chỉnh của PBOC, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng lớn và vừa đã lên tới mức 21% và việc này sẽ đóng băng gần như tức thì đối với số tiền trị giá hơn 370 tỷ NDT. Đây là nhận định của Bank of America-Merrill Lynch bởi ngân hàng này cho rằng, quyết định của PBOC sẽ làm giảm hơn 370 tỷ NDT (khoảng 56,93 tỷ USD) lưu thông trong hệ thống ngân hàng và điều này sẽ ảnh hưởng nhất định tới nền kinh tế cũng như các nhà sản xuất, kinh doanh.

Giới kinh tế cho rằng, việc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể sẽ đem lại hiệu quả nếu các ngân hàng không có bất kỳ nguồn tài chính nào khác từ bên ngoài. Tuy động thái này được coi là nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn tình hình thanh khoản khá ồ ạt trên thị trường, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới dòng vốn lưu thông của nền kinh tế.

Dư luận cho rằng, PBOC đã đưa ra quyết định kể trên sau khi chính phủ công bố (11/5) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 5,3%, cao hơn so với dự đoán trước đó là 5,2%, gần bằng mức cao nhất trong 3 năm qua (5,4%). Con số này cao hơn dự đoán của nhiều nhà phân tích và điều này cho thấy những nỗ lực kìm chế tăng giá của Trung Quốc chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Sự xoay vần của đồng NDT.

Chỉ riêng trong tháng 1/2011 giá thực phẩm đã tăng 10,3%, giá lương thực tăng 15,1%, còn giá rau quả tươi tăng gần 35%. Lạm phát ở Trung Quốc đã liên tục vượt mục tiêu 4% khiến nước này tiếp tục thực hiện các chính sách thắt chặt tài chính. Có người cho rằng, kiềm chế giá cả không hiệu quả sẽ không giải quyết được lạm phát, mà còn làm tình trạng trầm trọng hơn. Ngoài ra, những biện pháp nhằm cố gắng hạ giá hàng hóa xuống thấp sẽ dẫn đến tình trạng tích trữ khiến giá cả càng tăng cao hơn.

Có một số chuyên gia nhận định, chính sách chống lạm phát của Trung Quốc "đang có vấn đề" khi 4 lần nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhưng không phát huy tác dụng và lần này liệu có khả quan hơn là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Nhiều câu hỏi cũng được đặt ra khi lạm phát không giảm, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân, nhất là người làm công ăn lương.

Nhiều người cho rằng, lạm phát chủ yếu chịu ảnh hưởng từ giá thực phẩm và người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu chủ yếu trong lĩnh vực này. Tăng trưởng chậm lại trong khi đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao và áp lực giá cả là thách thức không nhỏ đối với chính phủ.

Một số nhà kinh tế cho rằng, Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp khác thay vì nâng lãi suất để đảm bảo kiềm chế lạm phát nhưng không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc có thể hạn chế việc nâng lãi suất trong những tháng tới và tập trung sử dụng các công cụ khác để chống lạm phát. Giá cả tăng, bong bóng bất động sản hình hành, dòng vốn đầu tư bị ngưng trệ đang là những thách thức buộc các cơ quan hữu quan phải đưa ra quyết sách kịp thời để trấn an dư luận.

Nhưng một số nhà phân tích lại cho rằng, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc hiện nay không phải là kiềm chế lạm phát mà là tạo công ăn việc làm, nhưng việc tạo ra 25 triệu việc làm mỗi năm là một bài toán khó. Hơn nữa, nếu không kiểm soát được tình trạng thất nghiệp, giá cả tiếp tục leo thang có thể gây bất ổn chính trị.

Trung Quốc đã cho phép đồng NDT tăng giá so với đồng USD lên mức 6,5 NDT/USD, mức cao nhất kể từ năm 1993, nhưng vẫn không có tác dụng giảm lạm phát. Hơn 1 tháng trước (6-4), lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một năm cũng tăng thêm 0,25% lên 3,25%, còn lãi suất cho vay một năm tăng 0,25% lên 6,31%. Đây là lần thứ hai PBOC tăng lãi suất kể từ đầu năm 2011 và lần thứ tư kể từ năm 2010 đến nay.

Một ngày sau (7/4), giá xăng bán lẻ đã tăng thêm 500 NDT/tấn, giá dầu diesel tăng thêm 400 NDT/tấn và đây là lần thứ hai kể từ đầu năm 2011 Trung Quốc tăng giá xăng, lần thứ năm kể từ đầu năm 2010. Tình trạng dân số già nhanh, lạm phát tăng trong khi tăng trưởng chậm lại khiến nền kinh tế Trung Quốc đang hướng tới bước ngoặt Lewis (học thuyết kinh tế được lấy theo tên của Arthur Lewis - người đoạt giải Nobel Kinh tế 1979). Đây là bước ngoặt đánh dấu giai đoạn tính cạnh tranh sản xuất và tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc bắt đầu đi xuống khi các chi phí lao động tăng và lương tăng sẽ đẩy giá cả tăng. Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn đã đưa việc kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ trong năm nay.

Trước đó (1/5), Thủ tướng Ôn Gia Bảo tái khẳng định quyết tâm kiểm soát giá nhà ở của chính phủ - xây dựng nhà ở chính sách cần phải đảm bảo quy mô, chất lượng, đồng bộ nhằm đảm bảo giá nhà cơ bản ổn định, thúc đẩy ngành nhà đất phát triển lành mạnh. Tiếp đến phải giảm giá nhà quá cao ở một số khu vực để trở lại mức hợp lý; quan tâm tới người khó khăn và gia đình có thu nhập thấp để họ có nhà ở, thuê được nhà ở.

Những ảnh hưởng khó tránh

Giới kinh tế nhận định, Trung Quốc đang chống lạm phát không theo cách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Khi hạn chế lạm phát, FED đã bán ra trái phiếu chính phủ, làm giảm lượng tiền mặt trong hệ thống, có tác dụng gián tiếp trong việc nâng lãi suất. Nhưng nguồn gốc lạm phát ở Trung Quốc không phải là lãi suất thấp cũng không phải là đầu cơ. Lợi nhuận từ xuất khẩu và đầu tư vào Trung Quốc nhiều hơn đáng kể so với số tiền mà Trung Quốc phải bỏ ra ở nước ngoài và điều này sẽ khiến các loại ngoại tệ khác bị mất giá so với đồng NDT.

Nhưng để duy trì tỷ giá hối đoái cố định, PBOC đã mua USD và euro dư thừa trên thị trường và thay đồng NDT vào đó. Điều đó đồng nghĩa với việc, Trung Quốc không ngừng mở rộng cung tiền và nếu tiếp tục duy trì chính sách này lạm phát tại quốc gia hơn 1,34 tỷ người sẽ không ngừng gia tăng. Ngoài ra còn phải tính tới khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc (có lẽ lớn hơn so với những con số được công bố) bởi việc tầng lớp trung lưu tăng nhanh ở nước này và sự giàu có của họ đã xuất hiện một nhu cầu mới: ăn ngon mỗi ngày. Nhu cầu này tăng lên đã tạo gánh nặng trên vai người nông dân trong bối cảnh lực lượng lao động ở nông thôn đang giảm mạnh.

Và điều này khiến cho giá thực phẩm leo thang, người có thu nhập thấp, làm công ăn lương là người cảm nhận rõ nhất những ảnh hưởng tiêu cực từ việc giá tăng, lạm phát leo thang. Một số liệu cũng được quan tâm khi Hiệp hội Công nghiệp ôtô Trung Quốc thông báo, từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, lượng tiêu thụ xe hơi ở nước này chỉ tăng 8%, giảm mạnh so với con số tăng trưởng kỳ diệu 71,8% cùng kỳ năm ngoái.

Giới kinh tế cho rằng, trước mắt, cùng với việc lạm phát tiếp tục gia tăng, các nhà tiêu dùng nước này đang bận đối phó trước tình trạng giá cả thực phẩm leo thang trong các cửa hàng tạp hóa, không rảnh rỗi để xem có nên mua xe hay không.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng giá nhiều mặt hàng với khối lượng giao dịch lớn trên thị trường quốc tế không ngừng leo thang khiến giá thành lao động gia tăng, giá nông sản cũng tăng theo tạo nên sức ép lạm phát ở Trung Quốc ngày càng lớn. Việc thiếu hụt nguồn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp do tình trạng hàng chục triệu nông dân muốn lên thành phố tìm việc đã và đang gây khan hiếm sản phẩm, đẩy giá lương thực tăng mức kỷ lục 11,7% trong tháng 3.

Theo thống kê mới nhất, tới năm 2014, số người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc sẽ bắt đầu sụt giảm và tới năm 2040 khoảng 30% dân số ở độ tuổi trên 60. Và điều này chắc chắn sẽ tác động lớn tới tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Quá trình công nghiệp hóa ào ạt ở Trung Quốc đã kéo theo sự gia tăng nhanh chóng số người tìm đến sống nơi đô thị. Năm 2000, dân số thành thị chỉ chiếm 36,1%, nhưng đã đạt 49,7% chỉ 10 năm sau (2010). Với hơn 1,34 tỷ dân, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rộng mở đối với các quốc gia xuất khẩu trên thế giới, nhưng theo dự báo, nước này sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển trung hạn và đây được coi là hệ quả của chính sách một con được thực hiện trong 30 năm qua.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách đang đau đầu với việc lo "miếng cơm" cho người dân thì giới khoa học lại cảnh báo trước việc Trung Quốc cho phép trồng cây lương thực then chốt biến đổi gen bởi việc này có khả năng gây nguy hại cho an toàn chủng tộc, an ninh đất nước, an ninh kinh tế và an ninh môi trường khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Theo thống kê, Trung Quốc là nước sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới với sản lượng chiếm tới 1/3 và cũng là quốc gia tiêu thụ lúa gạo lớn nhất thế giới bởi có trên 1,34 tỷ người. Do đó, bảo đảm chất lượng và sự an toàn của sản phẩm lúa gạo là vấn đề lớn liên quan đến vận mệnh của Trung Quốc.

Nhưng tháng 11/2009, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho hai loại lúa nước biến đổi gen do Đại học Nông nghiệp Hoa Trung nghiên cứu. Cho tới nay vẫn còn rất nhiều tranh cãi xung quanh sự an toàn của sản phẩm biến đổi gen, nên chưa có nước nào tiến hành biến đổi gen đối với các loại cây lương thực chính trong nước, cũng như cấp giấy chứng nhận an toàn cho loại lương thực chủ yếu được biến đổi gen.

Do đó, quyết định của Bộ Nông nghiệp đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ giới khoa học, học giả, đại biểu Quốc hội cũng như người dân nước này.

Chỉ 20 ngày đầu bước vào năm 2011, các ngân hàng Trung Quốc đã phải nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và kể từ tháng 1 đến nay, trung bình mỗi tháng PBOC lại yêu cầu họ phải nâng 50 điểm phần trăm (0,5%). Sau khi quyết định này có hiệu lực lần đầu tiên vào ngày 20/1, đến cuối tháng 2 (24/2), các ngân hàng tiếp tục thực hiện điều chỉnh lần thứ hai. Ngày 25/3, tỷ lệ dự trữ bắt buộc lại được thực hiện và chỉ gần 1 tháng sau (21/4), các ngân hàng phải nâng 50 điểm phần trăm (0,5%). Và ngày 12/5 vừa qua, PBOC yêu cầu các ngân hàng phải nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5%, lên 21% và quyết định này có hiệu lực từ ngày 18/5.

Nguyễn Thị Lân - Lê Chí Thiện (Tổng hợp)
.
.
.