Kịch bản chiến tranh Iraq lặp lại ở Syria

Thứ Hai, 02/09/2013, 09:58
Sau một thời gian liên tục đưa ra tuyên bố úp mở để thăm dò dư luận, ngày 30/8, Chính phủ Mỹ công bố cái gọi là “Bản báo cáo tình báo về vụ tấn công hóa học ở Syria” và khẳng định “đây là bằng chứng không thể chối cãi” về việc “quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học giết hại dân thường”.
>> Iran tìm cách ngăn chặn Mỹ tấn công Syria

Mặc dù tuyên bố rằng, với những “bằng chứng” này, Mỹ không cần được phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, Washington sẽ tiếp tục tham vấn với các đồng minh để thực hiện chiến dịch tấn công quân sự hạn chế vào Syria mà theo ông là “nhằm không để tái diễn lại chuyện Damuscus sử dụng vũ khí hóa học”.

Vẫn lặp lại kịch bản tạo cớ để gây chiến

Sau khi Mỹ công bố “Bản báo cáo tình báo về vụ tấn công hóa học ở Syria”, các chuyên gia phân tích thạo tin nêu câu hỏi: Vậy thì sự thật đằng sau bản báo cáo này là gì và họ đã tìm ra câu trả lời. “Bản báo cáo tình báo về vụ tấn công hóa học ở Syria” lặp lại công nghệ tạo cớ để phát động cuộc chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003.

Thế giới vẫn còn chưa quên, năm 2003, Washington một mực khẳng định rằng họ “có trong tay các tin tức tình báo tin cậy” về việc “Iraq sở hữu vũ khí hóa học”. Dường như thế vẫn chưa đủ nặng ký, Mỹ lại gán thêm một tội nữa cho chính quyền của Tổng thống Iraq Saddam Husein là “có quan hệ với tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda”. Thậm chí, để chứng minh Iraq sở hữu vũ khí hóa học, ngày 5/2/2003, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell cầm trong tay chiếc lọ thủy tinh chứa một loại chất bột trắng khi ông trình bày bản báo cáo tin tức tình báo trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và khẳng định, chất bột đó là “vũ khí hóa học của Iraq”.

Thế nhưng, sau khi Mỹ tiến quân vào Iraq, quân đội Mỹ và đồng minh đã không phát hiện được bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Iraq có vũ khí hóa học và chính quyền Bagdad cũng không có mối quan hệ nào với “Al-Qaeda”. Mấy năm sau, chính Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đã phải công nhận rằng, “bằng chứng về việc Iraq sở hữu vũ khí sát thương hàng loạt” là giả. Còn Tổng thống Mỹ G.W.Bush khi sắp kết thúc nhiệm kỳ 2 vào năm 2008, đã phải thú nhận trên kênh truyền hình Mỹ ABC rằng, quyết định tiến hành chiến tranh lật đổ Saddam Husein dựa vào tin tức tình báo giả và đây “là điều hối tiếc lớn nhất trong sự nghiệp tổng thống của ông”.

Theo một số nguồn tin, lần này ở Syria, để có được “Bản báo cáo tình báo về vụ tấn công hóa học ở Syria”, Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã huấn luyện một số chiến binh trong hàng ngũ các lực lượng đối lập ở Syria cách thức sử dụng vũ khí hóa học, sau đó cải trang thành binh sỹ và sỹ quan quân đội Syria để thực hiện vụ tấn công hóa học nhằm vào dân thường.

Trước động thái hết sức bất ngờ này, các đơn vị quân đội Syria đang tham chiến với các lực lượng đối lập hết sức kinh ngạc khi “nhìn thấy” các binh sỹ mang quân phục Syria thực hiện vụ tiến công này và ngay lập tức gọi điện hỏi cấp trên để làm rõ mọi chuyện. Thế là, các cuộc nói chuyện qua lại giữa họ đã được lực lượng trinh sát đặc nhiệm của Mỹ thu được và họ coi đó là “bằng chứng về việc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học”. Trong “Bản báo cáo tình báo về vụ tấn công hóa học ở Syria” của Mỹ ghi rõ: Mỹ đã “bắt chặn được nội dung các cuộc trao đổi qua điện thoại giữa một đơn vị Quân đội Syria với cơ quan chỉ huy cấp trên về việc sử dụng vũ khí hóa học”.

Quả là một công nghệ tạo cớ cực kỳ nguy hiểm và cao thủ mà chỉ có Cục Tình báo Trung ương Mỹ mới đủ liều và “bản lĩnh” để thực hiện. Tuy nhiên, thế giới này cũng khó bị lừa dối.

Các tay súng phe đối lập Syria.

Ngay sau khi Mỹ công bố “Bản báo cáo tình báo về vụ tấn công hóa học ở Syria”, dư luận đã nhận thấy văn kiện đó dựa trên thông tin tình báo giả, xuất phát chí ít mấy lý do sau. Một là, trong khi Washington cho biết Mỹ không thể công bố toàn bộ nội dung vì lý do “bí mật quân sự” thì dư luận cho rằng, trên thực tế, họ không có bằng chứng có tính thuyết phục để trưng ra trước bàn dân thiên hạ. Hai là, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định, theo tin “tình báo của Mỹ”, số người thiệt mạng trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học là hơn 1.400 người, nhưng lại không đưa ra bất cứ bằng chứng nào, còn con số đó lặp lại y nguyên lời cáo buộc của các lực lượng đối lập ở Syria. Ba là, cũng theo tin “tình báo của Mỹ”, số liệu trinh sát từ vệ tinh chứng tỏ vụ tấn công hóa học ngày 21/8 được tiến hành từ khu vực do quân đội Syria kiểm soát, nhưng số liệu trinh sát từ vệ tinh của Nga lại chứng tỏ điều ngược lại. Bốn là, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh, việc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học là “thách thức đối với cả thế giới”. Thế nhưng trên thực tế, ngoài Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ Mỹ, thì hiện nay gần như tất cả phần còn lại của thế giới đều tỏ ra do dự.  

Ngay sau khi Mỹ công bố “Bản báo cáo tình báo về vụ tấn công hóa học ở Syria”, ngày 31/8, Tổng thống Nga V.Putin đã thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc Chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học, coi đó là những lời lẽ "vô lý", đồng thời yêu cầu Hoa Kỳ đưa ra bằng chứng. Trả lời báo giới tại thành phố Vladivostok về việc Chính quyền Damascus bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, ông V.Putin xác nhận: "Quân đội Chính phủ Syria đang ở thế tấn công và bao vây phe đối lập tại nhiều khu vực. Trước tình hình đó, việc cáo buộc họ sử dụng vũ khí hóa học để kêu gọi một hành động can thiệp quân sự là hết sức phi lý". Ngoài ra, Tổng thống Nga V.Putin cũng yêu cầu Hoa Kỳ trình tất cả các “bằng chứng” mà họ thu thập được cho các thanh sát viên Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho rằng, việc Mỹ đe dọa sử dụng vũ lực chống Syria là không thể chấp nhận được và Washington sẽ vi phạm luật pháp quốc tế nếu nước này hành động mà không được phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngay cả một số tờ báo lớn ở Mỹ cũng lên tiếng nghi ngờ lý do phát động cũng như hiệu quả chiến dịch quân sự của Mỹ ở Syria.

Nhìn lại “truyền thống” tạo cớ phát động chiến tranh của Mỹ

James Bamford, tác giả của chuyên khảo có tựa đề “Body of Secrets”, được biên soạn dựa trên cơ sở các tài liệu mật đã được giải mã theo Luật Tự do ngôn luận của Mỹ, thì lịch sử hơn 200 năm của Hoa Kỳ là chuỗi dài các vụ tạo cớ giả để phát động chiến tranh nhằm vào các nước khác.

Năm 1846, Quân đội Mỹ dàn dựng sự kiện “Mexico tiến công các đơn vị quân đội Mỹ trên lãnh thổ Hoa Kỳ”, lấy cớ đó phát động chiến tranh xâm lược và chiếm đoạt 54% lãnh thổ của quốc gia này. Trước đó, Mỹ đã chiếm đoạt bang Texas của Mexico. Năm 1861, để phát động cuộc chiến tranh ở Địa Trung Hải, nước Mỹ đổ lỗi cho các tàu hải tặc ở Tripoli tiến công tàu chiến của Mỹ ở vùng biển này. Trên thực tế, vụ tiến công đó là do một tàu ngầm cỡ nhỏ của Mỹ thực hiện nhằm vào một tàu vận tải cỡ lớn. Sự kiện này mở đầu cuộc chiến tranh do Hải quân Mỹ tiến hành trên Địa Trung Hải với sự hỗ trợ của các nước châu Âu để chiếm đoạt các vùng lãnh thổ các quốc vương của Đế chế Otoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Năm 1898, Mỹ điều tàu bọc thép “Man” tới La Habana chở theo 800 tấn than đá dễ bốc cháy, nghĩa là vượt quá gấp 3 lần số than đá cần thiết để đi đến Cuba.

Ngày 15/2/1898, tàu bọc thép này được kích nổ tan tành, làm chết toàn bộ kíp lái và thủy thủ đoàn gồm 260 người. Sự kiện này tạo cớ để mở đầu cuộc can thiệp của Mỹ vào các khu vực thuộc địa của Tây Ban Nha ở Mỹ Latinh.

Năm 1915, Mỹ sử dụng một tàu chở khách chất đầy vũ khí và thuốc nổ, đi từ Mỹ sang Anh, cố tình để cho tàu ngầm của Đức tiến công và đánh đắm, làm chết 1.200 hành khách, trong đó có 125 người Mỹ. Sự kiện này tạo cớ cho Mỹ nhảy vào tham chiến trong Chiến tranh thế giới lần thứ I. Từ đầu những năm 1960, Mỹ dựng lên cái gọi là đề án "Northwoods" để gây ra hàng loạt vụ khủng bố, sau đó sẽ cáo buộc Cuba gây ra tội ác đẫm máu đó rồi lấy cớ đó tiến công Cuba.

Theo kế hoạch này, một lực lượng đặc nhiệm được giao nhiệm vụ tiến hành hàng loạt vụ khủng bố nhằm vào dân thường trên các đường phố ở Mỹ như Washington và nhiều thành phố khác; đánh đắm nhiều tàu vận tải chở dân tị nạn Cuba trên biển; tiến công các tàu quân sự của Mỹ đóng tại vịnh Guantanamo. Sau đó, đổ lỗi cho Cuba tổ chức các hành động khủng bố nhằm vào Mỹ, lấy cớ đó thu hút sự ủng hộ của dư luận quốc tế cũng như trong nước để tiến hành cuộc chiến tranh tổng lực chống Cuba. Đề án này đã bị Tổng thống Mỹ Kennedy bác bỏ vì “quá mạo hiểm”.

Tháng 8/1964, Mỹ dàn dựng “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, theo đó khu trục hạm của Mỹ "Maddox" bị phía Việt Nam tấn công trên vùng biển quốc tế ở Vịnh Bắc Bộ. Viện cớ này, sau đó 2 tháng Mỹ mở cuộc ném bom vào Bắc Việt Nam. Trong cuốn hồi ký của Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson, ông công nhận rằng tàu "Maddox" của Mỹ đã nổ súng trước vào các tàu chiến của Bắc Việt Nam, còn việc “tàu chiến Bắc Việt Nam tấn công tàu chiến Mỹ trên vùng biển quốc tế” chỉ là một sự dàn dựng. Năm 1999, lợi dụng cuộc xung đột li khai giữa người dân Cosovo gốc Anbania và người Serbia, Mỹ và NATO tiến hành chiến dịch chiến tranh thông tin trên phạm vi thế giới để tạo dựng lên “thảm kịch” người Serbia “tàn sát dã man” người Cosovo, rồi lấy cớ “nhân quyền cao hơn chủ quyền” để phát động cuộc chiến tranh xâm lược Liên bang Nam Tư, mở đầu quá trình “xúc tiến dân chủ” ở quốc gia này. 

Năm 2011, Mỹ và một số đồng minh đã thành công trong việc trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự thảo Nghị quyết 1970 lên án chính quyền của Tổng thống Libya Muammar Gaddafi phạm “tội ác chống lại loài người” mà chỉ dựa trên các số liệu do chính báo chí phương Tây đưa tin rằng, đã có tới 50.000 người bị sát hại mà không cần điều tra xác minh. Sau đó, cũng chính do nỗ lực của Mỹ và một số đồng minh mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 1973 với những lập luận rất mơ hồ, có thể hiểu theo kiểu nước đôi, mở đường cho chiến dịch “can thiệp nhân đạo” ở Libya mà thực chất là cuộc chiến tranh xâm lược một quốc gia có chủ quyền và là thành viên của Liên hợp quốc

Đại tá Lê Thế Mẫu
.
.
.