Kịch bản Libya đang diễn ra tại Syria?

Thứ Bảy, 19/11/2011, 14:09
Dư luận đặc biệt quan tâm tới thông tin trên tờ nhật báo Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ số ra ngày 17/11, theo đó Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), tổ chức đối lập đang muốn lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad vừa cùng tổ chức Anh em Hồi giáo Syria kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập một vùng cấm bay tại khu vực miền Bắc Syria, nơi đang xảy ra các vụ đụng độ đẫm máu giữa quân đội chính phủ với lực lượng chống đối.

Thủ lĩnh lưu vong của tổ chức Anh em Hồi giáo Syria Mohammad Riad Shakfa cho rằng, người dân Syria sẽ chấp nhận sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột tại Syria hơn là phương Tây, nếu mục đích của hành động đó là bảo vệ người dân. Nhân vật bất đồng chính kiến hàng đầu Syria Haithem al-Maleh không đồng tình với cảnh báo của Nga về một cuộc nội chiến tại Syria bởi ông cho rằng, việc tấn công trụ sở tình báo quân đội hôm 16/11 là hợp lý trong cuộc chiến bảo vệ dân thường.

Người chú đang sống lưu vong Rifaat al-Assad của ông Bashar al-Assad cũng cho rằng, Tổng thống Syria phải từ chức ngay để quốc gia này không bị rơi vào vòng xoáy của nội chiến. Trong khi đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton cho rằng, Tổng thống Bashar al-Assad phải từ chức, thì Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lại có quan điểm khác.

Ông Sergei Lavrov khuyến cáo, các lực lượng bên ngoài đang tìm mọi cách làm phức tạp thêm tình hình tại Syria để biện minh cho hành động can thiệp của họ vào các vấn đề nội bộ của nước này. Ngoại trưởng Sergei Lavrov hối thúc tất cả các quốc gia đang lo lắng cho một kết cục hòa bình tại Syria phải yêu cầu cả chính phủ lẫn lực lượng đối lập ngừng bạo lực và bắt đầu đối thoại.

Cũng trong ngày 17/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho biết, Bắc Kinh hi vọng có thể hợp tác với tất cả các bên liên quan để thúc đẩy việc thực hiện các giải pháp đã được Liên đoàn Arab và Syria nhất trí, tìm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại nước này. Trung Quốc kêu gọi đối thoại giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria ngay sau khi Đức và một số nước châu Âu, Arab kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án Syria.

Đại tá Riyadh al-Asaad và những thành viên trong hội đồng quân sự lâm thời.

Sau khi mở cuộc tấn công vào khu phức hợp tình báo nằm sát thủ đô Damascus bằng tên lửa vác vai cùng súng máy, ngày 17/11, các tay súng thuộc lực lượng quân đội Syria tự do (FSA) lại tấn công vào trụ sở đảng cầm quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Họ tấn công bằng súng phóng lựu tại tỉnh Tây Bắc Idlib, gần Thổ Nhĩ Kỳ. Việc thành lập hội đồng quân sự lâm thời dưới sự lãnh đạo của Đại tá Riyadh al-Asaad, người đào ngũ khỏi quân đội Syria cho thấy phe đối lập quyết tâm lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad bằng biện pháp quân sự.

Đại tá Riyadh al-Asaad là người thành lập FSA hồi tháng 7 sau khi đào tẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ. Đại tá Riyadh al-Asaad cho biết, không muốn người dân Syria cầm súng chống lại chế độ, nhưng họ có quyền bảo vệ người dân vì cộng đồng quốc tế không làm gì. Chủ tịch Hội đồng quân sự lâm thời cũng kêu gọi các nước cung cấp vũ khí cho FSA để họ có thể sớm lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Theo con số của Liên hợp quốc, kể từ tháng 3 đến nay đã có khoảng 3.500 người chết trong các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Những động thái kể trên diễn ra khi thời hạn trong tối hậu thư do Liên đoàn Arab (AL) gửi Syria sắp hết. Hơn nữa, một số nước như Morocco, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Pháp, Mỹ, Thụy Sỹ, Arab Saudi… đã triệu hồi đại sứ tại Syria về nước sau khi người biểu tình ở Damascus tấn công vào đại sứ quán và lãnh sự quán của họ. Mặc dù cả Liên minh châu Âu và NATO đều khẳng định, chưa có ý định can thiệp quân sự vào Syria, nhưng giới phân tích chính trị cho rằng, kịch bản Libya đang được áp dụng tại Syria và thời gian sẽ trả lời nhận định này

Trọng Hậu
.
.
.