Không thể giải quyết tình hình Ukraine bằng biện pháp quân sự

Thứ Tư, 04/02/2015, 08:13
Việc Mỹ cân nhắc hỗ trợ vũ khí cho quân đội Ukraine trong cuộc đấu với lực lượng đối lập ở miền Đông đang dấy lên những lo ngại mới về sự gia tăng bạo lực và xung đột. Trong khi đó, giới phân tích quốc tế vẫn nhận định rằng, không thể giải quyết tình hình Ukraine bằng biện pháp quân sự và sự thận trọng trong cách xử lý của Đức và một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho thấy, bất đồng đã nảy sinh giữa Mỹ và EU trong vấn đề này.

Cảnh báo việc cung cấp vũ khí

Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với người đồng cấp Hungary ở thủ đô Budapest hôm 2/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, chính quyền Berlin sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine bởi đây không phải là cách giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông. Tức là, Đức chỉ ủng hộ việc đàm phán hòa bình và dùng biện pháp ngoại giao để hóa giải những bất đồng sâu sắc giữa hai bên.

Các cuộc xung đột ở miền Đông đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người dân vô tội. Ảnh: EFE.

Quan điểm của người đứng đầu Chính phủ Đức là phải ngay lập tức khôi phục lệnh ngừng bắn dựa trên các điều khoản của thỏa thuận hòa bình Minsk được chính quyền Kiev và lực lượng đối lập ký hồi tháng 9 năm ngoái. Từ cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo Đức, Pháp đã liên tiếp điện đàm với lãnh đạo Nga và Ukraine, kêu gọi "ngừng bắn ngay lập tức" ở miền Đông Ukraine.

Dù thể hiện sự thất vọng khi cuộc đàm phán của Nhóm tiếp xúc về Ukraine diễn ra tại Minsk, Belarus, ngày 31/1 đổ bể hoàn toàn, song các nhà lãnh đạo Đức, Pháp đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục các cuộc đàm phán của Nhóm tiếp xúc.

Trước tình hình đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố, Washington chưa đưa ra quyết định về khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev mặc dù việc này đã được Tư lệnh tối cao của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu, Tướng Philip Breedlove cùng nhiều quan chức Chính phủ Mỹ và Lầu Năm Góc bàn bạc nhiều lần. Nhiều nhà phân tích nhận định, chính thông tin về việc Mỹ xem xét hỗ trợ vũ khí sát thương cho Chính phủ Ukraine đã khiến tình hình chiến sự ở miền Đông thêm phức tạp và đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất vẫn là dân thường vô tội.

Trong một diễn biến khác, để thể hiện nỗ lực giải quyết vấn đề, Nga và Ukraine đang đàm phán gián tiếp về mở lại một hành lang hàng không quốc tế chủ chốt trên Biển Đen cho các chuyến bay thương mại. Đồng thời, chính quyền Moskva cũng kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn. Đáp lại, người đứng đầu Cộng hòa Donetsk tự xưng (DPR) Alexander Zakharchenko và người đứng đầu Cộng hòa Lugansk tự xưng Igor Plotnitsky cũng ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định không có ý định thực hiện các hành động tấn công, sẵn sàng dừng lại tại đường ranh giới hiện nay và kêu gọi Kiev ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết xung đột.

Nỗi lo về chủ nghĩa phát xít mới

Như vậy, tính đến nay, cuộc khủng hoảng Ukraine và cuộc đối đầu Nga - phương Tây đã bị đẩy đi quá xa sau 1 năm bùng nổ. Giới phân tích đang lo ngại, những diễn biến căng thẳng lên tới đỉnh điểm như hiện nay có khả năng sẽ bùng lên một cuộc chiến tranh toàn diện mới.

Thậm chí, có nhà phân tích còn nhấn mạnh rằng, chủ nghĩa phát xít mới đang hình thành ở Ukraine và tình hình giờ không khác gì Đức đầu những năm 1930 khi chủ nghĩa Hitler nổi lên cầm quyền và dẫn tới Chiến tranh thế giới lần II. Đã đến lúc thế giới phải phản đối những âm mưu phát động một cuộc chiến tranh thế giới và để giải quyết vấn đề này, cần phải từng bước thực hiện và đảm bảo xung đột không tiếp tục leo thang ở Ukraine.

Ngay cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong nhiều lần trả lời phỏng vấn báo giới cũng đã cáo buộc châu Âu đang làm ngơ trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít ở Ukraine và nên đem vấn đề này ra bàn luận tại Liên Hợp Quốc.

Gia Nam
.
.
.