Hậu bầu cử tại Hy Lạp: Không muốn rời khỏi Eurozone

Thứ Ba, 27/01/2015, 09:09
Theo kết quả sơ bộ, với 94% số phiếu được kiểm, đảng Syriza đã giành được 36,37% số phiếu, vượt xa số phiếu bầu của đảng Dân chủ kiểu mới theo đường lối bảo thủ của Thủ tướng đương nhiệm Antonis Samaras với 28%. Chiến thắng của đảng chống “chính sách khắc khổ” làm dấy lên những lo ngại của Hy Lạp trong Liên minh châu Âu (EU).

Hãng tin CNN dẫn phát biểu của ông Alexis Tsipras, lãnh đạo đảng Syriza trước cử tri ủng hộ ở Athens cho biết, “người Hy Lạp đã viết nên lịch sử”: “Hy Lạp sẽ rời xa việc thắt lưng buộc bụng, đất nước này sẽ để lại đằng sau nỗi sợ hãi và chế độ chuyên chế, sẽ để lại đằng sau 5 năm bị bẽ mặt và đau đớn”.

Vị thủ lĩnh đảng Syriza cam kết, sẽ giảm một nửa số nợ của Hy Lạp, nhưng cũng đã sẵn sàng đàm phán về “một giải pháp khả thi” và mong muốn đất nước ở lại EU. Điều đó cho thấy, dù không ủng hộ chính sách kinh tế hà khắc của EU, song ông Alexis Tsipras không muốn Hy Lạp phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ngược lại cam kết sẽ cố gắng giữ Hy Lạp ở lại liên minh tiền tệ này.

Đảng Syriza cũng cam kết, sẽ ngừng cắt giảm lương và chi tiêu công, đồng thời yêu cầu đàm phán lại với các nhà cứu trợ quốc tế là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về những điều kiện của gói cứu trợ tài chính trị giá hàng trăm tỷ Euro.

Tuy nhiên, theo ông David Schnautz - chiến lược gia của Ngân hàng Commerzbank, những phát biểu của ông Tsipras là dấu hiệu của những cuộc đàm phán đầy khó khăn giữa chính phủ mới của Hy Lạp và các chủ nợ.
Lãnh đạo đảng Syriza, ông Alexis Tsipras phát biểu trước người ủng hộ ở thủ đô Athens. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, với số phiếu đạt được, đảng Syriza đã giành được 149 ghế trong tổng số 300 ghế ở Quốc hội Hy Lạp. Nếu đảng Syriza giành được 151 ghế sẽ trở thành đảng cầm quyền mới của Hy Lạp, không phải liên minh với bất kỳ đảng phái nào trong Quốc hội.

Các lãnh đạo của những đảng nhỏ hơn đã phát tín hiệu sẵn sàng ủng hộ ông Tsipras thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, ông Tsipras cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Hy Lạp chưa thực sự thoát khỏi suy thoái.

Theo Giáo sư nghiên cứu chính trị tại Đại học Yale của Mỹ, ông Stathis Kalyvas, kịch bản khả thi nhất là ông Tsipras sẽ ngừng thỏa thuận về một gói cứu trợ mới và đưa ra cách tiếp cận khác. Khi đó, ông Tsipras sẽ “tự biến thành chính trị gia đi theo hướng dân chủ xã hội, thực hiện nhiều cải cách và sẽ thống trị chính trường Hy Lạp trong 10 - 15 năm tới”.

Tuy nhiên, chính Giáo sư Kalyvas cũng cho rằng, kịch bản này ít có khả năng xảy ra. Trong khi đó, kịch bản dễ xảy ra nhất là ông Tsipras tận dụng được lợi thế triển vọng kinh tế đang được cải thiện.

Việc đảng Syriza giành chiến thắng đã khiến không ít thành viên EU lo ngại, vì sẽ khiến cho các chính sách khắc khổ của châu Âu rơi vào bế tắc, và khi đó, “lục địa già” này có thể sẽ phát sinh những rủi ro kinh tế.

Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng, kết quả bầu cử quốc hội tại Hy Lạp có thể làm gia tăng bất ổn về kinh tế tại châu Âu.

Thông qua mạng xã hội Twitter, ông Cameron viết: “Bầu cử ở Hy Lạp sẽ làm gia tăng bất ổn về kinh tế tại châu Âu. Đó là lý do Anh phải tiếp tục kiên trì với chính sách của mình, đảm bảo an ninh trong nước”.

Thực tế cho thấy, giá đồng euro đã chạm đáy thấp nhất trong 11 năm qua so với đồng USD.

Trong phiên giao dịch sáng 26/1 tại thị trường Tokyo, sau khi chạm “đáy mới” ở ngưỡng 1 euro đổi 1,1088 USD - mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua kể từ tháng 9/2003, tỷ giá đồng euro đã hồi phục đôi chút với 1 euro đổi 1,1169 USD.

Bên cạnh đó, về mặt chính trị, EU còn lo ngại, thắng lợi của Syriza sẽ cổ vũ các đảng khác chống lại chính sách khắc khổ tại các nước EU.

Hiện cả Pháp và Đức, hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone, đều mất kiên nhẫn về khả năng phục hồi của kinh tế Hy Lạp và đều tuyên bố “quyết định lúc này là của người dân Hy Lạp”. Còn các giới chức IMF cảnh báo, họ sẽ không giải ngân 8 tỷ USD cho đến khi nào Athens lập xong chính phủ mới.

Bên cạnh những lo lắng thì chiến thắng của Syriza lại mở ra những con đường mới và cơ hội mới cho sự phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Hy Lạp. Đó là nhận định của Phó chủ tịch Ủy ban Chính sách kinh tế, cải cách và thương mại thuộc Duma Quốc gia Nga.

Ông Mikhail Emelyanov nói: “Thực tế Syriza đang giành rất nhiều phiếu là một dấu hiệu gây lo lắng cho EU, bởi vì điều này nói lên cuộc khủng hoảng không chỉ ở Hy Lạp mà còn ở cả châu Âu, cuộc khủng hoảng của cả hệ thống chính trị châu Âu. Chiến thắng của Syriza sẽ là một bước đột phá và sẽ phá vỡ sự đồng thuận của châu Âu”.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.