Kho vũ khí hóa học của Syria sẽ được tiêu hủy như thế nào?

Thứ Tư, 04/12/2013, 12:06
Giữa lúc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) còn đang rối bời chưa biết sẽ xử lý thế nào với kho vũ khí hóa học 1.300 tấn ở Syria do sự bất hợp tác của một số nước như Albania, Bỉ…, Mỹ đã xung phong nhận tiêu hủy 500 tấn vũ khí hóa học loại mạnh trên một con tàu ngoài biển Địa Trung Hải. 800 tấn vũ khí hóa học còn lại đang là tâm điểm tranh cãi về cách thức tiêu hủy.

Thủy phân trên tàu MV Cape Ray

Trong một tuyên bố được đưa ra chiều 30/11, OPCW cho biết, trong gần 2 tháng qua, các chuyên gia của tổ chức này đã tìm kiếm mọi nguồn tài trợ cũng như cách thức để tiêu hủy 1.300 tấn khí độc sarin, XV và chất động methyl sulfonyl fluoride. Nhưng càng bàn thảo thì lại càng vô vọng bởi không một quốc gia nào đồng ý đưa số hóa chất chết người này đến quốc gia họ để tiêu hủy dù việc tiêu hủy được thực hiện đúng cách và được đảm bảo là an toàn về môi trường. Có những lúc các chuyên gia của OPCW bi quan cho rằng, kế hoạch tiêu hủy kho vũ khí hóa học ở Syria trong nửa đầu năm 2014 sẽ bị phá sản. Vì thế, đề nghị của Mỹ đã giúp tháo gỡ những khó khăn đầu tiên. Theo đó, việc tiêu hủy vũ khí hóa học sẽ được thực hiện trên tàu hỗ trợ MV Cape Ray của hải quân Mỹ. Biện pháp tiêu hủy là thủy phân, tức là dùng nước để pha loãng chất hóa học xuống nồng độ an toàn.

Hiện Washington đang gấp rút hoàn thiện các sửa đổi cần thiết để chiếc tàu MV Cape Ray có thể chở theo một nhà máy di động. Phát ngôn viên của Hội đồng an ninh Nhà Trắng Caitin Hayden nói: "Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ các nỗ lực phá hủy vũ khí hóa học ở Syria của Liên hợp quốc (LHQ) một cách an toàn, nhanh chóng và hiệu quả". Bà Caitin Hayden cũng khẳng định rằng, thủy thủ đoàn trên chiếc tàu MV Cape Ray đã sẵn sàng thực thi nhiệm vụ khó khăn này khi được lệnh. Phát ngôn viên của Hội đồng an ninh Nhà Trắng còn cho biết thêm rằng, tàu MV Cape Ray được thiết kế để hỗ trợ hoạt động cho ít nhất 46 tàu khác nên việc kéo theo, hoặc thậm chí chở một nhà máy thực hiện quy trình thủy phân không đáng lo ngại.

Dự kiến, quá trình xử lý vũ khí hóa học trong nhà máy di động nói trên sẽ cho ra 7,7 triệu lít chất thải được chứa trong 4.000 container. Việc xử lý 7,7 triệu lít chất thải này mới là vấn đề mà OPCW và Mỹ cần phải suy tính cẩn thận. Người dứng đầu OPCW, bà Sigrid Kagg cho biết, hiện tất cả số vũ khí hóa học được đóng gói và niêm phong từ các địa điểm khác nhau được tập trung về cảng Latakia của Syria. Sau đó, số vũ khí này sẽ được vận chuyển tới các tàu của nhiều quốc gia và từ đó được chuyển lên tàu MV Cape Ray của Mỹ. Nếu nhanh thì chỉ trong 2 tháng, tháng 1 và tháng 2 năm 2014, tàu MV Cape Ray sẽ thực hiện xong nhiệm vụ tiêu hủy 500 tấn vũ khí hóa học loại mạnh của Syria.

Sự tham gia của các công ty tư nhân

Ngoài sự trợ giúp của Mỹ, hiện OPCW cũng đã nhận được những lời hứa hỗ trợ từ 35 công ty đa quốc gia ở châu Âu và Trung Đông. Điều này cũng có nghĩa là OPCW sẽ từ bỏ hoàn toàn khả năng đưa vũ khí hóa học của Syria tới Albania hay Bỉ để tiêu hủy. Và để việc giải giáp vũ khí hóa học của Syria được thực hiện đúng theo lộ trình đã đề ra, OPCW đã cử các chuyên gia tới làm việc với từng công ty. Gần 10 công ty trong số 35 công ty này đã chấp thuận việc hỗ trợ hủy bỏ chất toxin trong loại khí gas độc của Syria và tìm một cảng ở khu vực Địa Trung Hải để chuyển số vũ khí còn lại ra bên ngoài lãnh thổ Syria. Nếu điều kiện thuận lợi, 35 công ty này sẽ hỗ trợ tiêu hủy nốt 800 tấn vũ khí hóa học còn lại ở Syria.

Từ đầu tháng 10, các chuyên gia của OPCW đã tiếp cận với kho vũ khí hóa học ở Syria để thực hiện các bước cần thiết cho lộ trình giải giáp vũ khí hóa học ở nước này.

Hãng Reuters cho hay, các công ty của Anh tham gia hoạt động này đã thể hiện sự tích cực của mình bằng việc đưa ra nhiều đề xuất phù hợp với tình hình hiện nay ở Syria. Sự nhiệt tình của những công ty này cũng nhận được sự ủng hộ của chính phủ Anh mà cụ thể là Anh sẽ cho phép vận chuyển vũ khí hóa học của Syria qua hai cảng của nước này là cảng Southampton và cảng Ellesmere.

Và kỹ thuật tiêu hủy bằng đốt nóng

Ngay từ hồi tháng 9, khi việc tiêu hủy vũ khí hóa học được bàn luận sâu hơn, Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong một lần trả lời phỏng vấn với hãng tin Fox News của Mỹ đã nhận định rằng, quá trình tiêu hủy vũ khí hóa học rất phức tạp về kỹ thuật và cần nhiều tiền, ước tính khoảng 1 tỷ USD để thực hiện. Trong trường hợp ở Syria, nhiều nhà phân tích đã nhận định rằng, thời gian tiêu hủy vũ khí hóa học phải kéo dài từ 9 tháng đến 1 năm. Đó là chưa kể đến những tác nhân bên ngoài có thể khiến quá trình này bị lâu hơn bởi lẽ Syria vẫn đang là quốc gia bị chia rẽ vì nội chiến.

Chuyên gia về vũ khí hóa học Ralph Trapp, người từng có thời gian làm việc cho OPCW cho hay, có nhiều kỹ thuật khác nhau để tiêu hủy đạn dược hóa học và tác nhân hóa học; đa phần liên quan đến việc thiêu nóng ở nhiệt độ rất cao để phá hủy độc tố bên trong các chất hóa học, hoặc trung tính hóa các chất hóa học bằng cách thêm nước và 1 sản phẩm giống xút ăn da. Biện pháp thứ hai này chính là quá trình mà nhà máy trên tàu MV Cape Ray sẽ thực hiện. Tiêu hủy vũ khí hóa học bằng thiết bị nổ thì ẩn chứa nhiều rủi ro.

Nếu thực hiện biện pháp này, phải có một tổ hợp tiêu hủy cơ động, có thể di chuyển vào vị trí tương đối nhanh và tránh được nguy cơ vận chuyển vũ khí "sống" qua một khu vực chiến sự. Hiện quân đội Mỹ đã phát triển tổ hợp cơ động như vậy có tên gọi Hệ thống Tiêu hủy Nổ (EDS), sử dụng các chất hóa học để vô hiệu hóa tác nhân gây độc. Tổ hợp này đã huy động để tiêu hủy hơn 1.700 vũ khí hóa học ở Mỹ từ năm 2001 và có thể xử lý tới 6 vũ khí cùng một lúc.

Bên cạnh đó, các chuyên gia vũ khí hóa học còn giới thiệu một công nghệ nổ nóng khác là làm nóng đạn dược bên trong một buồng nổ lên mức khoảng 550 độ C, đủ nóng để tiêu hủy vũ khí và các chất hóa học bên trong. Biện pháp này do một công ty Thụy Điển có tên Dynasafe phát triển và hiện được sử dụng trong việc phá hủy các vũ khí hóa học ở Trung Quốc, Đức và Mỹ. Một chuyên gia của OPCW cho hay, tổ chức này cũng đã tính có thể sẽ tiêu hủy ít nhất 300-500 tấn vũ khí hóa học của Syria bằng biện pháp này với sự hỗ trợ của các công ty đa quốc gia

Ngọc Khuê
.
.
.