Khai mạc diễn đàn kinh tế Davos 2009

Thứ Sáu, 30/01/2009, 08:39
Với sự tham dự của hơn 2.500 đại biểu đến từ 96 nước trên thế giới, trong đó có hơn 40 nguyên thủ quốc gia, 60 Ngoại trưởng, Bộ trưởng Tài chính, Thương mại và Năng lượng, cũng như các nhà lãnh đạo của hơn 30 tổ chức quốc tế, lãnh đạo giới kinh doanh và khoảng 1.000 đại diện các công ty lớn trên thế giới, Diễn đàn Kinh tế Davos 2009 đã khai mạc rạng sáng 29/1 tại Davos, Thụy Sĩ (theo giờ Việt Nam).

Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã tham gia Diễn đàn Kinh tế Davos 2009.

Mối quan tâm của cả thế giới

Tuy tiết trời tại Davos, Thuỵ Sĩ rất lạnh, nhưng những vấn đề được đưa ra bàn thảo lần này vừa nhiều, vừa nhạy cảm, vừa khó giải quyết, vừa thời sự, nhất là khi nền kinh tế thế giới đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng như hiện nay. Tuy nhiên, theo đánh giá của dư luận cũng như các nhà kinh tế thì Diễn đàn Kinh tế Davos 2009 đã khai mạc trong bầu không khí nặng nề và bi quan. Theo thống kê, chỉ có khoảng 1/5 các lãnh đạo doanh nghiệp cỡ lớn trên thế giới tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế trong năm 2009.

Hội nghị thường niên lần thứ 39 đã khai mạc với chủ đề "Định hình thế giới sau khủng hoảng" đã đặt ra những thách thức khác nhau cũng như cảnh báo mới về cuộc suy thoái toàn cầu đang lan rộng trên phạm vi toàn thế giới. Diễn đàn Kinh tế Davos 2009 được đánh giá là quan trọng nhất trong lịch sử kể từ khi được thành lập năm 1971 đến nay.

Diễn ra từ 28/1 đến 1/2, Diễn đàn Kinh tế Davos 2009 sẽ tập trung vào 6 phần chính. Thứ nhất, thúc đẩy sự ổn định trong hệ thống tài chính và phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thứ hai, đảm bảo việc điều hành có hiệu quả ở các cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Thứ ba, giải quyết những thách thức về bền vững và phát triển. Thứ tư, định hình các giá trị và các nguyên tắc lãnh đạo cho một thế giới sau khủng hoảng. Thứ năm, tạo ra đợt sóng phát triển mới thông qua đổi mới, khoa học và kỹ thuật. Thứ sáu, hiểu biết những hàm ý về các mô hình kinh doanh công nghiệp.

Diễn đàn Kinh tế Davos 2009 cũng sẽ thảo luận việc cơ cấu lại các quan hệ kinh tế thế giới, xây dựng hệ thống tài chính thế giới mới, đề ra các phương pháp tiếp cận mới để giải quyết cuộc khủng hoảng, củng cố hợp tác toàn cầu phù hợp với những yêu cầu trong thế kỷ 21, tình hình chiến sự Trung Đông, tình trạng biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, giúp đỡ các trẻ em nghèo, đấu tranh với tội phạm toàn cầu, giữ gìn các nguồn nước tự nhiên…

Áp phích Diễn đàn Kinh tế Davos 2009

Ngoài ra, Diễn đàn Kinh tế Davos 2009 cũng xem xét cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay và những biện pháp nhằm cứu vãn nền kinh tế thế giới, cũng như định hình toàn bộ chương trình nghị sự sau khủng hoảng. Theo đó, mọi vấn đề như cải cách kinh tế, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và nước, cũng như thể chế mà thế giới cần hợp tác để phát triển đều được đưa ra bàn thảo tại Diễn đàn Kinh tế Davos 2009.

Giới kinh tế cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất trong vòng 70 năm qua, nhưng chưa quốc gia nào được chuẩn bị để đối phó với tình huống này.

Những nhận định không mấy lạc quan

Dư luận rất quan tâm tới bài phát biểu của Thủ tướng Nga Putin (khai mạc hội nghị) và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Thủ tướng Putin cho rằng, thế giới cần có nhiều đồng tiền dự trữ, có chính sách cởi mở hơn ở các nước phát hành chúng, cũng như cần tránh quan điểm cho rằng, nhà nước có thể giải quyết mọi vấn đề. Sở dĩ như vậy vì cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay giống như một "cơn bão hoàn chỉnh".

Thủ tướng Putin cũng thông báo những chính sách của Nga nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như cách nhìn của ông đối với tình hình thế giới hiện nay. Ngoài ra, Thủ tướng Putin cũng giải thích lập trường của Nga trong "cuộc chiến khí đốt Nga-Ukraine".

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết, cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế đã có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Trung Quốc và đang tạo áp lực giảm tăng trưởng GDP trong năm 2009. Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ áp dụng những biện pháp tức thì, mạnh mẽ và có hiệu quả để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay. Được biết, Thủ tướng Putin và người đồng cấp Ôn Gia Bảo sẽ có cuộc gặp bên lề Diễn đàn Kinh tế Davos 2009 để thảo luận các vấn đề hợp tác song phương, nhất là trong lĩnh vực năng lượng.

Với tư cách nước chủ nhà, Tổng thống Hans Rudolf Merz cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế cho thấy, phát triển phải được xây dựng trên những giá trị chung. Dư luận hy vọng, Diễn đàn Kinh tế Davos 2009 sẽ tìm biện pháp hữu hiệu nhằm thoát khỏi "cơn địa chấn kinh tế" đang gây những tổn thất lớn trên phạm vi thế giới.

Tân Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cử cố vấn về các mối quan hệ xã hội Valery Jarrett tham dự Diễn đàn Kinh tế Davos 2009. Dư luận cho rằng, thành công của Diễn đàn Kinh tế Davos 2009 sẽ tạo động lực cho vòng đàm phán Doha đạt kết quả tốt.

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 28/1, tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2009 sẽ giảm xuống 0,5%, mức thấp nhất trong hơn 60 năm qua. IMF cho rằng, nền kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng nặng từ cuộc khủng hoảng hiện nay và 2009 sẽ là năm nhiều thách thức nhất đối với nền kinh tế thế giới.

Còn theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), sẽ có hơn 50 triệu người mất việc trong năm 2009. Ông Joan Somavia, Tổng Giám đốc ILO nhấn mạnh, dự báo của ILO là thực tế, không phải suy đoán, đồng thời cho rằng, cuộc khủng hoảng việc làm có thể dẫn tới nhiều bất ổn xã hội. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng vừa yêu cầu các nước giàu phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế khiến gia tăng số người đói nghèo trên thế giới.

Một số nhà kinh tế cho rằng, trong khoảng 6 tháng đầu năm 2009, giá dầu thế giới sẽ ở mức 40 USD/thùng trước khi tăng 80 USD/thùng vào 6 tháng cuối năm 2009. Riêng hãng Merrill Lynch & Co thì cho rằng, giá dầu trung bình trong năm 2009 sẽ ở mức 50 USD/thùng.

Còn theo Hãng đánh giá đầu tư và kinh tế Moody's, mức giá dầu trung bình trong năm 2009 sẽ là 50 USD/thùng trước khi đạt mức 55 USD/thùng vào năm 2010. Những nhận định kể trên có ảnh hưởng và tác động lớn tới tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của thế giới

Quốc Trung
.
.
.